Đi đi, về về giữa Việt Nam và các quốc gia châu Âu, dù bận rộn nhưng biên đạo múa Vũ Ngọc Khải vẫn đều đặn mang đến cho công chúng Việt những tác phẩm đậm chất dân tộc và mang hơi thở thời đại. Anh tâm niệm, mình sinh ra để thuộc về sân khấu, múa và luôn muốn mang đến năng lượng tích cực cho khán giả.
Mỗi tác phẩm đều đậm hơi thở Việt
* Phóng viên: Trở lại Việt Nam sau một năm ghi dấu ấn với tác phẩm Nón và mang đến nhiều sự thay đổi, lần này anh kỳ vọng gì ở Nón 2016?
* Biên đạo múa VŨ NGỌC KHẢI: Tôi không nghĩ quá nhiều đến sự kỳ vọng. Tôi chỉ hy vọng khiến cho nhiều khán giả thích thú bởi Nón mang hơi thở và văn hóa Việt, đồng thời được hòa quyện trong ngôn ngữ đương đại. Bên cạnh đó, chất liệu âm nhạc dân tộc với rất nhiều nhạc cụ: Chiêng Dây (hiện chỉ có 2 cây đàn tại Việt Nam), Đàn tính, Đàn môi 3 lá, Đàn môi 1 lá, Đàn bầu sẽ được sử dụng cùng với nhiều sáng tác mang hơi thở hiện đại do nhạc sĩ Ngô Hồng Quang đảm nhận. Tất cả đều được hòa âm, phối khí tươi mới để khán giả xem sẽ thấy rất gần gũi mà không hề xa lạ.
Biên đạo múa Vũ Ngọc Khải
* Theo tiết lộ, yếu tố mở với tỷ lệ 50% sắp đặt - 50% ngẫu hứng được xem là sự thay đổi táo bạo nhất của Nón 2016. Anh có nghĩ mình liều lĩnh?
* Tôi không cho đó là sự mạo hiểm và còn mong muốn được làm chuyện đó. Ngẫu hứng ở đây không đồng nghĩa với việc cứ thích là làm. Trong nghệ thuật múa đương đại, ngẫu hứng có những quy luật nhất định đối với mỗi tác phẩm. Ngẫu hứng nhưng phải bài bản, ăn khớp và nằm trong đường dây logic của tổng thể tác phẩm. Ngẫu hứng nhưng vẫn phải đảm bảo tính hấp dẫn và nếu không chuẩn bị tốt sẽ không đạt điểm rơi tốt trên sân khấu.
Trong suốt một năm qua, tôi và nhạc sĩ Ngô Hồng Quang đã mang Nón đi diễn tại nhiều nước châu Âu, như: Italia, Hà Lan, Luxembourg..., nên cả hai có cơ hội để hiểu nhau hơn. Riêng với lần này, thách thức cho cả hai sẽ lớn hơn rất nhiều bởi tôi luôn muốn khán giả dù có xem lại không thấy Nón 2016 cũ kỹ.
* Những tác phẩm mà anh tham gia vừa mang đậm hơi thở dân tộc nhưng vẫn tràn đầy tinh thần thời đại. Đâu là cảm hứng để anh có những sáng tạo ấy?
* Mỗi tác phẩm nghệ thuật đều có tiếng nói riêng và ngụ ý của người sáng tạo. Trong quá trình dàn dựng và biểu diễn, tôi luôn tâm niệm phải đưa hơi thở Việt Nam vào mỗi tác phẩm bởi trước hết tôi là một người Việt, muốn tôn vinh văn hóa Việt. Nếu không đạt được những yếu tố đó thì những sáng tạo của tôi cũng giống như nhiều tác phẩm đương đại châu Âu mà thôi.
Tôi thấy mình may mắn vì được trải nghiệm, sống và làm việc trong nhiều môi trường với những nét văn hóa khác nhau. Những công ty tôi từng làm việc có nhiều đồng nghiệp đến từ khắp các quốc gia từ châu Âu, châu Mỹ, châu Phi và cả người châu Á. Sống trong môi trường đó, tôi luôn nghĩ mình là người Việt Nam thì sẽ như thế nào để không bị hòa lẫn. Tất cả những điều đó tạo cảm hứng để tôi sáng tạo những sản phẩm mang hơi thở Việt.
