1. Chuyện này, vợ chồng tôi cũng đã bàn qua vài lần nhưng chưa quyết vì còn cân chỉnh thêm. Tôi nhớ, năm nào đến dịp cận tết, ở một số nhóm của chị em phụ nữ đã có gia đình trên mạng xã hội cũng bàn thảo về đề tài này và năm nào cũng “nóng” như câu chuyện mới tinh.
Năm nay, trên mạng xã hội, những dòng trạng thái kiểu thăm dò tương tự tin của Trang nhắn cho tôi không hiếm và đương nhiên vẫn nhận được sự thảo luận, góp ý của đông đảo chị em. Hầu hết mọi người đều khuyên biếu tết cha mẹ theo khả năng của mình hoặc năm nay khó khăn nên biếu tượng trưng là được.
Ở thời điểm hiện tại, tôi cũng nghĩ, biếu nội ngoại hai bên bao nhiêu là tùy tâm mỗi người. Tuy nhiên, tôi và Trang lại là chị em bạn dì nên cũng tế nhị trong việc chia sẻ cụ thể khoản tiền biếu tết nhà nội. Bởi vậy mà tôi chỉ trao đổi lại với Trang rằng sẽ biếu một khoản vừa phải vì năm nay khó khăn bởi Covid-19, lương thưởng cũng cắt giảm.
Tôi cũng gợi ý vợ chồng Trang có thể biếu ông bà một ít là được. Cộng với khoản vợ chồng tôi biếu, ông bà cũng đủ mua sắm tết. Dù gì vợ chồng tôi còn có thưởng, còn vợ chồng Trang đi làm chỉ để chia sẻ với công ty chứ ai chẳng biết ngành du lịch vẫn đang bên bờ vực.
Thế nhưng dường như chú Nhân (em chồng tôi) không hài lòng khi vợ đề nghị biếu cha mẹ đôi ba triệu đồng gọi là mừng tuổi. “Ổng bảo mọi năm sao, năm nay vậy. Ổng bảo khó khăn thì cũng đã khó cả năm, chỉ có vài ngày tết phải để ông bà sắm sửa đàng hoàng chứ không lẽ cắt hết”, Trang nhắn lại cho tôi như vậy. Một hồi, Trang cũng “khai” ra là vợ chồng đang chiến tranh lạnh chỉ vì không thuận trong việc biếu tiền tết cha mẹ hai bên.
2. Quả thực, việc biếu tết nội, ngoại năm nào cũng là vấn đề khiến không ít chị em phải suy nghĩ. Cách đây hơn chục ngày, chị Nguyệt - một đồng nghiệp của tôi than thở rằng, mẹ đẻ chị đã “đánh tiếng” cho con rể, nhắc khéo chuyện tiền biếu tết ông bà. “Ai đời cả tháng nữa mới tết mà bà ngoại tụi nhỏ đã khoe với hàng xóm là vợ chồng tôi gửi cả chục triệu đồng về biếu ông bà ăn tết.
Bà còn vô tư kể cho con rể nghe. Ba tụi nhỏ nghe xong chỉ cười trừ. Không biết ổng có nghĩ mình lén gửi tiền về cho đàng ngoại không mà thi thoảng ổng lại hỏi đã gửi tiền biếu nội chưa”, chị Nguyệt rầu rĩ kể. Cũng sau câu chuyện ấy, tôi thấy chị Nguyệt hay lôi cuốn sổ ra ghi ghi chép chép. Có lần bắt gặp tôi đang nhìn, chị bảo đang ghi lại mấy khoản phát sinh phải chi và cân đối với tiền lương, thưởng sắp tới đặng thu xếp tiền biếu cha mẹ hai bên lo tết.
Còn chị Thảo kế nhà tôi cũng đang thu xếp thực hiện trọng trách mà nhà chồng giao cho từ nhiều năm nay. Năm nào gia đình chị Thảo cũng về quê nội ăn tết. Ngoài nhiệm vụ bất di bất dịch là sắm tết từ A-Z ở nhà chồng, chị phải biếu ba chồng một khoản, mẹ chồng một khoản để sắm sửa cá nhân. Chị còn chủ động hỏi ông bà tính bỏ phong bao mừng tuổi bà cố nội, ngoại, lì xì đám cháu bao nhiêu để vợ chồng chị chuẩn bị. “Những việc ấy đã thành nếp. Năm nay dịch bệnh như vậy, nhưng tuyệt nhiên không thấy ông bà nói gì, vì vậy tôi cũng xác định cố gắng xoay xở để theo nếp cũ”, chị Thảo cho biết.
3. Nhìn mọi người xung quanh rồi lại nghĩ đến tôi của vài năm trước. Tôi làm dâu hơn 10 năm thì 5 năm đầu cũng đau đầu vì lo biếu tết cha mẹ hai bên. Như bao gia đình mới cưới khác, chúng tôi phải vừa gầy dựng sự nghiệp, vừa vun vén cho gia đình, con cái còn nhỏ, đủ thứ phải lo.
Bởi vậy mà mỗi bận cuối năm, tôi lại ăn không ngon, ngủ không yên. Lương, thưởng thấp, không có tiền tích lũy, thậm chí luôn trong tình trạng chưa hết tháng đã hết tiền, nhưng chuyện lễ nghĩa, trách nhiệm với cha mẹ hai bên thì vẫn phải có. Dẫu rằng tôi có thể xuề xòa với nhà ngoại, nhưng nhà nội thì tuyệt nhiên không dám.
Thời đó mạng xã hội chưa phát triển, tôi chỉ có thể thăm dò bạn bè, đồng nghiệp xem mọi người biếu tết gia đình chồng như thế nào để mình học hỏi, đặng không phật lòng cha mẹ. Dĩ nhiên, tôi cũng gồng lên, tự dặn lòng chi thoáng một xíu để “ghi điểm” với nhà chồng.
Và sau tết, tôi lại phải thắt chặt chi tiêu gia đình hơn nữa để bù vào khoản đã chi thoáng trong tết. Sau này, tôi mạnh dạn chia sẻ với mẹ chồng về chuyện biếu tặng ngày tết. Tôi nhận ra, mình có nhiều dịp để báo hiếu cha mẹ chứ không phải chỉ là dịp tết. Và biếu tết cha mẹ nhiều hay ít không phải là thước đo của sự hiếu thảo mà cách sống với mọi người mới quan trọng.
Từ những cuộc trò chuyện thẳng thắn ấy, tôi cũng hiểu, không người cha người mẹ nào mong muốn con mình phải gồng lên, chi tiêu vượt quá khả năng để rồi phải đón năm mới với tâm trạng canh cánh nỗi lo tiền bạc.