Bộ trưởng Quốc phòng Anh chỉ rõ rằng đây là một sai lầm của Mỹ dẫn đến sự đau khổ của người dân Afghanistan vô tội. Chỉ trích thỏa thuận của Mỹ với Taliban trước đó, ông nhận xét một cách khéo léo rằng, hành động này thực sự làm suy yếu Chính phủ quốc gia Afghanistan.
Bạo lực đã leo thang trên toàn lãnh thổ Afghanistan từ khi Mỹ và các lực lượng quốc tế bắt đầu rút quân khỏi nước này sau 20 năm hoạt động. Hàng ngàn dân thường đã bị ly tán trong năm nay. Các gia đình, trong đó có cả trẻ sơ sinh và con nhỏ, đã phải chạy tới trú ẩn ở một trường học tại thành phố Asadabad ở miền Đông Bắc. Taliban đang thừa thắng xông lên trước một lực lượng an ninh Afghanistan tan tác, sợ hãi. Người dân bị bỏ rơi, choáng váng. Ủy hội Nhân quyền Afghanistan nhấn mạnh đến tình trạng leo thang bạo lực xảy ra do các tội ác chiến tranh “khủng khiếp” của Taliban. Trong đó, phụ nữ là những đối tượng đặc biệt “khiếp sợ về những gì đang diễn ra”.
Afghanistan hiện nay đã khác nhiều so với thời điểm Taliban cầm quyền 20 năm trước. Theo Financial Times, hậu quả xấu về nhân quyền từ sự trỗi dậy của Taliban rất có thể khiến người dân Afghanistan lo lắng. Đã có báo cáo cho rằng, tổ chức này đang tiến hành các vụ hành quyết vội vàng ở các khu vực tái chiếm đóng, đồng thời cưỡng bức phụ nữ trở thành nô lệ tình dục. Phụ nữ Afghanistan thuộc giới học vấn, tinh hoa thường trở thành mục tiêu tấn công của Taliban. Trong 20 năm sau khi Taliban bị lật đổ, hàng triệu phụ nữ Afghanistan được đi học.
Hiện nay, phụ nữ chiếm khoảng 1/4 thành viên Quốc hội Afghanistan, nếu Taliban giành lại chính quyền, tất cả những tiến bộ này đều trôi theo dòng nước. Trước đó, chính phủ của Tổng thống Mỹ Joe Biden có tuyên bố là sẽ “bảo vệ phụ nữ và trẻ em nữ trên toàn thế giới”, thế nhưng tấm thảm kịch đang diễn ra ở Afghanistan có lẽ sẽ cho thấy thực tế không giống những lời tuyên bố.
Nhiều nhà hoạt động nhân quyền cho rằng, Mỹ có thể thực hiện các bước được cân nhắc kỹ lưỡng để bảo vệ người dân Afghanistan vô tội, đặc biệt là phụ nữ, thay vì chỉ nghĩ đến việc sơ tán các nhà ngoại giao. Taliban đang có những hành vi vi phạm nhân quyền hết sức tồi tệ. Vì vậy, Mỹ nên có những hành động gây sức ép với Pakistan, vì mối quan hệ “đặc biệt” giữa Pakistan với Taliban để ép Taliban phải chấm dứt các hành động vi phạm nhân quyền này.
Ngoài ra, Mỹ đã bỏ ra 20 năm thực hiện các hoạt động nhằm chống lại chủ nghĩa khủng bố, vậy liệu khi Taliban lên nắm chính quyền, các hoạt động khủng bố sẽ được tiếp tục nuôi dưỡng bởi lực lượng này? Vai trò của Mỹ với vấn đề này sẽ ra sao?
Cũng có người cho rằng, Mỹ sẽ có rất ít ảnh hưởng đối với lực lượng Taliban hoặc chính phủ ở Kabul trong tương lai, ngoài việc cố gắng ép buộc lực lượng này thay đổi hành vi của mình thông qua sử dụng vũ lực, và điều này sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều nếu không có lực lượng và căn cứ ở Afghanistan. Tương lai của Afghanistan giờ đây phụ thuộc vào cuộc cạnh tranh quân sự giữa các phe nhóm ở đây, trong đó Taliban là nổi trội, nhưng lực lượng dân quân của các thành viên Liên minh phương Bắc cũng sẵn sàng bảo vệ lợi ích của họ.
Ngoài ra, Chính phủ Afghanistan dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Ashraf Ghani có hơn 30.000 nhân viên an ninh, đã được nhiều nước trên giới công nhận. Nếu Taliban quay lại cầm quyền, đồng thời tiếp tục mô hình tích hợp chính trị tôn giáo trước đó, thì Taliban không những rất khó tồn tại vững vàng ở trong nước, mà còn khó nhận được sự thừa nhận và ủng hộ của cộng đồng quốc tế.