Sau khi báo chí phản ánh, lãnh đạo TP Đà Lạt hỏa tốc chỉ đạo các phòng, ban địa phương liên quan vào cuộc kiểm tra. Theo báo cáo nhanh của UBND phường 4, qua kiểm tra, tại khu vực Quảng Thừa có 4 công trình xây dựng không phép, trong đó chỉ 1 trường hợp xây dựng mới, còn lại là cải tạo nhà.
Báo cáo là vậy, nhưng nếu ai đã từng đến thực địa hoặc chỉ cần xem hình ảnh trên báo chí về những công trình đồ sộ, kiểu dáng biệt thự, diện tích sử dụng cả hàng trăm mét vuông ở khu vực này thì khó chấp nhận được cụm từ “cải tạo nhà”. Hơn nữa, việc nhiều công trình quy mô lớn, thời gian xây dựng cả hàng tháng trời đồng loạt mọc lên, nhưng chính quyền địa phương không phát hiện, ngăn chặn kịp thời, đã khiến dư luận bức xúc đặt ra nghi vấn về tình trạng tiếp tay, bảo kê cho xây dựng không phép ở khu vực này.
Không chỉ ở “vùng ven” Quảng Thừa, mà ngay tại trung tâm TP Đà Lạt cũng xảy ra tình trạng những công trình đồ sộ sai phép. Đó là tòa nhà trung tâm hội nghị Palace, nằm trong khuôn viên khách sạn nổi tiếng Dalat Palace, ngay bên hồ Xuân Hương. Công trình này được Sở Xây dựng Lâm Đồng cấp phép vào cuối năm 2016 với quy mô xây dựng khá lớn. Theo kết quả kiểm tra của ngành chức năng vào cuối năm 2017, công trình này đã có hàng loạt sai phạm. Trong đó, chiều cao vượt so với giấy phép xây dựng và bản vẽ thiết kế là 6,1m; tổng diện tích sàn xây dựng vượt so với giấy phép là 2.303m2; xây dựng dư 1 tầng kỹ thuật ở sân thượng với diện tích 315m2, cao 7m; không đảm bảo khoảng lùi phía đường Hồ Tùng Mậu… Điều đáng nói là những sai phạm nêu trên được kiểm tra, phát hiện khi công trình đã trong quá trình hoàn thiện và cho đến nay nhiều hạng mục sai phạm vẫn tồn tại.
Một trường hợp khác khá khôi hài về quản lý xây dựng tại Đà Lạt, đó là việc làm giả giấy tờ để được cấp phép xây dựng trong khuôn viên biệt thự số 22 Hùng Vương (phường 10, TP Đà Lạt). Đây là một trong những biệt thự nằm trong trục Di sản Kiến trúc Đông - Tây của Đà Lạt.
Để được Sở Xây dựng cấp phép, Công ty CP Địa ốc Đà Lạt đã sửa vào sổ đỏ và quyết định điều chỉnh mục đích sử dụng đất của UBND tỉnh Lâm Đồng. Hành vi làm giả giấy tờ sẽ bị xử lý. Điều đáng bàn ở đây là, vì sao những giấy tờ giả này lại dễ dàng “qua mặt” Sở Xây dựng Lâm Đồng và cơ quan quản lý ở địa phương; trong khi chỉ người dân bình thường cũng thấy được sự bất thường ở những công trình xây dựng nhếch nhác trong khuôn viên biệt thự cổ này?
Có một thực tế, thời gian qua, vì nhu cầu bức bách về chỗ ở, nhiều người thu nhập thấp ở Đà Lạt lén lút xây dựng nhà tạm khi chưa có giấy phép. Nhưng dù ở ngóc ngách nào, khi người dân vừa “động đậy”, lập tức có cán bộ địa phương đến “hỏi thăm”. Trong khi đó, những biệt thự đồ sộ lại “chui lọt lỗ kim”. Sự mâu thuẫn đến đáng ngờ này đang chờ câu trả lời từ ngành chức năng TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.