Jared Diamond (sinh năm 1937) là nhà khoa học Mỹ và tác giả nổi tiếng với các tác phẩm: Súng, Vi trùng và Thép; Sụp đổ; Thế giới cho đến ngày hôm qua; Loài tinh tinh thứ 3... Tuy theo học và có bằng tiến sĩ về sinh lý học, nhưng kiến thức của ông bao trùm hầu như mọi ngành, từ kiến trúc, ngôn ngữ, khảo cổ, đến động vật học, y học.
Ông cũng không phải là một học giả “tháp ngà” khi từng chu du khắp châu lục, thậm chí sống nhiều năm ở những nơi “tận cùng thế giới” (như đảo New Guinea, đảo Phục Sinh). Ông cũng được xếp vào hàng ngũ những nhà tư tưởng hiện đại có nhiều ảnh hưởng nhất ở Mỹ.
Năm quốc gia là những nước công nghiệp hóa giàu có, một nước tương đối giàu có và chỉ một nước là quốc gia kém phát triển. Không có nước nào ở châu Phi, hai ở châu Âu, hai ở châu Á, ở Bắc Mỹ, Nam Mỹ mỗi nơi có một nước, và Úc. Những quốc gia này là Phần Lan, Nhật Bản, Chile, Indonesia, Đức, Úc và Mỹ.
Trước tiên, chương đầu (chương 1) ông xem xét bàn về khoảng một tá nhân tố tác động đến khả năng xử lý thành công một biến cố cá nhân. Từ những yếu tố đó tìm tòi những nhân tố tương đương tác động đến các hệ quả của biến cố quốc gia.
Sau đó là ba cặp chương (chương 2 đến chương 7), mỗi cặp chương nói về một loại biến cố quốc gia khác nhau. Cặp đầu tiên đề cập các biến cố ở hai quốc gia (Phần Lan và Nhật Bản) bùng phát thành một biến động bất ngờ, từ cú sốc do các quốc gia khác gây ra. Cặp thứ hai cũng đề cập các biến cố bùng phát bất ngờ, nhưng do những bùng nổ nội tại (ở Chile và Indonesia). Cặp cuối mô tả những biến cố không bùng phát đột ngột, thay vào đó chúng dần lộ diện (ở Đức và Úc), đặc biệt do những áp lực gây ra từ Thế chiến II.
Bốn chương cuối mô tả những biến cố trong hiện tại và tương lai mà những kết quả vẫn còn là một ẩn số. Bắt đầu phần này với nước Nhật (chương 8); nước Nhật ngày nay đang đối mặt với nhiều vấn đề cơ bản, một số đã được người dân và chính quyền Nhật nhận biết rộng rãi, nhưng số khác thì người Nhật chưa nhận thấy hoặc thậm chí còn phủ nhận.
Tiếp sau đó liên quan đến Mỹ (chương 9 và chương 10), ông xác định ra bốn biến cố đang ngày càng gia tăng có khả năng xói mòn nền dân chủ và sức mạnh Mỹ chỉ trong thập niên tới, như từng xảy ra ở Chile. Và cuối cùng là phạm vi toàn thế giới (chương 11); tác giả tập trung vào bốn vấn đề mà dường như có khuynh hướng đã diễn ra, mà nếu chúng tiếp diễn sẽ hủy hoại mức sống trên toàn cầu trong vòng vài thập niên tới.
Cuốn sách kết lại với phần lời bạt sau khi xem xét những nghiên cứu về bảy quốc gia và cả thế giới dưới 12 yếu tố mà ông đưa ra. Và đặt ra câu hỏi xem liệu những quốc gia có cần đến biến cố để tái sinh đất nước thông qua những cơ hội lớn lao? Liệu các nhà lãnh đạo có những quyết định làm thay đổi lịch sử hay không?
Ông cũng đề xuất phương hướng cho những nghiên cứu trong tương lai, và đưa ra các kiểu bài học mang tính thực tiễn từ việc khảo sát lịch sử, với quan niệm rằng: “Nếu người dân, hoặc ngay cả những nhà lãnh đạo của họ, chọn hồi nhớ về các biến cố trong quá khứ, họ sẽ hiểu được quá khứ có thể giúp chúng ta xử lý các biến cố ở hiện tại cũng như trong tương lai”.
Kết hợp những kiến thức tuyệt vời về lịch sử, địa lý, kinh tế, nhân chủng học và cả tâm lý, Biến động của Jared Diamond là một cuốn sách mang tính sử thi, cấp tiến và đột phá. Dù ở cấp độ cá nhân hay quốc gia, thậm chí toàn cầu, chúng ta đều có thể học được cơ chế ứng phó phổ biến và hiệu quả nhất với các biến cố từ những nghiên cứu trong cuốn sách này.