Ở vào tuổi 80, nói như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Chút nắng vàng… giờ đây cũng vội!”, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc cho rằng cần phải “về thu xếp lại”. Cuốn sách Biết ơn mình (Phương Nam và NXB Văn hóa - Văn nghệ) được ra đời cũng nằm trong nguồn cảm hứng như vậy.
“Về thu xếp lại” theo như chia sẻ của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc là nhặt nhạnh, gom góp, chắt lọc, sắp xếp lại… Giống như các bài viết trong sách, được tác giả chắt lọc, gom góp và sắp xếp theo một chủ đề chung là “Sức khỏe và đời sống” của một người có tuổi, để mong có một nếp sống mạnh khỏe hơn, an lạc hơn. Trong bài viết mở đầu tương đối dài, được dùng làm tên cho cả tập sách, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc chỉ ra một thực tế: chúng ta được dạy nói lời cảm ơn khi có ai đó giúp mình, nhưng dường như chưa bao giờ được dạy nói cảm ơn với chính mình. Thậm chí, không ít người còn xem đó là một điều lố bịch, kỳ cục, không cần thiết. Bằng kiến thức chuyên môn của một bác sĩ kết hợp với sự duyên dáng của một người viết lâu năm, tác giả Đỗ Hồng Ngọc đã lần lượt mang đến cho người đọc những thông tin thú vị đằng sau cơ chế sinh học của từng bộ phận trên cơ thể: bộ xương, bộ máy tuần hoàn, buồng phổi, hệ thống hô hấp, hệ tiêu hóa…
Hiểu rõ về cơ thể, về những điều kỳ diệu mà từng bộ phận của cơ thể mang lại cũng chính là sự biết ơn chính mình. Bởi lẽ, chỉ khi nào biết ơn chính mình, thì chúng ta mới quan tâm và lắng nghe cơ thể, giúp thân tâm luôn mạnh khỏe, như chia sẻ của viện sĩ Muculin, được trích dẫn trong bài viết của tác giả: “Chúng ta không theo dõi bản thân mình mà để cho cơ thể làm việc đến hao mòn, vì vậy nó dễ bị hư hỏng sớm”. Ở các bài viết còn lại: Những bệnh… “vô duyên”; Một chút lan man; Những cái thiếu ở người già; Đừng quên… cái ruột già; Bệnh nhân… già và thầy thuốc…, tác giả đóng vai trò như một người bạn thủ thỉ, tâm tình những vấn đề hay vướng mắc mà bất cứ người già nào cũng quan tâm hay phải đối diện. Như đã nói, những bài viết này mong đạt đến nếp sống mạnh khỏe, kể cả khi “gió heo may đã về”!