Biên cương thao thức

Ngày 3-3 năm nay cũng là kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng và 35 năm Ngày Biên phòng toàn dân. Nghĩ tới những người lính quân hàm xanh và những đời dân biên ải, nhiều người trong chúng ta không thể không trĩu nặng niềm tri ân.

Biên cương thao thức

Chủ quyền biên giới quốc gia trên đất liền được phân định bằng những cột mốc vững chãi làm bằng đá granit cắm dọc dài theo hàng ngàn kilômét đường biên. Nhưng còn có những cột mốc khác, được gọi là “cột mốc sống” - đấy là những người dân biên ải và người lính biên phòng.

Tôi nhớ tầm này năm ngoái, cũng dịp tháng ba, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị phối hợp với Công ty CP TV&XD Năng Lượng Xanh và Công ty TNHH CEA PROJECTS tổ chức khánh thành công trình “Ánh sáng vùng biên” tại bản Tà Păng, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa. Gần 1km đường qua bản, được chiếu sáng bằng 30 bóng đèn năng lượng mặt trời với tổng số tiền hỗ trợ từ hai công ty là 150 triệu đồng. Một quãng đường không dài, kinh phí đầu tư không hề lớn nhưng ý nghĩa của nó với biên ải lại không hề nhỏ.

Câu chuyện về doanh nghiệp góp phần thắp sáng một góc bản biên giới chỉ là một ví dụ sinh động về câu chuyện “biên phòng toàn dân” - nghĩa là không chỉ người dân biên ải mà biên phòng toàn dân còn là câu chuyện của bất cứ người dân nào nặng lòng với chủ quyền Tổ quốc. Không chỉ góp phần thay đổi diện mạo vùng biên giới, mà còn giúp cho bà con, nhân dân và học sinh đi lại, vui chơi an toàn, đảm bảo an ninh trật tự, giảm thiểu các tệ nạn xã hội. Ánh sáng nơi biên ải như là niềm nhắc nhở về chủ quyền và nối kết câu chuyện “biên phòng toàn dân”.

Không chỉ dọc dài tuyến biên giới Quảng Trị, dài theo cung đường tuần tra biên giới, bằng cách này hay cách khác, lòng dân vẫn hướng về biên cương qua những cột đèn năng lượng thắp sáng rẻo cao, bằng những tấm áo ấm hay ngôi trường mới cho con trẻ, bằng những tấm lòng tình nguyện đến để cùng với anh em biên phòng chung tay thắp sáng thêm tin yêu trong những đời dân ngàn đời nay tự nguyện làm “những cột mốc sống” cho biên cương Tổ quốc.

Đời làm báo của mình không nhớ tôi đã ngủ bao nhiêu đêm dọc đường công tác ở các đồn biên ải. Những đêm sâu hun hút biên thùy ấy, trong quầng sáng nhờ nhờ của ánh sao đêm, tôi vẫn thấy bóng những người lính trực gác phía bên ngoài cánh cửa.

“Biên cương thao thức” - cái cụm từ hình như chúng tôi đã gặp rất nhiều trong những bài viết ca ngợi người lính biên phòng, nhưng khi ở những đồn biên, trong đêm mùa đông dưới cái rét tê cóng mới cận cảnh được nỗi thao thức hiển hiện cụ thể, không cần phải giải thích văn hoa hay hình tượng, rằng người lính biên phòng đang canh cho giấc ngủ của hàng triệu người dân. Trên đất nước mình, luôn có một nơi không bao giờ ngủ, đấy là biên cương và biển đảo.

Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng 3-3 cũng được chọn là “Ngày Biên phòng toàn dân”, nhưng ít ai biết khởi đầu cho một phong trào rộng lớn hướng về biên giới, gìn giữ biên cương này lại bắt đầu từ một câu chuyện nhỏ của hai gia đình người Mông và Dao ở miền rẻo cao Thanh Hóa, giáp biên giới Việt Lào.

Hơn 40 năm trước, năm 1982, gia đình ông Thao Sáy Ly ở bản Kéo Uộn, xã Pù Nhi và gia đình ông Tăng Phú Minh, dân tộc Dao ở bản Con Dao, xã Quang Chiểu (cùng huyện Mường Lát - Thanh Hóa) đã vận động con cháu phát quang cột mốc biên giới gần nương rẫy của mình, xếp đá chung quanh để bảo vệ cột mốc. Mỗi lần lên nương, các thành viên trong gia đình thay nhau trông nom, gìn giữ. Từ câu chuyện hai gia đình ở Mường Lát vào năm 1982 ấy, đến năm 1989 đã được nhân rộng thành một phong trào và có chung ngày truyền thống 3-3: Ngày “Biên phòng toàn dân”.

Hoàn cảnh lịch sử và địa lý của mỗi quốc gia khiến câu chuyện biên cương, chủ quyền tùy vào đó mà trở nên nhẹ nhàng hay phức tạp. Nhưng lịch sử dựng nước và giữ nước của người Việt luôn là những trang sử gắn liền với hàng chục cuộc chiến tranh vệ quốc và bảo vệ chủ quyền.

Và mỗi ngày ta sống, luôn là một ngày biết ơn với những người lính đang gìn giữ biên cương, nơi từ mấy ngàn năm qua, hàng đêm luôn có những người lính đã thao thức như thế! Và cũng sẽ mãi thao thức như thế bởi bờ cõi Tổ quốc là vĩnh cửu. Bởi chủ quyền Tổ quốc, trong tâm thức người Việt, luôn lớn hơn sinh mệnh của chính mình!

Tin cùng chuyên mục