Theo ông Phan Trọng Lân, mặc dù số ca mắc và tử vong do Covid-19 trên toàn cầu có xu hướng giảm, nhưng ở một số khu vực dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, xuất hiện các biến thể mới. Nếu trước đây lưu hành chủ yếu hai biến thể phụ của Omicron là BA.1, BA.2 thì hiện nay biến thể phụ BA.4, BA.5 đã xuất hiện ở một số nước châu Âu và Mỹ, bắt đầu có sự gia tăng về số mắc.
"Trung tâm Kiểm soát phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu nhận định, biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron đã ghi nhận tại nhiều nước châu Âu và gia tăng trong những tuần gần đây. Đồng thời khuyến cáo các quốc gia cần duy trì biện pháp ứng phó như tiêm vaccine tăng cường, mũi nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh, tăng cường hệ thống giám sát trọng điểm", ông Phan Trọng Lân nêu rõ.
Tại Việt Nam, số ca mắc mới và tử vong giảm mạnh, một phần là do đạt tỷ lệ tiêm chủng cao. Tuy nhiên, thời gian qua, hệ thống giám sát phòng chống bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam đã liên tục giám sát và qua giải trình tự gen cho thấy đã có sự xâm nhập biến thể phụ BA.5 vào nước ta. Biến thể này có thể có nguy cơ lấn át biến thể cũ (BA.1 và BA.2).
"Việc xâm nhập này là tất yếu, với sự giao lưu đi lại như hiện nay thì điều này là bình thường. Bộ Y tế tiếp tục giám sát để có những điều chỉnh các biện pháp chống dịch an toàn, hiệu quả”, ông Phan Trọng Lân nhấn mạnh.
Đồng thời, ông cũng khuyến cáo người dân, đặc biệt là những nhóm có nguy cơ cần tiêm đúng lịch, đủ liều các mũi vaccine phòng Covid-19 nhắc lại để có thể tăng cường miễn dịch chống lại các biến thể mới của dịch bệnh.
Trong khi đó, theo đánh giá của Bộ Y tế, cả nước hiện có hơn 15 triệu người (khoảng 22,3%) đã tiêm mũi bổ sung vaccine phòng Covid-19. Nhiều người trong số này không muốn tiêm mũi nhắc tiếp theo. Trong khi theo hướng dẫn của Bộ Y tế, liều tiêm bổ sung thuộc liều tiêm cơ bản và không phải là liều tiêm nhắc.
Theo bà Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, đối với biến thể Omicron, hiệu quả bảo vệ của vaccine giảm rất nhanh do nồng độ kháng thể cần thiết để trung hòa virus ở mức cao hơn so với các biến chủng virus SARS-COV-2 trước đây. Do vậy những người đã tiêm mũi cơ bản nếu không tiêm mũi nhắc vẫn có nguy cơ mắc bệnh. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy người tái nhiễm vẫn có nguy cơ mắc bệnh mức độ nghiêm trọng và phải điều trị hồi sức tích cực.
Cùng với đó, hội chứng hậu Covid-19 là một trong những hội chứng có biểu hiện triệu chứng đa dạng, phức tạp nhất và vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu.
Theo thông báo trong tháng 6-2022 của WHO khu vực Tây Thái Bình Dương, khoảng 60% trường hợp mắc bệnh bị hậu Covid-19 và 30% phải nhập viện điều trị hậu Covid-19. Do đó, việc tiêm mũi nhắc vaccine Covid-19 sẽ làm gia tăng nồng độ kháng thể bảo vệ. Qua đó giúp cho cơ thể được bảo vệ trước nguy cơ mắc Covid-19, giảm tỷ lệ nhập viện, giảm số ca tiến triển bệnh nặng và ca tử vong do Covid-19.