Nhiều chuyên gia nhận định từ nay đến cuối năm, giá cả sẽ có xu hướng tăng, nhưng biến động không lớn. Tuy nhiên, cần tiếp tục chủ động và phối hợp chặt chẽ trong quản lý giá, điều hành giá để giảm nhẹ các rủi ro của áp lực tăng giá.
6 tháng, lạm phát 4,15%
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 6 đã giảm 0,17% so với tháng 5, nhưng tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính trung bình 6 tháng đầu năm 2017, lạm phát đang ở mức 4,15%, thấp hơn mức trung bình 4,74% của 6 tháng năm 2016, nhưng cao hơn so với mức 1,72% của cùng kỳ năm 2016. Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), CPI có xu hướng tăng trong nửa đầu năm 2017 là do thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí vào giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và giáo dục của cơ sở công lập. Nhu cầu, sức mua hàng hóa, dịch vụ, đi lại, du lịch tăng cao theo quy luật trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu và nghỉ lễ 30-4, 1-5. Bên cạnh đó, giá nhiên liệu thị trường thế giới tăng, tác động vào giá trong nước (6 tháng đầu năm, Bộ Công thương đã ban hành 12 văn bản điều hành giá xăng dầu, trong đó tăng 3 lần với xăng khoáng, xăng E5; tăng 6 lần đối với dầu diesel, mazut, dầu hỏa). Việc tăng lương tối thiểu vùng áp dụng cho người lao động ở doanh nghiệp cũng là yếu tố làm tăng CPI.
Theo các chuyên gia kinh tế, nhìn chung trong 6 tháng đầu năm 2017, tình hình giá cả thị trường tương đối ổn định, không xảy ra tình trạng thiếu hàng hay tăng giá đột biến và lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu. Sở dĩ có được kết quả này là do sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả giữa các bộ, ngành, địa phương, đơn vị trong triển khai đồng bộ các giải pháp điều hành giá cả. “Đã có sự chủ động trong công tác dự báo, tính toán mức độ và thời điểm để điều hành giá phù hợp đối với các mặt hàng thiết yếu do Nhà nước quản lý”, PGS-TS Nguyễn Bá Minh, Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính nhận định. Trong 6 tháng đầu năm 2017, tận dụng những thời điểm diễn biến giá cả thị trường biến động ở mức thấp, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện bước 2 về giá dịch vụ khám chữa bệnh (đưa chi phí tiền lương vào giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT) tại 27 địa phương còn lại; hoàn thành bước điều chỉnh này ở 63/63 tỉnh, thành phố.
Giá hàng hóa sẽ phục hồi
Theo dự báo của các chuyên gia, trong những tháng cuối năm, tăng trưởng kinh tế toàn cầu phục hồi rõ nét, giá hàng hóa có xu hướng phục hồi; đồng USD giảm giá so với các đồng tiền mạnh. Trong nước, khu vực nông, lâm, thủy sản tiếp đà phục hồi, công nghiệp chế biến chế tạo duy trì mức tăng của các năm, nhưng khai khoáng giảm mạnh. Tổng cầu của nền kinh tế từng bước được cải thiện và đang trong giai đoạn hồi phục. Các chuyên gia của Cục Quản lý giá cho rằng, có một số yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá 6 tháng cuối năm như việc tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số hàng hóa dịch vụ quan trọng; giá xăng dầu thế giới biến động khó lường do những căng thẳng giữa các quốc gia vùng Vịnh; lương cơ bản tiếp tục được điểu chỉnh tăng từ 1-7. Cùng với đó là biến động mang tính thời điểm, thời vụ về cung cầu của các mặt hàng thiết yếu…
Tuy nhiên, dự báo tình hình giá cả trong 6 tháng cuối năm sẽ không có nhiều biến động lớn. PGS-TS Ngô Văn Hiền, Học viện Tài chính, cho rằng, những điều chỉnh về giá dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ y tế, giáo dục đã được triển khai theo kế hoạch, có xác định tác động tới kinh tế - xã hội, song trong một mức độ nhất định. Bên cạnh đó, giá xăng dầu vẫn có biến động nhưng có xu hướng giảm nhẹ, điều này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến CPI những tháng cuối năm. Giá lương thực và thực phẩm có thể tăng nhẹ nhưng không nhiều, sau vụ heo hơi giảm giá, người chăn nuôi sẽ thu hẹp sản xuất có thể làm cho giá tăng nhẹ những tháng cuối năm. “Lạm phát năm 2017 sẽ vào khoảng 2,5%, trong điều kiện giá điện chưa tăng, giá xăng dầu giảm nhẹ và giá thực phẩm có thể tăng nhẹ”, PGS-TS Ngô Văn Hiền dự báo. Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cũng cho rằng sẽ khó có biến động lớn về giá cả trong thời gian tới. CPI bình quân sẽ tiếp tục xu hướng giảm, và kể cả có sự điều chỉnh của giá các hàng hóa, dịch vụ Nhà nước quản lý, CPI bình quân dự kiến đạt mức Quốc hội giao.
Mặc dù vậy, ông Nguyễn Duy Thiện, Cục Quản lý giá cho rằng, cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường trong nước và quốc tế để kịp thời thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu nhằm bình ổn giá cả thị trường, nhất là những mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống như: điện, xăng dầu, phân bón, khí hóa lỏng, thuốc bảo vệ thực vật, vaccine, xi măng, sắt thép, thuốc chữa bệnh cho người, thóc gạo, sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi... Theo chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long, để thực hiện tốt mục tiêu tăng giá tiêu dùng 4%, cần xác lập kịch bản giá cho từng mặt hàng trong rổ hàng hóa tính lạm phát (lạm phát cơ bản, y tế, giáo dục, thực phẩm, xăng dầu,...). Việc cập nhật thường xuyên thông tin thị trường và kiên trì điều hành giá theo tín hiệu thị trường là những việc đặt ra cho các bộ, ngành và địa phương để thực hiện kiểm soát lạm phát trong năm nay.