Tuy nhiên để phát triển tốt và bền vững, chúng ta cần xác định rõ mô hình phát triển, liên kết với các địa phương để cùng phát triển, cần xây dựng thể chế cho toàn vùng, điều phối vùng một cách hiệu quả nhất.
Tiềm năng lớn
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, trong thế kỷ 21, kinh tế biển thực sự trở thành nội dung quan trọng hàng đầu trong chiến lược biển của các quốc gia. Ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ngành kinh tế biển mới nổi (nuôi hải sản, khai thác dầu và khí vùng biển sâu, du lịch biển...) đã có tốc độ phát triển rất đáng kinh ngạc. Trong bối cảnh trong nước và quốc tế hiện nay, TPHCM và vùng TPHCM cần định vị lại vị thế cạnh tranh của mình, định hướng thành trung tâm dịch vụ có sức cạnh tranh quốc tế, hướng đến các mô hình kinh tế mới như kinh tế biển xanh trong tương quan với tăng trưởng xanh, các ngành có giá trị gia tăng cao dựa trên điều kiện, tiềm năng, thế mạnh đặc thù của vùng và của TPHCM.
Xác định định hướng chiến lược để TPHCM có kinh tế biển và chuỗi đô thị biển phát triển, kết nối với quốc tế và khu vực đã trở thành yêu cầu cấp thiết của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân thành phố. Được sự quan tâm của Trung ương, việc chuyển hóa không gian kinh tế biển vùng Cần Giờ theo định hướng bảo tồn giá trị môi trường sinh thái, nhân văn, phát huy hiệu quả là bước đột phá của TPHCM.
TPHCM đang đứng trước nhu cầu tất yếu chuyển đổi trở thành một trung tâm tài chính, dịch vụ thương mại tầm cỡ khu vực và quốc tế. Tầm nhìn kết nối vùng để xây dựng kinh tế biển mạnh và bền vững cần lộ trình phát triển, phải vượt khỏi sự bó hẹp trong phạm vi ranh giới hành chính của địa phương. Muốn vậy, cần thảo luận để tìm ra hướng xây dựng cơ chế cho liên kết vùng để tạo sự đồng thuận một cách thiết thực nhất, để đưa TPHCM trở thành trọng tâm thu hút các nguồn lực phát triển, làm động lực lan tỏa và thúc đẩy toàn vùng một cách mạnh mẽ.
TS Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, cho biết cả nước có hơn 3.600km bờ biển, có 28/63 tỉnh thành tiếp giáp với biển, các địa phương tiếp giáp biển có vốn FDI chiếm 58,2%, xuất nhập khẩu chiếm tỷ lệ 36,6%, số lượng doanh nghiệp chiếm 58% doanh nghiệp cả nước… Số liệu trên cho thấy những địa phương tiếp giáp biển có vai trò rất lớn trong quá trình phát triển kinh tế của đất nước. TPHCM từ nhiều năm nay luôn thể hiện vai trò đầu tàu trong quá trình phát triển kinh tế. Tuy nhiên kinh tế biển chưa được phát triển đúng tiềm năng do đó hội thảo là dịp để các nhà khoa học, chuyên gia “hiến kế” cho TPHCM có giải pháp phát triển tốt trong thời gian tới.
Mô hình nào?
Tại hội thảo, nhiều nhà khoa học, chuyên gia cho rằng kinh tế biển - đô thị biển là động lực phát triển mới của TPHCM. TPHCM có Cần Giờ tiếp giáp biển với 42.000km² mặt nước biển là tiền đề để phát triển. Tuy nhiên các nhà khoa học cũng khuyến cáo, khi phát triển theo hướng này, TPHCM đối mặt với nhiều thách thức, nhất là vấn đề môi trường, kết nối hạ tầng. Việc liên kết với các địa phương để cùng phát triển, tạo thành kinh tế tuần hoàn với TPHCM giữ vai trò hạt nhân, là vô cùng cần thiết.
GS-TS Đặng Hùng Võ cho rằng, hiện nay có hai luồng ý kiến trái chiều nhau. Một luồng ủng hộ phát triển đô thị Cần Giờ, một luồng không ủng hộ vì cho rằng ảnh hưởng đến hệ sinh thái, môi trường khu vực này. Tuy nhiên, không vì không đảm bảo điều kiện phát triển bền vững mà dừng lại - chúng ta cần nghiên cứu để phát triển bền vững hơn. Tài nguyên đất giờ đã quá cạn kiệt, do đó chúng ta phải hướng ra biển, phát triển trên biển như phát triển trên đất liền. Bây giờ nhiều nước đã sản xuất nông nghiệp trên biển, làm năng lượng tái tạo từ sóng biển, thủy triều…
TS Võ Kim Cương đồng tình với chiến lược phát triển kinh tế biển, đô thị biển của TPHCM, nhưng cần có sự liên kết vùng để phát triển kinh tế biển cho TP.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan kết luận, TP sẽ lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, quản lý, người dân để từ đó xác định mô hình phát triển, bổ sung vào quy hoạch. Trong đó, để phát triển cần phải xây dựng mô hình liên kết, phân chia trách nhiệm, kết nối hạ tầng giữa các địa phương. TPHCM xác định kinh tế biển phải gắn kết với đô thị biển để cùng phát triển. TPHCM sẽ xây dựng Cần Giờ thành thành phố du lịch và sinh thái; phát triển Cần Giờ thành “thành phố” chứ không lên “quận”, vì nơi này có những tiêu chí thuận lợi hơn.