Trước đó, tiểu ban đã có cuộc làm việc với các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long và TPHCM; với vùng duyên hải miền Trung, Tây Nguyên; với các địa phương Nam bộ; với TP Hà Nội và 12 địa phương lân cận.
Tại cuộc họp, đa phần ý kiến của các địa phương phản ánh tình hình hệ thống hạ tầng còn yếu kém, thiếu đồng bộ, tính kết nối chưa cao. Cần có “nhạc trưởng” dẫn dắt kết nối vùng, trong đó có kết nối du lịch, sản xuất nông nghiệp theo chuỗi và cần quan tâm đầu tư hạ tầng. Bên cạnh đó, cần ổn định dân cư, nhất là định cư, vì sắp xếp lại dân cư là then chốt đối với các tỉnh miền núi, khi dân cư phân tán thì đầu tư đường, trường, nước sạch, các dịch vụ rất khó khăn, tốn kém. Song song đó, cần quan tâm đầu tư hạ tầng để hình thành cực tăng trưởng; có chính sách tổng thể về thu hút đầu tư để tránh sự cạnh tranh không cần thiết giữa các địa phương khi mà tỉnh nào cũng đẩy mạnh xúc tiến đầu tư.
Là “đối tác” quan trọng của vùng Tây Bắc, lãnh đạo TP Hà Nội cho biết, các doanh nghiệp Hà Nội đã đầu tư vào 9 tỉnh miền núi phía Bắc và Nghệ An, Thanh Hóa 130.000 tỷ đồng. Lãnh đạo TP Hà Nội kiến nghị Chính phủ sớm nghiên cứu tổ chức phân vùng phát triển để trước hết tổ chức lập quy hoạch vùng làm cơ sở cho các tỉnh, thành phố triển khai lập quy hoạch cấp tỉnh, thành phố giai đoạn 2021-2030. Trước mắt, cần tập trung liên kết giữa các địa phương trên 2 lĩnh vực chủ yếu: liên kết trong công tác lập quy hoạch phát triển và liên kết trong thu hút đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, nhiệm vụ của tiểu ban trong việc xây dựng 2 văn kiện quan trọng là phải sát thực tiễn, vì vậy, phải lắng nghe các địa phương đóng góp về tình hình phát triển cũng như mô hình, những nét mới trong 5, 10 năm qua.
Theo Thủ tướng, 9 tỉnh miền núi phía Bắc và Nghệ An, Thanh Hóa là “nôi cách mạng”, có nhiều tiềm năng phát triển. Các địa phương này có nhiều thay đổi trong 5, 10 năm qua, có nhiều mô hình hay mà trung ương, tiểu ban cần lắng nghe để có định hướng tốt cho vùng quan trọng này; làm rõ mối liên kết giữa Hà Nội với các địa phương vùng núi phía Bắc cũng như với các tỉnh lớn là Nghệ An, Thanh Hóa.
Nêu quan điểm phát triển đối với vùng, Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ quan trọng, nhưng trước hết cần phải tập trung nâng cao đời sống nhân dân, vì tỷ lệ nghèo còn cao nhất nước, trên 17% (cả nước hiện nay là trên 7%). Cùng với đó, tiếp tục giữ rừng, khôi phục trồng rừng, phát triển lâm nghiệp bền vững; ổn định an ninh biên giới, bảo vệ chủ quyền, bảo vệ nguồn nước.
“Cần tìm cách khai thác tối đa các lợi thế so sánh của mỗi địa phương một cách năng động, sáng tạo, biến khó khăn thách thức thành cơ hội, biến những điểm yếu thành lợi thế phát triển như bản sắc văn hóa đặc sắc đa dạng để phát triển du lịch”, Thủ tướng lưu ý.
Thủ tướng cũng yêu cầu cần có một chương trình quốc gia về vấn đề hạ tầng, vùng cũng phải có, thậm chí phải lên danh mục các công trình đường bộ, đường sắt, đường hàng không ở khu vực. Cùng với đó là phát triển rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, điều tiết nước và sinh hoạt cho vùng đồng bằng sông Hồng; phát huy lợi thế phát triển kinh tế cửa khẩu.
Đối với các kiến nghị về hạ tầng, Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải, Văn phòng Chính phủ tập hợp, tổ chức họp Thường trực Chính phủ để xử lý sớm như: các kiến nghị liên quan đến đầu tư sân bay Điện Biên, tuyến cao tốc Lạng Sơn - Cao Bằng, tuyến đường Hòa Bình - Mộc Châu… “Nhiều việc tưởng chừng như không làm được nhưng quyết tâm cao, ý chí cao, liên tục thúc đẩy thì công việc thành công. Còn việc nhỏ mà không làm thì khó thành công”, Thủ tướng chốt lại.