Theo báo cáo, các yếu tố như nắng nóng gay gắt, ô nhiễm không khí và hoạt động nông nghiệp dày đặc cùng diễn ra sẽ gây ra viễn cảnh y tế cộng đồng tồi tệ chưa từng có. Khảo sát cho thấy, 2 thập niên vừa qua, số ca tử vong do thời tiết ở người cao tuổi tăng 54%.
Tính riêng trong năm 2018, nắng nóng đã cướp đi sinh mạng của gần 300.000 người. Nhóm tác giả nghiên cứu cho rằng, hiện tượng thời tiết cực đoan đang là vấn đề lớn đối với các nước đang phát triển, gây thiệt hại nặng nề về y tế ở các quốc gia giàu có.
Báo cáo cho biết, năm 2018, riêng Pháp đã có hơn 8.000 ca tử vong do thời tiết ở nhóm đối tượng trên 65 tuổi, gây thiệt hại về kinh tế tương đương 1,3% GDP cùng năm của nước này. Ian Hamilton, tác giả chính của báo cáo, cho rằng các mối đe dọa tới sức khỏe con người đang nhân rộng và gia tăng do biến đổi khí hậu. Trong tương lai, nếu tình hình không thay đổi, các hệ thống chăm sóc sức khỏe sẽ đứng trước nguy cơ quá tải.
Nắng nóng và hạn hán cũng khiến số vụ cháy tăng đáng kể. Báo cáo cho biết, kể từ đầu thập niên 2000, số người bị thương, thiệt mạng hoặc phải di dời chỗ ở do các vụ cháy có xu hướng tăng lên tại 128 quốc gia. Ngoài ra, tình trạng nước biển dâng do biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng, các hoạt động nông nghiệp và phương tiện giao thông chưa được kiềm chế, có thể khiến 565 triệu người phải sơ tán vào năm 2100 và khiến những người này phải đối mặt với hàng loạt vấn đề về sức khỏe.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho biết, với hơn 9 triệu người chết mỗi năm do khẩu phần ăn không đảm bảo, tỷ lệ tử vong do tiêu thụ quá nhiều thịt đỏ cũng tăng đến 70% chỉ trong 30 năm qua. Năm 2017, Pháp có ít nhất 13.000 ca tử vong do sử dụng thịt đỏ, trong tổng số 90.000 người tử vong do khẩu phần ăn không đảm bảo. Nhóm tác giả cảnh báo, tình trạng đô thị hóa, gia tăng hoạt động nông nghiệp, du lịch hàng không và sử dụng nhiên liệu hóa thạch có thể khiến các đại dịch trong tương lai như Covid-19 xuất hiện nhiều hơn.
Nhóm nghiên cứu kêu gọi phải hành động khẩn cấp để giảm thiểu khí thải nhà kính, nhằm ngăn chặn các tác động xấu do biến đổi khí hậu, hạn chế ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng. Tổng Biên tập Tạp chí The Lancet Richard Horton nhấn mạnh, cần xác định các yếu tố môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe một cách nghiêm túc, cũng như thúc đẩy cảnh báo về khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh thái và tăng cường các hệ thống tự nhiên hỗ trợ con người.
Báo cáo được thực hiện gần thời điểm kỷ niệm 5 năm Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu ra đời, nhằm kêu gọi các nước góp phần hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu xuống dưới 2oC so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp, thông qua việc cắt giảm khí thải nhà kính.