Biến rác thải nhựa thành nguyên liệu ngành công nghiệp nặng

Dự án “Biến nhựa đại dương thành cơ hội trong nền kinh tế tuần hoàn - Optoce” do Chính phủ Na Uy tài trợ vừa chính thức triển khai tại TPHCM.
Biến rác thải nhựa thành nguyên liệu ngành công nghiệp nặng

Theo đó, mục đích của dự án nhằm hỗ trợ các tỉnh thành khu vực ven biển chuyển đổi rác thải nhựa không tái chế được thành nguồn nguyên liệu đốt thay thế nguyên liệu than đang sử dụng, cho hoạt động sản xuất ngành công nghiệp như xi măng, sắt thép. 

Phát biểu tại cuộc họp, bà Grete Lochen, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam, nhấn mạnh, đại dương ngày càng ô nhiễm, 80% lượng rác thải trên biển xuất phát từ các nguồn thải trong đất liền. Rác thải nhựa trên biển đã trở thành vấn đề có tính toàn cầu. 

Trên thực tế, Việt Nam thải ra môi trường khoảng 12 triệu tấn rác thải nhựa/năm. Trong khi đó, ngành tái chế tại Việt Nam hiện đang gặp nhiều khó khăn do chi phí cao và lợi nhuận đạt được thấp. Số ít cơ sở tái chế nhựa đang hoạt động nhưng ứng dụng quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, không đạt chuẩn an toàn môi trường, thậm chí còn làm gia tăng chất vi nhựa phát thải trong môi trường. 

Hiện nhiều tỉnh thành của Việt Nam đang nỗ lực thực hiện xã hội hóa đầu tư xử lý rác thải nói chung, trong đó có nhựa thải nói riêng, bằng phương pháp đốt phát điện. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, giải pháp xử lý rác thải nói chung bằng phương pháp đốt phát điện vẫn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường do khí thải dioxin rất nguy hại cho sức khỏe người dân khu vực lân cận.

Mặt khác, về lâu dài, chi phí xử lý rác thải bằng phương pháp đốt phát điện rất cao, trong khi chi phí thu được từ việc bán điện rác sẽ khó để bù đắp chi phí xử lý.

Vì thế, việc triển khai giải pháp đồng xử lý rác thải nhựa không tái chế được là rất cần thiết và là hành động quốc tế có ý nghĩa then chốt trong việc xử lý các nguồn xả thải rác thải nhựa ra đại dương. Cũng theo bà Grete Lochen, dự án Optoce sẽ triển khai tại 5 nước là Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Myanmar, Thái Lan.

5 quốc gia này có dân số trên 3 tỷ người; trong đó gần 1 tỷ dân sống gần sông hồ, biển và thải 176.000 tấn rác nhựa mỗi ngày. Tại các quốc gia này, chính phủ chưa đủ sức xử lý hết lượng rác thải lớn trên. 

Không chỉ vậy, hiện ngành công nghiệp nặng như xi măng, sắt thép và ngành điện tại các nước này cũng đang tiêu thụ lượng than khổng lồ và phát thải trên 30% lượng CO2 toàn cầu.

Việc tái chế rác thải nhựa thành nguồn nguyên liệu thay thế than cho các ngành công nghiệp, được kỳ vọng sẽ thay thế lượng than trên, giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính và góp phần giải quyết mối đe dọa ô nhiễm rác thải nhựa.

Tin cùng chuyên mục