Nhiều ông chủ chọn NH
Trước đây, hầu hết các NH thương mại cổ phần tư nhân đều có chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) hoặc tổng giám đốc đồng thời giữ vị trí lãnh đạo cao cấp ở các DN khác, như trường hợp SHB, Sacombank, HDBank, TPBank, VIB, Techcombank, VIB, SeABank, ABBank, Kienlong Bank, VietABank, NCB… Thế nhưng, vì quy định buộc phải lựa chọn 1 trong 2 nên nhiều ông chủ, bà chủ đã chọn NH.
Cụ thể như ông Dương Công Minh, không chỉ từ nhiệm chức HĐQT của Công ty Him Lam mà còn từ nhiệm luôn chức vụ này ở 3 công ty khác (Dụng cụ thể thao Bảo Long, Phát triển Xín Mần, Chứng khoán Liên Việt) để về giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT tại Sacombank.
Tương tự, mới đây ông Đỗ Minh Phú đã công bố thôi đảm nhiệm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji để giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT TPBank. Ông Đỗ Quang Hiển cũng đã quyết định thôi chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn T&T để làm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SHB. Bà Thái Hương cũng quyết định bỏ chức Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH-TH True Milk để làm CEO của BacA Bank…
Dĩ nhiên, không phải tất cả các ông chủ, bà chủ đều chọn NH. Ông Vũ Văn Tiền đã quyết định rời vị trí Chủ tịch HĐQT ABBank sau 10 năm đảm nhiệm, vì ông đồng thời là Chủ tịch HĐQT Công ty Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Geleximco). Theo đó, ABBank cũng đã bầu ông Đào Mạnh Kháng, Phó Chủ tịch HĐQT, giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2018-2022.
Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT KienlongBank, cũng không chọn làm chủ tịch NH mà chọn Đồng Tâm Group. Theo đó, các thành viên HĐQT đã thống nhất bầu ông Lê Khắc Gia Bảo giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Kienlongbank nhiệm kỳ mới. Mới đây, bà Nguyễn Thị Nga cũng đã không chọn giữ chức Chủ tịch HĐQT SeABank sau 11 năm đảm nhiệm vị trí này.
Việc các ông chủ, bà chủ buộc phải lựa chọn làm chủ NH hoặc DN là vì phải tuân thủ quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, bổ sung (có hiệu lực từ 15-1-2018) nhằm hạn chế việc sở hữu chéo khi các chủ DN đồng thời là chủ NH.
Làm “đầu tàu” không dễ
Sự biến động nhân sự không chỉ diễn ra ở các NH thương mại nhỏ mà còn cả ở những NH lớn và cả NH quốc doanh. Cụ thể, tại đại hội đồng cổ đông ACB vừa qua, mặc dù HĐQT ACB đã gửi danh sách 11 người ứng cử vào HĐQT nhưng đến phút chót, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ chấp thuận 8 thành viên HĐQT. Theo đó, 3 ứng viên không được NHNN chấp thuận gồm ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Tổng giám đốc ACB; ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB; ông Nguyễn Duy Hưng - ứng viên do nhóm cổ đông đại diện 10,45% cổ phần ACB đề cử, có liên quan đến vợ chồng ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên).
Tương tự, tại NH mà nhân sự cao cấp luôn “nóng hổi” như Eximbank, tại đại hội đồng cổ đông mới đây, NHNN cũng chỉ xét duyệt cho 1 trong 4 ứng viên để bầu bổ sung vào HĐQT là bà Lương Thị Cẩm Tú, nguyên Tổng Giám đốc NamA Bank, được bầu vào HĐQT Eximbank.
Ngay cả NH quốc doanh lớn như BIDV (vốn nhà nước chiếm trên 90%), hiện chiếc ghế Chủ tịch HĐQT hơn 2 năm qua vẫn chưa có người ngồi, kể từ khi ông Trần Bắc Hà nghỉ hưu. Mới đây, BIDV đã thông qua việc từ nhiệm chức vụ thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017-2022 của ông Trần Anh Tuấn kể từ ngày 1-5-2018 (ông Trần Anh Tuấn được bầu phụ trách điều hành hoạt động của BIDV thay cho ông Trần Bắc Hà lúc nghỉ hưu).
Trong một diễn biến liên quan, BIDV đã chính thức bầu bổ sung ông Phạm Quang Tùng làm thành viên HĐQT tại đại hội đồng cổ đông vừa rồi. Ông Tùng làm Chủ tịch HĐQT NH Phát triển Việt Nam (VDB) từ tháng 6-2016. Chỉ 1 năm rưỡi sau, ông Phạm Quang Tùng đã thôi giữ chức Chủ tịch VDB để chuyển về làm việc tại BIDV, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Việc ông Tùng có ứng cử vào ghế nóng Chủ tịch HĐQT BIDV không vẫn chưa có thông tin, hiện chiếc ghế này vẫn đang “khuyết”.
Trong bối cảnh các NH vẫn còn đang trong quá trình tái cấu trúc mạnh thì việc biến động nhân sự cao cấp là tất yếu. Tuy nhiên không như trước đây, hiện các tiêu chí để được làm lãnh đạo cao cấp của NH thương mại đã được quy định chặt chẽ hơn, đi cùng với các chế tài xử phạt mạnh hơn đối với những vi phạm và cá nhân liên quan. Do đó, điều kiện tìm kiếm và lựa chọn được ứng viên đảm nhận vị trí chèo lái NH không còn dễ dãi như trước.