Là một nhà nghiên cứu thị trường tại Berlin, Đức vào ban ngày, Gertrūda đan khăn quàng cổ vào thời gian rảnh rỗi, tải các video về dự án lên TikTok như một tác phẩm nghệ thuật trình diễn, bình luận về việc biến việc tự chăm sóc bản thân thành hàng hóa.
Ý tưởng này xuất phát từ một dự án video kéo dài 2 năm mà cô đã thực hiện trước đó trên Instagram, về tư duy tích cực và luật hấp dẫn. Gertrūda chia sẻ: “Tôi đã đọc 1 cuốn sách về tính đàn hồi của não bộ. Nó nói về việc đan lát là một cách tuyệt vời để tái lập trình não bộ của bạn, để thay đổi các kiểu suy nghĩ tiêu cực thành tích cực. Trong cuốn sách đó, họ nói rằng để thực hành lòng trắc ẩn với bản thân, thì nên thức dậy mỗi sáng và nói rằng tôi yêu bạn và tên của bạn”.

Mỗi chiếc khăn đều có một chút khác biệt, những mũi khâu mềm mại được tô điểm bằng những chữ cái đầy màu sắc mang một sự chân thành ngọt ngào, cô đơn, giống như nhìn thấy tên của một người lạ được viết nguệch ngoạc trên khoảng trắng của bức tường đường phố.
Cô giải thích: “Tôi đang cố gắng sử dụng các công cụ có thể phù hợp với sức khỏe, phát triển cá nhân hoặc tự chăm sóc - đây là một thuật ngữ bao quát rất rộng; và trong khi thực hiện, tôi tạo ra tác phẩm nghệ thuật từ hoạt động này”.
Những ý tưởng xoay quanh tình yêu bản thân, sự tự hoàn thiện và suy nghĩ tích cực đang ngày càng trở nên phổ biến. Năm ngoái, Gertrūda đã trưng bày 15 chiếc khăn của mình trong một cuộc triển lãm tại Bảo tàng MO, Vilnius, Litva. Với gần 2.000 người theo dõi trên TikTok, phản hồi về dự án này hầu hết là sự ủng hộ, nhiều người còn hỏi mua một trong những chiếc khăn quàng cổ - nhưng Gertrūda kiên quyết từ chối.
“Tôi nghĩ đan lát là một ẩn dụ tuyệt vời cho mọi thứ mà xã hội chúng ta đang khao khát hiện nay. Không phải là việc sử dụng điện thoại, mà là sự cam kết, tập trung, chăm chỉ…”, Gertrūda bày tỏ.
Từng được coi là sở thích của các bà, đan lát, cùng với các nghề thủ công dệt khác như móc và thêu, đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ ở những người trẻ tuổi tham gia kể từ đại dịch Covid-19. Từ hơn 745.000 lượt sử dụng #Knitting trên TikTok, trò tiêu khiển “cổ điển” này đã được khôi phục thành một thứ gì đó trẻ trung và thú vị.
Trong một video TikTok của mình, Gertrūda tuyên bố “đan lát là thú vui mới", một nỗ lực nhằm định hình lại nhận thức lành mạnh theo truyền thống thành một thói quen thú vị, cũng là một cơ chế đối phó lành mạnh hơn.
“Tôi nghĩ đan lát là một ẩn dụ tuyệt vời cho mọi thứ mà chúng ta đang khao khát ngay lúc này. Đó là việc tạo ra các đồ vật, tạo ra những thứ bạn có thể đeo, mặc. Nó có thể bền vững hơn những thứ khác. Nó chứa rất nhiều giá trị mà chúng ta tìm kiếm. Tôi cũng đang “chơi đùa” với hình ảnh người đan lát lành mạnh, tận tụy. Thật khó để tưởng tượng ra một nhân vật phản diện biết đan lát”, Gertrūda nói.