Xét trên tính chất của trận đấu, của lịch sử đối đầu và tương quan lực lượng, mọi thứ đều có thể xảy ra. Điều đó cũng đồng nghĩa cơ hội dành cho Việt Nam vẫn còn ở trận lượt về diễn ra vào ngày 26-12.
Lịch sử của AFF Cup cũng chỉ ra rằng, kể từ khi chuyển sang thi đấu theo thể thức lượt đi - lượt về ở vòng loại trực tiếp, chỉ có hơn 30% các đội thắng trận lượt đi sau đó thắng luôn cả trận lượt về.
Bóng đá luôn có bất ngờ, và nếu nhìn cái cách mà cầu thủ Việt Nam động viên nhau sau trận lượt đi cũng có thể thấy mọi thứ vẫn rất đáng chờ đợi.
Bởi có một thực tế khá rõ ràng: trận thua Thái Lan đã phơi bày những giới hạn mà Việt Nam đã chạm đến và không thể vượt qua. Một đội hình quá quen thuộc liên tục được sử dụng suốt nhiều năm trời sẽ dẫn đến sự sáo mòn về đấu pháp, niềm vui chơi bóng cũng phai nhạt và không thể không nói về sự suy giảm thể lực, phong độ.
Việc được chơi bóng với các đối thủ ở đẳng cấp cao tại vòng loại cuối cùng World Cup 2022 một mặt đem đến bản lĩnh thi đấu, nhưng mặt khác cũng làm thui chột năng lực tấn công, ghi bàn khi các cầu thủ của HLV Park Hang-seo luôn phải đá trong thế phòng ngự - phản công nhiều hơn. Tất nhiên, có những giới hạn đến từ lý do khách quan, khi hệ thống thi đấu nội địa đã bị tổn hại nghiêm trọng do Covid-19 khiến HLV Park Hang-seo không thể tìm ra nhân sự bổ sung, nhất là các cầu thủ trẻ vốn non kinh nghiệm trận mạc.
Thế nên, hiểu theo một nghĩa tích cực, trận thua Thái Lan ở bán kết lượt đi không hẳn là điểm kết thúc, mà có thể là ngã rẽ quan trọng cho đội tuyển Việt Nam. Có một thống kê chỉ ra rằng, đó là trận thua đầu tiên trong chuỗi hành trình bất bại trước các đối thủ Đông Nam Á ở cấp độ đội tuyển suốt từ năm 2016 đến nay.
Năm năm là một quãng thời gian không ngắn trong bóng đá, nơi mà không một đội bóng nào có thể ngự trị mãi trên đỉnh cao. Một thất bại như thế, trước sau gì cũng xảy đến, không phải là biến cố hay tai họa gì quá nặng nề. Không ai khác, chính bóng đá Thái Lan đã từng sa sút suốt từ năm 2017 đến nay. Vấn đề là họ đã vượt qua và trở lại với đẳng cấp của mình. Vì vậy, dù có thất vọng cũng nên cảm ơn thất bại trước Thái Lan, bởi đó là một lời nhắc nhở có giá trị.
Trận thua này chưa lấy đi bất kỳ điều gì của bóng đá Việt Nam, nhưng rõ ràng, chúng ta đang đứng trước áp lực phải thay đổi bản thân một cách mạnh mẽ hơn. Thay vì tìm ra những sai sót của trọng tài, hãy đặt câu hỏi vì sao chúng ta luôn gặp những bất lợi về trọng tài, VAR, mỗi khi thi đấu với những đối thủ ở đẳng cấp ngang hoặc cao hơn?
Một hai trận đấu thì có thể do trọng tài thiên vị, nhưng rất nhiều trận thì chắc chắn là sai sót thuộc về bản thân chúng ta. Nó nằm ở kỹ năng chơi bóng, thói quen trong thi đấu và quá trình chuẩn bị tâm lý, thể lực. HLV có bố trí một chiến thuật hợp lý đến đâu vẫn không thể kiểm soát được hành vi, trạng thái thi đấu của các cầu thủ trên sân. Đó là những gì thuộc về trách nhiệm của hệ thống thi đấu nội địa, của công tác giáo dục, dinh dưỡng tại CLB và sâu xa hơn là khâu đào tạo trẻ.
Bóng đá Thái Lan cũng có những nốt trầm, nhưng biểu đồ hình sin của họ không trồi sụt quá xa nhau. Chỉ cần mất 1-2 năm là họ có thể trở lại với những tươi mới về con người, lối chơi. Chúng ta có thể ngược dòng và thắng họ ở lượt về, nhưng bài học từ trận lượt đi chắc chắn vẫn cần ghi nhớ.