Tại hội thảo, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Trần Quốc Hùng, cho biết, mặc dù đã có những văn bản pháp lý quốc tế và Việt Nam quy định về biểu tượng và việc sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ nhưng hiện nay, tại trung ương và địa phương đều xuất hiện việc lạm dụng biểu tượng Chữ thập đỏ.
Biểu tượng xuất hiện khá phổ biến ở nhiều lĩnh vực không thuộc hoạt động Chữ thập đỏ, phổ biến nhất là ngành y tế (các cơ sở y tế, cửa hàng thuốc tân dược, xe cấp cứu, trên các chương trình truyền hình, quảng cáo sản phẩm chăm sóc sức khỏe), các sản phẩm hàng hóa, biển quảng cáo, biển báo.
Nghiêm trọng hơn, một số đơn vị, nhóm người, cá nhân mạo danh Hội Chữ thập đỏ, cán bộ hội sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ, biểu trưng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam để vận động quyên góp, bán hàng từ thiện... làm ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh, thương hiệu và uy tín của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
Đại diện Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế cho biết, các biểu tượng của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ, Pha lê đỏ ngoài mục đích nhận diện cho tổ chức làm công tác nhân đạo còn có một mục đích, ý nghĩa là biểu tượng của sự bảo vệ.
Luật pháp quốc tế quy định, trong các cuộc xung đột vũ trang, những người bị thương, người bệnh và người chăm sóc họ cùng các phương tiện, cơ sở vật chất khi mang biểu tượng này đều được bảo vệ, không ai được phép tấn công.
Do vậy, các biểu tượng trên cần phải được tôn trọng và sử dụng đúng mục đích. Nếu biểu tượng này bị sử dụng một cách tùy tiện, bừa bãi sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng của nhiều người.