Nói như vậy để thấy những gì mà HLV Park Hang-seo và các học trò của mình đã làm tại giải đấu được tổ chức ở Indonesia là sự tiến bộ đặc biệt. Xét trên tính chất của giải đấu, chất lượng của các đối thủ, số lượng trận đấu, thì cuộc hành trình tại Asiad 2018 thành công hơn rất nhiều so với ngôi á quân ở giải U.23 châu Á hồi đầu năm. Đội tuyển Olympic Việt Nam phải thi đấu nhiều trận hơn trong quãng thời gian ngắn hơn và điều quan trọng là không còn có được yếu tố bất ngờ như 7 tháng trước. Vậy nhưng, tính đến trước trận đấu với UAE thì Olympic Việt Nam đã thắng đến 5 trận hết sức thuyết phục so với 3 trận có nhiều yếu tố may mắn ở giải U.23 châu Á. Chính vì thế, dù kết quả trận tranh HCĐ có như thế nào, thì Asiad 2018 vẫn là giải đấu vô cùng giá trị đối với sự phát triển của bóng đá Việt Nam.
Giá trị đó không còn nằm ở khía cạnh tinh thần như hồi đầu năm, bây giờ, đó là sự khẳng định về chuyên môn. Đầu tiên, đó là khả năng kiểm soát và quyết định trận đấu theo cách mình muốn thay vì chỉ phòng ngự và chờ đợi đối thủ sơ hở. Kế đến, đó là sự ổn định về mặt con người và tâm lý, điều rất hiếm khi xảy ra đối với các đội bóng Việt Nam, nhất là sau những lời tung hô và các hoạt động ngoài bóng đá vốn đến từ thành công tại giải U.23 châu Á. Nói cách khác, các học trò của HLV Park Hang-seo vẫn “giữ đôi chân trên mặt đất” thay vì rơi vào trạng thái bay bổng như các thế hệ đàn anh. Điều này đã cho phép họ có thể bước thêm những nấc thang mới của sự phát triển. Minh chứng cho sự thay đổi đó chính là thái độ tích cực trong trận thua Hàn Quốc ở bán kết. Trong tình huống thua đến 3 bàn, thay vì xuống tinh thần dẫn đến “vỡ trận”, Olympic Việt Nam vẫn bình tĩnh cầm bóng, tổ chức tấn công để tìm bàn gỡ. Biết là rất khó lật ngược tình thế, nhưng các cầu thủ không hề nản chí. Họ biết, mỗi bàn gỡ trước đối thủ mạnh như Hàn Quốc chính là cơ sở để hy vọng vào chiến thắng trong tương lai.
Tuy nhiên, do thất bại trước Hàn Quốc nên ngày hôm nay Olympic Việt Nam có thắng UAE và trở về với tấm huy chương trên ngực thì khoảng cách giữa bóng đá Việt Nam với tốp đầu châu Á vẫn còn khá lớn. Ở lứa tuổi U.23, chúng ta có thể là á quân châu lục, nhưng chỉ cần Hàn Quốc bổ sung một vài tuyển thủ quốc gia, họ đã ở trên một tầm. Hãy tưởng tượng đến việc chúng ta phải đá với đội tuyển chính thức của họ, vốn đã ở đẳng cấp dự World Cup, để thấy cái khoảng cách ấy còn lớn hơn nhiều.
Cũng cần phải nhớ rằng, “đội bóng của những kỳ tích” dưới quyền HLV Park Hang-seo đang đá tại Asiad 2018 sẽ không còn hiện diện ở các giải dành cho U.23 nữa, phía trước họ là những trận đấu khó hơn rất nhiều lần khi chơi bóng ở cấp độ đội tuyển quốc gia. Các chiến thắng vang dội sẽ ít dần trong khi thất vọng có thể nhân đôi. Không nói đâu xa, chỉ 2 tháng nữa, chúng ta sẽ phải hướng đến chức vô địch ở AFF Cup 2018, giải đấu mà các đối thủ như Thái Lan, Malaysia hay Indonesia đều biết rõ chúng ta hơn là ngược lại. Sẽ rất nguy hiểm nếu như chúng ta cứ mãi lâng lâng về những chiến tích ở U.23 châu Á hay Asiad mà quên mất việc tạo ra một lứa U.23 mới hoặc duy trì phong độ cho những cầu thủ dưới quyền ông Park Hang-seo.
Trong 10 kỳ đại hội gần đây nhất, tính từ lúc Việt Nam hòa nhập với nền thể thao châu Á, thì đến nay vẫn chưa có một đội tuyển bóng đá Đông Nam Á nào có huy chương tại Á vận hội. Ngay trong giai đoạn hưng thịnh nhất của mình, bóng đá Thái Lan có đến 4 lần vào bán kết Asiad nhưng cũng chưa lần nào có được huy chương.