Một tuần sau, thầy hiệu trưởng cho biết: Có thể đổi tiêu chí học sinh nghèo được không? Học sinh giỏi là có rồi, nhưng học sinh nghèo... ở trường không có (!?). Thầy biện bạch: Học trò ở trường tôi đa phần là con nhà giàu. Cũng có mấy em, thầy cô cho biết gia đình cũng chẳng khá giả gì, nhưng dứt khoát không nhận mình là... con nhà nghèo, có lẽ không muốn xấu hổ với bạn bè.
Nói tới, nói lui, cuối cùng chúng tôi phải chấp nhận phương án thầy hiệu trưởng đưa ra, cứ em nào đứng nhất, ngoài phần thưởng của trường, còn có thêm phần thưởng của hội cựu học sinh. Đồng ý vậy, nhưng trong anh em cựu học sinh cũng có bức xúc: Một triệu đồng đối với học sinh nhà giàu là chuyện vứt đi, nhưng đối với học sinh nghèo, cũng đỡ cho cha mẹ phần nào khó khăn.
Có anh bạn khác còn nói hài: Con nhà nghèo biết nhà mình nghèo, việc phấn đấu học giỏi để vượt khỏi cảnh đói nghèo là điều bình thường. Con nhà giàu trăm thứ cám dỗ, khó học. Không có động cơ học tập, nên con nhà giàu học dở... là điều thường tình. Bây giờ phải tặng thưởng cho học sinh con nhà giàu học giỏi, mới hợp lý lẽ!
Ý kiến trên cũng có lý, nhưng cứ vấn vương về chuyện, một số em học sinh lại giấu nghèo vì sợ chúng bạn khinh khi. Biết nhà mình nghèo, để cố gắng học tập vươn lên. Mai mốt lớn lên, biết gia đình, đất nước mình còn nghèo, ngoài việc lao động cần cù, sáng tạo mà còn biết sống tiết kiệm, không hoang phí... Nghèo mà như vậy, đáng quý, đáng trọng biết chừng nào, sao lại sợ?
Đã có rất nhiều cảnh đời, trẻ nghèo mà xài sang, không tự nhận hoàn cảnh mình, cứ chạy theo chúng bạn đua đòi điện thoại sang trọng, xe đời mới, đua theo ăn chơi, bất chấp cha mẹ kiếm tiền khó khăn. Chưa kể lối sống không phù hợp hoàn cảnh kinh tế gia đình, rồi dễ dẫn đến dính vào các tệ nạn, chỉ vì muốn có tiền để ăn chơi cho bằng bạn bè.
Biết mình, biết người hành xử đúng mực, xem ra cũng là một chuyện không nhỏ!