Rác tập trung ở công viên, lòng đường
“Công viên Long Bình bên cạnh quốc lộ 1 đẹp như vậy mà kế bên có điểm trung chuyển rác không có nhà che. Rác sinh hoạt hàng ngày vương vãi, nước rác rỉ ra bốc mùi hôi khiến ai đi qua cũng phải vội vàng để tránh mùi rác”, anh Võ Văn Hùng, một công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2, than phiền.
Còn ông Nguyễn Minh Quang, ngụ phường Tam Hòa, nói: “Người già như chúng tôi chỉ mong ở gần công viên để tập dưỡng sinh. Đáng tiếc là Công viên Long Bình luôn bốc mùi hôi thối rất khó chịu. Chúng tôi đã phản ánh nhiều lần, không biết vì nguyên nhân gì mà thành phố vẫn chưa di dời được bãi rác ở công viên này”.
Vào các buổi chiều, Công viên Long Bình (phường Long Bình) lại nhộn nhịp bởi các loại xe thu gom rác từ các khu dân cư đổ về. Do số lượng rác quá lớn dẫn đến tình trạng các xe thu gom phải xếp hàng chờ. Đây là khu vực tiếp nhận rác rộng khoảng 200m2, gom rác từ 8 phường của TP Biên Hòa. Mặc dù tại đây có bố trí 2 hố ga để thu gom nước rỉ rác, được bơm, hút với tần suất 2 - 3 ngày/lần, nhưng vì không được che đậy kín nên vào những ngày mưa, nước trong các hố ga chảy vào đường thoát nước mưa chung của phường Long Bình và gây mùi hôi, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.
Còn tại khu vực cổng 2 trên đường Nguyễn Ái Quốc, thuộc phường Tân Phong, từ lâu cũng trở thành nơi tập kết rác thải. Mỗi ngày, có hàng chục xe chở đầy rác tập kết ngay trên tuyến đường lớn sạch đẹp nhất Biên Hòa. Do thiếu biện pháp che chắn, nước rác thải chảy ướt mặt đường, mùi hôi nồng nặc, khiến người dân sinh sống tại các tòa chung cư gần đó khổ sở vì ô nhiễm. Không chỉ ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân, mỹ quan đô thị, điểm tập kết rác này còn khiến việc đi lại của người dân quanh khu vực trở nên khó khăn hơn, nhất là vào những giờ cao điểm.
Thiếu quỹ đất
Hiện nay toàn TP Biên Hòa có 22 điểm tiếp rác tại các phường, xã. Khoảng thời gian tiếp rác thường diễn ra hơn 1 tiếng, ở những tuyến đường chính có lượng người lưu thông rất lớn. Hiện khâu thu gom và vận chuyển rác từ các hộ gia đình đến các điểm trung chuyển trước khi đưa về khu xử lý chưa triệt để. Cùng với đó, các địa phương quy hoạch, xây dựng các điểm trung chuyển rác chưa hợp lý, chưa đúng quy chuẩn về xây dựng và bảo vệ môi trường, hầu hết còn thiếu tường chắn, mái che, hệ thống thu gom nước rỉ rác và các công trình phụ trợ khác.
Theo UBND TP Biên Hòa, hiện lượng rác sinh hoạt của thành phố là trên 200.000 tấn mỗi năm, do Công ty CP Môi trường Sonadezi thu gom. Một phần được đưa về Công ty CP Môi trường Đồng Xanh tái chế làm phân bón, còn lại được vận chuyển về Khu xử lý chất thải Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu) chôn lấp. Do dân số cơ học tăng nhanh, trung bình mỗi năm rác thải sinh hoạt của TP Biên Hòa phát sinh thêm từ 10.000 đến 20.000 tấn nên khả năng ô nhiễm môi trường cũng ngày càng lớn nếu không được thu gom, xử lý kịp thời.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Nai, Công ty CP Môi trường Sonadezi phối hợp với TP Biên Hòa khảo sát, quy hoạch các trạm trung chuyển rác tại các phường để trình lãnh đạo tỉnh phê duyệt. Tuy nhiên, hầu hết các phường đều thông báo không còn quỹ đất nên mọi thứ vẫn đang loay hoay.
Mới đây, TP Biên Hòa cũng đề nghị tỉnh phê duyệt khu đất trống trong bãi rác cũ của phường Trảng Dài làm nơi thu gom, tập kết rác sinh hoạt tạm thời trong 1 - 2 ngày để vận chuyển về Khu xử lý rác Vĩnh Tân.