Lần theo phản ánh của người dân địa phương, PV Báo SGGP đã có cuộc ghi nhận thực tế về hiện trạng xây dựng khu nhà nhiều “tai tiếng” này. Khu nhà được xây dựng nằm trên đỉnh lưng núi Xuân Vân, nằm giáp với khu điều trị người phong Quy Hòa (nay là Bệnh viện Phong - Da liễu Quy Hòa).
Khuôn viên ngôi nhà rộng hàng trăm mét vuông được xây dựng phân cách bằng gạch, chia thành nhiều ô để trồng hoa cảnh, bàn trà, hòn non bộ; đường bậc thang lên dốc với 2 cửa ra ngoài trước thông ra sau.
Thời điểm vào ngày 7-12, khuôn viên khu nhà vẫn còn nhiều hạng mục đang hoàn thiện, các vật liệu xây dựng như gạch đá, cát vẫn còn ngổn ngang.
Theo phản ánh của người dân địa phương, khu nhà được xây dựng khoảng 5 năm trở lại đây và liên tục được tu bổ, xây theo kiểu “kiến tha làm tổ” để qua mặt dư luận. Trong vài năm trở lại đây, người dân phát hiện vào thứ bảy, chủ nhật, bên trong khu nhà có nhiều người tụ tập, ca hát ồn ào.
“Trước kia, đó là đất trồng rừng, trồng cây điều và thuộc một dự án trồng rừng. Về sau, khu đất này thuộc về một nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Phong - Da liễu Quy Hòa. Sau đó, ông này chuyển bán một phần diện tích đất cho một người khác để xây dựng công trình kiên cố như khu nghỉ dưỡng trên đó”, một người dân địa phương cho biết.
Cung cấp thông tin cho báo chí, UBND phường Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn) cho biết, khu nhà mà dư luận và người dân phản ứng thời gian gần đây ở núi Xuân Vân là của ông Phan Phi Hổ, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Định.
Sau khi có dư luận, báo chí phản ánh về sự việc trên, UBND phường Ghềnh Ráng đã phối hợp với Thanh tra Sở VH-TT Bình Định, Phòng VH-TT TP Quy Nhơn, Bảo tàng Bình Định đi kiểm tra thực tế xây dựng tại khu đất trên.
Qua đó, ngành chức năng xác định khu đất của ông Hổ rộng 700m2, nguồn gốc đất là của ông Lê Minh Tài (nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Phong - Da liễu Quy Hòa) chuyển nhượng lại cho ông Hổ theo diện thỏa thuận 2 bên.
Một lãnh đạo UBND phường Ghềnh Ráng cho biết, liên quan việc xây dựng các công trình kiên cố trên khu đất 700m2 tại núi Xuân Vân, ông Phan Phi Hổ vẫn chưa cung cấp được giấy phép xây dựng và kể các giấy tờ pháp lý cho khu đất. Theo vị lãnh đạo này, việc ông Phan Phi Hổ xây dựng không phép diễn ra khoảng 5 năm trở lại đây.
Phóng viên đặt câu hỏi, tại sao xây dựng không phép trong 5 năm mà ngành chức năng và địa phương không phát hiện, ngăn chặn? Vị lãnh đạo UBND phường Ghềnh Ráng cho biết, do khu đất ông Hổ "nằm ở vị trí khuất sau núi, lại nằm trong khu điều trị bệnh phong Quy Hòa nên địa phương rất khó phát hiện, xử lý".
Sau khi vụ việc được phát hiện, UBND phường Ghềnh Ráng đã yêu cầu ông Phan Phi Hổ không được xây dựng công trình khi chưa có giấy phép. UBND phường Ghềnh Ráng gia hạn trong 1 tháng, ông Hổ có trách nhiệm cung cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các thủ tục, hồ sơ pháp lý, giấy phép xây dựng liên quan. Nếu quá thời hạn, ông Hổ không cung cấp được thì địa phương sẽ tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ theo đúng quy định.
Có xâm hại di tích quốc gia?
Tại biên bản kiểm tra của các ngành chức năng, địa phương vào lúc 15 giờ 30 ngày 18-11-2020 do Sở VH-TT Bình Định kết luận, công trình nhà ở ông Phan Phi Hổ đã có từ lâu chứ không phải mới xây dựng, và là nhà cấp 4 chứ không phải “biệt phủ”.
Tại biên bản này trích ý kiến của ông Hổ cho biết, khu đất rộng 700m2 của ông có 500m2 nằm ngoài quy hoạch khu du lịch núi Xuân Vân và khoảng 200m2 nằm trong quy hoạch khu du lịch núi Xuân Vân.
Trong biên bản, ông Phan Đức Tín, Phó trưởng Phòng Quản lý và phát huy di tích (Bảo tàng Bình Định) cho biết, diện tích bảo vệ vòng II của di tích danh lam thắng cảnh quốc gia Ghềnh Ráng (50ha) hiện không có mốc giới cụ thể, không có tọa độ xác định được khu vực bảo vệ di tích bao gồm cả núi Xuân Vân. Vì vậy, chưa có căn cứ để xác định khu nhà ông Phan Phi Hổ có nằm trong diện tích bảo vệ vòng II của di tích hay không.
Được biết, di tích danh thắng quốc gia Ghềnh Ráng được Bộ VHTT-DL xếp hạng vào tháng 11-1991. Theo hồ sơ xếp hạng, khu vực khoanh vùng bảo vệ I và II của di tích được thể hiện bao gồm toàn bộ khu vực núi Xuân Vân. Từ năm 1991, khi lập hồ sơ khoanh vùng bảo vệ di tích, đơn vị chức năng chỉ căn cứ vào bình độ của núi Xuân Vân.
Điều đáng nói, khu đất và nhà ở của ông Hổ nằm ở núi Xuân Vân và việc ông Hổ xây dựng không phép được UBND phường Ghềnh Ráng xác nhận cách đây khoảng 5 năm.
Tuy nhiên, tại báo cáo số 1693/BC-SVHTT gửi đến Cục Di sản văn hóa, Sở VH-TT tỉnh Bình Định lại cho rằng, đất và nhà ở của ông Phan Phi Hổ được khai hoang, sử dụng từ trước khi di tích được xếp hạng, không xâm phạm di tích (?)