Ovide tên La-tinh là Publius Ovidius Naso, là nhà thơ La Mã danh tiếng. Ông đã viết khoảng 11 tác phẩm nhưng Biến thể (Metamorphoseon), xuất bản vào năm 8 ở Roma, được xem là kiệt tác vượt thời gian. Tác phẩm gồm 15 thiên, tổng cộng dài hơn 12.000 dòng thơ nhưng vẫn là một tác phẩm có hình thức nhất quán như sử thi.
Cũng theo nhà nghiên cứu Nhật Chiêu, dù đã ra đời cách đây hơn 2.000 năm nhưng tác phẩm này cực kỳ tươi mới, rất phù hợp với thế kỷ 21. Những vấn đề chuyển giới không phải bây giờ mà hơn 2.000 năm trước, Ovide đã đề cập đến rồi.
Đặc biệt, Ovide là người rất bênh vực phụ nữ, bởi vì thời đó, ở phương Đông cũng như phương Tây, phụ nữ rất bị coi thường. “Trong tình hình dịch thuật ở Việt Nam, bản dịch Biến thể đầy đủ của Quế Sơn giúp người đọc lần đầu đến với Ovide có một niềm vui mới, hiểu biết mới và tình yêu mới”, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu đánh giá.
Tên tuổi của dịch giả Quế Sơn gắn liền với nhiều dịch phẩm nổi tiếng như Lụa, Người đẹp ngủ mê, Nắng tháng Tám và Nhật ký kẻ mị tình. Đến tác phẩm Biến thể, ông phải mất hơn 3 năm để dịch và hoàn thiện tác phẩm này.
Theo chia sẻ của dịch giả Quế Sơn, sở dĩ phải tốn nhiều thời gian như vậy, vì Biến thể có gần 12.000 dòng thơ, dù bản dịch đã được dịch sang văn xuôi nhưng tác phẩm vẫn mang tính thơ, có sự cô đọng và ngôn từ chọn lọc, sử dụng nhiều hình ảnh, nhiều ẩn dụ. Thành ra, ông phải mất nhiều thời gian để tìm hiểu và tra cứu xem ý nghĩa thực sự của nó là gì.
Ngoài ra, tác phẩm có khoảng 250 câu chuyện khác nhau, không liền lạc mà đứt khúc; các nhân vật cũng khác nhau: thần linh, bán thần linh (nửa thần nửa người phàm)... Tác phẩm có hàng trăm nhân vật là hàng trăm cái tên khác nhau nên khi dịch, ông phải kiểm tra lại tránh sai sót hoặc nhầm lẫn giữa các nhân vật.