Tầm cỡ như Louis van Gaal mà còn nói rằng việc lọt vào bán kết đã trở thành điều nằm ngoài mong đợi của Hà Lan. Có một chút tiếc nuối nhưng tựu trung, chẳng thấy ai phàn nàn gì về việc Hà Lan không vào đến trận chung kết. Thậm chí, ông Van Gaal còn lường trước việc sẽ thua ở trận tranh hạng 3.
Hồi đầu giải, dư luận quốc tế khá ngạc nhiên khi giới truyền thông Hà Lan tỏ ra mềm mỏng với đội bóng của ông Van Gaal. Hầu như không có bất kỳ sự kỳ vọng nào, dù về lý thuyết, Hà Lan đang sở hữu ngôi á quân thế giới. Hà Lan là đất nước rất ưa thích việc bày tỏ quan điểm. Thật hiếm khi họ cùng thống nhất như vậy.
Rõ ràng, việc biết mình ở đâu rất quan trọng trong bóng đá. Những đội bóng như Algeria, Costa Rica hay Colombia được tiếp đón như những người hùng khi về nhà. Họ đã chạm đến giới hạn của mình và hạnh phúc với điều đó. Không ai phàn nàn về chuyện Costa Rica hay Algeria đã đi sâu vào giải bằng lối chơi phòng ngự, bởi ai cũng hiểu, nếu không đá cách đó thì đừng hy vọng sẽ làm nên lịch sử.
World Cup là sân chơi vĩ đại. Không có chuyện một đội bóng bé nhỏ nào đó đột nhiên trở thành “tứ đại anh hào” như Hàn Quốc hồi năm 2002. Người ta không thể có thành tích vượt bậc chỉ bằng nỗ lực hay sự cố gắng về tinh thần một khi chuyên môn có những giới hạn nhất định.
Vậy nên, chuyện bóng đá Việt Nam mơ đến ngày đá World Cup cần xem là một câu nói đùa. Nếu thật sự muốn khích lệ hay thậm chí là mơ ước có chủ đích, thì hãy nghĩ đến chuyện lọt vào tốp 10 châu Á trước đã. Với bóng đá Việt Nam hiện tại, có mặt thường xuyên tại VCK Asian Cup thôi cũng đã là quá gian nan, đừng nhắc đến World Cup làm gì cho viển vông.
Một nền bóng đá mà không dám đặt chỉ tiêu vô địch cho đội tuyển quốc gia ở “ao làng” Đông Nam Á, nhưng lại nhắc đến việc dự World Cup rõ ràng là có vấn đề về chiến lược. Anh có quyền mơ ước nhưng trước hết, phải biết mình đang ở đâu. Phải có một đội tuyển đứng đầu Đông Nam Á làm nền tảng thì mới tính đến chuyện thế hệ kế tiếp đạt đến tầm châu Á.
Phải có một giải vô địch quốc gia thật chuyên nghiệp, cầu thủ phải được cơ hội ra nước ngoài chơi bóng, thì mới có quyền nghĩ đến một tương lai tươi sáng. Cả một đất nước 100 triệu dân mà chỉ có vài ngàn cầu thủ chơi bóng chuyên nghiệp, các lò đào tạo tư nhân đếm trên đầu ngón tay, thì lấy đâu ra sức bật để đội tuyển quốc gia vươn đến một đẳng cấp khác?
World Cup ở quá xa so với trình độ của bóng đá Việt Nam, đấy là sự thật. Thế nên, đừng mơ mộng làm gì khi chúng ta chưa chấp nhận được sự thật đó. Để giữ cho một giải vô địch được “sống” một cách đàng hoàng; còn chật vật, vội gì nghĩ đến chuyện vươn mình đến đẳng cấp khác chỉ bằng một nhúm cầu thủ trẻ.
Đăng Linh