Phía ngược lại, Hàn Quốc chuẩn bị tiến hành thêm cuộc tập trận chung với đồng minh Mỹ và tăng cường các khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo. Cùng ngày, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (HĐBA LHQ) tiến hành họp khẩn.
Hàn Quốc lên phương án đối phó
Tại phiên điều trần trước Quốc hội ngày 4-9, các quan chức Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, vụ thử hạt nhân hôm 3-9 của Triều Tiên được ước tính có sức công phá 50kiloton, tức mạnh gấp 5 lần vụ thử trước đó hồi tháng 9-2016 của nước này và mạnh gấp 3 lần bom hạt nhân của Mỹ thả xuống Hiroshima (Nhật Bản) năm 1945. Triều Tiên có thể đã thành công trong việc thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để lắp trong các ICBM.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, chính quyền Bình Nhưỡng có thể sẽ tiến hành phóng ICBM đúng dịp kỷ niệm thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (ngày 9-9). Cũng có nguồn tin dự đoán, Bình Nhưỡng có thể phóng ICBM kiểu mới Hwasong-13 mà nước này công bố bản vẽ phác thảo mới đây. Hãng thông tấn Yonhap dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young-moo cho biết, các quan chức an ninh hàng đầu của nước này đã bắt đầu nghiêng về các biện pháp quân sự hơn là đối thoại với Triều Tiên để đáp lại vụ thử hạt nhân vào sáng 3-9. Theo CNBC, ngoài việc huy động mọi giải pháp ngoại giao để cô lập hoàn toàn Bình Nhưỡng, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã ra lệnh cho quân đội nghiên cứu biện pháp phá hủy các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên. Không quân và Lục quân Hàn Quốc ngày 4-9 đã tiến hành một cuộc tập trận bắn đạn thật phối hợp, với mục tiêu giả định là bãi thử hạt nhân của Triều Tiên. Báo chí Hàn Quốc kêu gọi chính phủ xem xét việc chế tạo vũ khí hạt nhân, trong bối cảnh Triều Tiên vừa thử hạt nhân lần thứ 6.
Bên cứng rắn, bên khuyên can
Dư luận quốc tế đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ vụ thử hạt nhân nói trên của Triều Tiên. Đức, Italia, Pháp và Anh cũng kêu gọi siết chặt các biện pháp trừng phạt của EU chống Triều Tiên sau “hành động khiêu khích mới” của Bình Nhưỡng. Cùng với Hàn Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cảnh báo sẽ có “hành động đáp trả quân sự quy mô lớn” đối với bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào Mỹ hay các đồng minh. Mỹ có nhiều phương án quân sự và Tổng thống Donald Trump muốn được báo cáo về tất cả các phương án này.
Trong bối cảnh Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản nhất trí áp đặt những biện pháp trừng phạt mạnh mẽ nhất có thể đối với Bình Nhưỡng, ngày 4-9, mặc dù đã trao công hàm phản đối chính thức cho Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân lần thứ 6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã ra tuyên bố, Bắc Kinh kiên định theo đuổi các biện pháp hòa bình để giải quyết tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời phản đối mọi hành động nhằm gây sức ép quân sự lên quốc gia này. Cùng ngày, Nhật Bản và Trung Quốc khẳng định chưa phát hiện bất cứ phóng xạ nào trong không khí sau vụ thử trên. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cũng đưa ra cảnh báo, những bước đi bất cẩn, vội vàng tại bán đảo Triều Tiên trong tình hình hiện nay có thể dẫn đến bùng nổ quân sự. Về quan điểm của Nga, Thứ trưởng Ryabkov nhấn mạnh, Bình Nhưỡng phải ngừng các hành động khiêu khích làm bất ổn tình hình, song ông khẳng định chính trị - ngoại giao là con đường duy nhất để giải quyết khủng hoảng xung quanh vấn đề Triều Tiên.
Trước diễn biến căng thẳng trên, cùng ngày, Tổng thống Thụy Sĩ Doris Leuthard cho biết sẵn sàng làm trung gian giúp giải quyết cuộc khủng hoảng Triều Tiên, bao gồm tổ chức các cuộc đàm phán cấp bộ trưởng. Ngày 4-9, HĐBA LHQ đã tiến hành phiên họp khẩn bàn về cách phản ứng trước vụ thử hạt nhân hôm 3-9 của Triều Tiên. Cuộc họp này được tổ chức theo đề nghị của các nước Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên, cuộc họp đã không thống nhất được biện pháp trừng phạt với vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, khi các quốc gia thành viên HĐBA LHQ một lần nữa lại bộc lộ những chia rẽ trong cách giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Trong khi Mỹ và các quốc gia đồng minh cảnh báo khả năng sẽ tấn công Triều Tiên; Trung Quốc, Nga và một số thành viên HĐBA LHQ phản đối quyết liệt phương án quân sự.
Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) sẽ sớm lắp đặt thêm 4 bệ phóng của hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại căn cứ mới của họ ở miền Nam nước này. Thông báo trên được đưa ra sau khi Bộ Môi trường Hàn Quốc chấp nhận kết quả cuộc khảo sát về ảnh hưởng môi trường của hệ thống vũ khí trên đang được vận hành tại thị trấn Seongju, cách thủ đô Seoul khoảng 300km về phía Nam.