Lây mạnh trong môi trường kín
Theo Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, tính đến ngày 8-7, số người mắc Covid-19 tại Việt Nam đã xấp xỉ 22.000 ca, trong đó tính riêng đợt dịch thứ 4 từ ngày 27-4 tới nay là khoảng 20.300 ca mắc. Không chỉ nước ta mà nhiều nước trên thế giới cũng đang đối mặt với tốc độ gia tăng nhanh chóng của dịch Covid-19, nhất là tại Ấn Độ và khu vực Đông Nam Á. Đối với nước ta, trước số ca mắc tăng rất nhanh chỉ trong hơn 1 tháng qua, các nhà khoa học đã tiến hành giải trình tự gen đối với nhiều mẫu bệnh phẩm của những trường hợp mắc Covid-19 tại nhiều tỉnh, thành, cho thấy phần lớn là biến thể Delta (B.1.617.2) và chỉ có một số ít là biến thể Alpha (B.1.1.7).
PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế), cho rằng, biến thể Delta có tốc độ lây lan nhanh, qua vài lần tiếp xúc gần, các ca F1, F2 nhanh chóng trở thành ca F0. Đặc biệt, virus lây mạnh trong môi trường kín như trong nhà, khu vực tập trung đông người, nhà máy, xí nghiệp, quán ăn uống. PGS-TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh, hiện nay đường lây truyền của virus SARS-CoV-2 chưa thay đổi, nhưng nhiều khi người dân đã quên cách phòng bệnh, như phải mở cửa để môi trường sống và làm việc thông thoáng khí. “Trong môi trường kín, điều hòa, virus lơ lửng trong không khí, dễ phát tán gây lây lan mạnh hơn. Điều này có thể thấy rõ ở những ổ dịch trong nhà máy, khu công nghiệp, quán bar karaoke...”, PGS-TS Trần Đắc Phu phân tích.
Trước tình hình dịch tại TPHCM và một số tỉnh, thành phía Nam đang gia tăng rất nhanh, GS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, nhận định, một trong những nguyên nhân là do biến thể Delta. WHO đã chia các biến thể của SARS-CoV-2 làm 2 nhóm là biến thể đáng quan tâm và biến thể đáng quan ngại, trong đó chủ yếu là biến thể đáng quan ngại. Hiện nay, các biến thể đáng quan ngại đã ghi nhận là biến thể Alpha (B.1.1.7); biến thể Beta (B.1.351 ở Nam Phi); biến thể Gama (P.1 ở Brazil) và biến thể Delta (B.1.617 ở Ấn Độ). Biến thể đáng quan ngại được khẳng định có liên quan đến gia tăng đáng kể khả năng lây lan; làm thay đổi tình hình dịch tễ Covid-19 một cách tiêu cực; tăng độc lực virus/làm nặng lên biểu hiện lâm sàng; giảm hiệu quả các biện pháp y tế công cộng; giảm hiệu quả của các vaccine, xét nghiệm chẩn đoán và liệu pháp điều trị hiện hành.
Gây ra nhiều biến chứng nặng
Theo GS-TS Phan Trọng Lân, khu vực phía Nam đã ghi nhận một số trường hợp có triệu chứng hoặc dương tính chỉ sau hơn 1 ngày tiếp xúc phơi nhiễm. Các chuỗi lây truyền tại khu vực phía Nam hiện nay ghi nhận chủ yếu tại các hộ gia đình, nơi ăn uống chung, văn phòng cao ốc. Gần đây có thêm lây lan trong hàng xóm, nhà máy, xí nghiệp, các khu vực chợ đông người. “Đây đều là nơi diễn ra các hành vi nguy cơ cao, như: giao lưu đi lại nhiều, tụ tập đông người; ở lại lâu trong các môi trường, không gian kín, kém thông khí, nói to, nói trong khoảng thời gian dài... là hành vi làm gia tăng đáng kể nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2”, GS-TS Phan Trọng Lân nhấn mạnh.
PGS-TS Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, cho rằng, hiện nay các nghiên cứu mới của thế giới chỉ ra biến thể Delta có khả năng lây trong không khí và có nguy cơ lây nhiễm cao trong bầu không gian chật hẹp. Tuy nhiên, mật độ lây như thế nào, mức độ nồng độ virus của người nhiễm phát tán không khí ra sao chưa có nghiên cứu cụ thể. Mặc dù vậy, biến thể mới này của virus SARS-CoV-2 được đánh giá lây lan mạnh và gây ra nhiều biến chứng nặng không chỉ đối với những người có bệnh lý nền mà còn khiến nhiều người trẻ cũng gặp phải diễn biến nặng.
Trước thực trạng trên, các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân cần ý thức được tầm quan trọng của việc hạn chế các hành vi nguy cơ. Để kiểm soát tình hình và hạn chế lây lan, người dân và các địa phương có nguy cơ cần nghiêm túc thực hiện biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt là quy tắc 5K của Bộ Y tế. Hơn nữa, để từng bước nâng cao miễn dịch cộng đồng, cần đẩy nhanh tốc độ bao phủ vaccine Covid-19 vì việc tiêm chủng sớm và đủ liều sẽ giúp có được miễn dịch đầy đủ, bảo vệ bản thân, cũng như góp phần tạo miễn dịch cộng đồng.
Theo ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Delta là biến thể dễ lây lan nhất trong số các biến thể của virus SARS-CoV-2 được xác định từ trước đến nay. Thế giới đang ở giai đoạn nguy hiểm nhất của dịch Covid-19 do biến thể Delta gây ra, khi biến thể này đã xuất hiện ở ít nhất 98 quốc gia và đang lây lan nhanh chóng ở những cộng đồng chưa được tiêm vaccine Covid-19. Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) cảnh báo, đến đầu tháng 8, sẽ có tới 70% số ca mắc mới tại EU nhiễm biến thể Delta và con số này sẽ lên tới 90% vào cuối tháng 8. Hơn nữa, biến thể Delta sẽ lây lan rộng trong mùa hè năm nay, đặc biệt ở nhóm người trẻ tuổi - là những người chưa được tiêm chủng vaccine Covid-19. Còn tại Mỹ, CDC cũng cảnh báo, biến thể Delta có khả năng gây bệnh nặng gấp 2,6 lần biến thể Alpha, đặc biệt ở những người chưa tiêm vaccine. |