PV: Lựa chọn chuyển thể từ kịch bản phim Mẹ chồng sang tiểu thuyết, có thể nói chị đã tạo ra một sự ngược dòng thú vị, chị có thể nói gì về điều này?
Biên kịch - tác giả Kim: - Quả thật, là một người sáng tác, tôi cực kỳ thích thú, thậm chí phấn khích với sự mới mẻ này. Đây thật sự là một trải nghiệm vô cùng thú vị với tôi. Và điều đáng nói, đây là một ý tưởng vô cùng độc đáo khi mọi sự khởi đi từ diễn viên chính của phim (Thanh Hằng - vai Ba Trân trong phim Mẹ chồng). Chính cô ấy là người khởi xướng ý tưởng chuyển thể và nhà sản xuất Live On tiếp tục mang sứ mệnh lo chu toàn mọi khâu “sản xuất” cho dự án này.
- Không chỉ đến dự án này mà hầu hết các dự án điện ảnh gây được tiếng vang trước đây như Lô tô hay Hạnh phúc của mẹ (đồng biên kịch với biên kịch ToTo Chan)… tôi cũng đều ẩn mình như vậy. Chúng tôi chỉ phụng sự nghiệp viết và hạnh phúc khi được viết, hạnh phúc khi được kể những câu chuyện có thể chạm được trái tim mọi người. Bản thân tôi khá lặng lẽ và rụt rè, rất sợ xuất hiện trước đám đông nên cũng tự ẩn mình đi. Tôi chỉ mong tác phẩm - những “đứa con” của tôi có thể được đón nhận và yêu mến. Hằng không viết cuốn sách này nhưng như tôi đã chia sẻ, Hằng là người có chủ ý và khởi xướng việc này và Hằng cũng là người quyết định ý tưởng cho dự án, từ hình thức, diện mạo của cuốn sách đến cách để cuốn sách tiếp cận độc giả, cả việc thực hiện phiên bản sách nói như thế nào. Nên tôi không có gì để chạnh lòng cả, thậm chí tôi rất cảm ơn Hằng vì tất cả những điều cô ấy đã làm - đỡ đầu cho đứa con của tôi.
Trên thực tế, đôi khi tạo ra một tác phẩm mới không mệt mỏi, khốc liệt bằng sáng tạo trên nền cái cũ, đặc biệt khi nó vốn dĩ cũng là kết quả cả quá trình thai nghén, vật vã của chính mình. Mẹ chồng cho chị sự trải nghiệm như thế nào trong hai lần sáng tạo đó?
- Thực ra lần chuyển thể từ kịch bản điện ảnh sang tiểu thuyết này, tôi không nghĩ là “đập đi làm lại” mà tôi giống như người tôn tạo lại cho ngôi nhà của chính mình, đem đến một bầu khí quyển mới, hơi thở mới và diện mạo mới. Điều này cho tôi nhiều hứng thú và tràn đầy năng lượng hơn là sự mệt mỏi và khó khăn.
Tuy nhiên, hai lần sáng tạo với 2 kỹ thuật khác nhau đều có những thách thức riêng. Như khi viết kịch bản, đối tượng đầu tiên tiếp nhận chính là những cộng sự sẽ cùng sáng tạo, phát triển từ câu chuyện trên giấy đến câu chuyện trên màn ảnh. Khi đó, nhiệm vụ của biên kịch chúng tôi là phải gợi mở được sự sáng tạo của các cộng sự ấy: từ đạo diễn đến diễn viên, họa sĩ thiết kế, quay phim, nhạc sĩ… Chính vì vậy, chúng tôi chú trọng các kỹ thuật gợi mở sáng tạo, thuật ngữ chuyên ngành, tập trung khai thác chi tiết hành động. Còn khi viết tiểu thuyết, nhiệm vụ của tôi là gợi mở tốt nhất sự tưởng tượng của độc giả. Tôi phải chắt chiu, sử dụng tối đa các biện pháp tu từ, tập trung khai thác chi tiết nội tâm nhân vật. Ở không gian tiểu thuyết, tôi có cảm giác mình được sáng tạo đến tận cùng hơn.
Nếu nói rằng, với phiên bản văn học Mẹ chồng, không khó để nhận thấy đâu đó một chút bóng dáng tính cách và cuộc đời tác giả: những tổn thương, trầy xước trên hành trình trưởng thành, nỗ lực khẳng định như một phương cách để bước qua mặc cảm, bày biện ra những xù xì, gai góc để che đi những yếu ớt, mủi lòng, chị sẽ nói gì?
- Thật ra, khi sáng tác, tôi ít đem những tổn thương bề nổi của mình vào nhân vật. Vì điều đó dễ một màu và nhanh cạn. Mà tôi viết chủ yếu dựa trên góc nhìn và sự thấu cảm dành cho cuộc sống và cho những người quanh tôi. Tuy nhiên, thẳm sâu mà nói, không ít thì nhiều, những nhân vật mà mình tạo ra đều có ảnh hưởng một phần nào đó của bản thân mình.
Ở Mẹ chồng, đặc biệt với nhân vật Ba Trân, tôi có thể phảng phất thấy bóng dáng của mình trong câu chuyện khẳng định giá trị. Ba Trân khẳng định giá trị đàn bà của mình với gia đình chồng khi cô cố gắng sinh con trai và tiếp tục mong có đứa cháu trai hoàn hảo để phụng sự nhà chồng. Còn tôi thì khẳng định giá trị bản thân, giá trị xã hội. Cả tôi và Ba Trân đều không mặc cảm mà trái lại, vì ngạo khí và lòng kiêu hãnh với tất cả những gì mình vốn có lại chưa được thừa nhận, thậm chí nhận về bất công, cay nghiệt nên cảm thấy tổn thương.
Chị cùng biên kịch ToTo Chan đang tiếp tục cộng tác với diễn viên Thanh Hằng ở vai trò biên kịch trong dự án điện ảnh Quỳnh hoa nhất dạ với nguyên mẫu là Thái hậu Dương Vân Nga. Có thể nói, sử Việt vẫn là mảng đề tài đầy cuốn hút nhưng cũng đầy khắc nghiệt với sáng tạo nghệ thuật, nhất là với điện ảnh?
- Tôi có thể nói ngay về cảm xúc khi được mời làm dự án này với hai chữ: tự hào. Tôi vẫn thường ví von về nghề của mình: chúng tôi chỉ là người ngồi lặng yên, lắng nghe và kể lại những câu chuyện của cuộc đời. Chúng tôi lắng nghe tất cả, những niềm vui, nỗi buồn, lời than vãn hay những bi kịch, tiếng cười và cả sự hoan ca để kể lại với tất cả sự tiếp nhận và sự thấu cảm của mình. Chúng tôi lắng nghe những trầm tích lịch sử. Lắng nghe bằng trái tim và khối óc của mình để thấy được sự vẻ vang, rực rỡ của các triều đại trong sử Việt, để thấy tâm tư và tầm thế của cha ông mình.
Nếu người ta vẫn nói rằng, tiếng nói của phụ nữ trong thế kỷ thứ X (thời đại của Dương Vân Nga) là “tiếng nói vô thanh” thì lần này, chúng tôi sẽ lắng nghe “tiếng nói vô thanh” ấy để có thể nhìn rõ hơn những tâm tư riêng - chung của người phụ nữ mang nhiều tranh cãi trong lịch sử Việt Nam ấy. Chúng tôi đã lắng nghe được gì, “nhìn thấy” gì qua những trầm tích lịch sử mà chúng tôi lần giở có lẽ dành cho bình xét của khán giả khi phim ra mắt vậy.