* Trình diễn cả trong và ngoài nước, anh thấy công chúng của mình khác nhau như thế nào?
* Khi trình diễn Nón tại Việt Nam, cảm xúc rất đặc biệt, bởi được biểu diễn trên quê hương nơi mình luôn dành cho nó tình yêu lớn. Được đội nón lá, mặc áo dài trình diễn trong cảm hứng trời là cha, đất là mẹ thiêng liêng lắm. Trong khi đó, với các sân khấu nước ngoài luôn đem đến cho tôi sự kích thích, hưng phấn để truyền tải văn hóa Việt ra bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, dù trình diễn ở đâu vẫn không làm mất đi tính chất tác phẩm. Tôi thuộc về sân khấu, tác phẩm và luôn hòa vào trong nó suốt quãng thời gian đó. Cảm xúc trong mỗi lần biểu diễn khác nhau nhưng con người và tinh thần Việt luôn vẹn nguyên trong đó. Tôi luôn tự nhủ, múa không biết nói dối, bởi mọi thứ đều biểu hiện qua ngôn ngữ cơ thể và năng lượng từ nghệ sĩ sẽ truyền đến khán giả.
Không tìm được lý do đổi nghề
* Có bao giờ anh cảm thấy những nghệ sĩ múa như mình bị thiệt thòi, đặc biệt khi múa đương đại vẫn chưa thực sự là môn nghệ thuật đại chúng?
* Tôi chưa bao giờ thấy bị thiệt thòi. Hạnh phúc lớn nhất với tôi là khán giả đến với mỗi chương trình, họ đến từ nhiều ngành nghề khác nhau trong xã hội. Họ mong chờ sản phẩm từ người nghệ sĩ. Niềm hạnh phúc ấy sẽ là động lực để chúng tôi tiếp tục sáng tạo nên những sản phẩm mới.
Đúng là múa đương đại khá kén khán giả vì nó đặc biệt. Nhiều người cứ nghĩ nó là cái gì đó cao siêu lắm, nhưng thực chất, nó đều dựa trên nền tảng của cuộc sống hiện đại ngày nay. Những khán giả thích thú vì cảm thấy nó gần gũi, trong khi số còn lại không dám xem, rụt rè, e ngại, sợ mình không đủ hiểu biết để lĩnh hội nó. Tôi nghĩ, mọi người cứ nên mạnh dạn xem để biết nó là cái gì, vì mỗi sáng tạo có một thông điệp riêng và mỗi người có cảm nhận cho riêng mình.
* Đến với nghề múa do bố lựa chọn, có khi nào anh nghĩ mình sẽ chọn lựa một nghề khác để theo đuổi?
* Trong quá khứ, tôi từng bị chấn thương cột sống và phải dừng một năm. Tôi từng nghĩ đến việc đổi một nghề khác vì nếu không múa được, sẽ mất nghề. Đó là thực tế hiển nhiên mà các diễn viên múa phải đối mặt. Nhưng sau đó, tôi không tìm được lý do nào để đổi nghề và tôi vẫn muốn sống với nó.
Vũ Ngọc Khải sinh năm 1985 tại Hà Nội. Anh từng theo học tại Trường Cao đẳng Múa Việt Nam, sau đó được trao học bổng học tại Học viện Múa Rotterdam, Hà Lan. Anh làm việc nhiều năm ở Thụy Sĩ, Hà Lan, Đức, tham gia nhiều chương trình lớn tại châu Âu, Mỹ, châu Á. Từ tháng 8-2016, anh sẽ làm việc tại Phoenix Dance Theater, Leeds city, Vương quốc Anh. Anh được biết đến với vai trò một nghệ sĩ múa đương đại qua hàng loạt chương trình mà anh đồng thời là biên đạo, đạo diễn diễn tập, diễn viên, như: Chuyện kể những chiếc giày, Mộc, Tích tắc, Sương sớm, Tơ... |
HẢI DUY (thực hiện)