Đây là lần thứ 5 BIDV được vinh danh Giải thưởng này - ghi nhận những nỗ lực của BIDV trong hoạt động phát triển bền vững, đặc biệt là lĩnh vực tín dụng xanh, ngân hàng xanh, vì một nền kinh tế xanh.
Nhận thức được vai trò và ý nghĩa của tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, BIDV đã xác lập mục tiêu “kiến tạo giá trị bền vững” ngay từ khi xây dựng chiến lược kinh doanh giai đoạn 2021-2025 tầm nhìn 2030. Đây là mục tiêu xuyên suốt trong tổ chức triển khai hoạt động ngân hàng, trong đó BIDV xác định đưa tín dụng xanh, tài trợ xanh và xây dựng ngân hàng xanh trở thành một trong những nội dung ưu tiên trong chiến lược phát triển.
BIDV đã nghiên cứu xây dựng khung tài chính xanh trên tất cả các mảng hoạt động để đảm bảo tổ chức, vận hành và quản trị ngân hàng theo đúng chiến lược phát triển bền vững đã đặt ra. Hiện tại, BIDV đã ban hành 3 khung tài chính xanh bao gồm: Khung quản lý rủi ro môi trường – xã hội áp dụng cho các khoản vay từ nguồn vốn quốc tế (ESMS); Khung khoản vay bền vững; Khung trái phiếu xanh. Qua đó, BIDV thiết lập các nền tảng cơ sở cho hoạt động cấp tín dụng, huy động vốn và quản lý rủi ro trong hoạt động tài chính bền vững tại ngân hàng.
Với cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp trong chiến lược phát triển bền vững, BIDV đã triển khai nhiều chương trình tín dụng xanh ưu đãi từ nguồn vốn thương mại, vốn ủy thác, đặc biệt là từ phát hành trái phiếu xanh, dành cho các lĩnh vực như: Năng lượng tái tạo; năng lượng sạch; các ngành sản xuất và tiêu dùng phát thải carbon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu… Đồng thời, BIDV xác định các tiêu chí lựa chọn dự án, quản lý, giám sát tín dụng để tạo lập và duy trì danh mục tín dụng xanh có chất lượng cho ngân hàng.
Tính đến hết quý 3-2023, BIDV đã tài trợ cho hơn 1.500 khách hàng với 1.900 dự án/phương án tín dụng xanh. Tổng dư nợ đạt khoảng 71.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 5% tổng dư nợ của BIDV, tăng khoảng 11% so với năm 2022; trong đó dẫn đầu là năng lượng sạch, năng lượng tái tạo với dư nợ là 57.000 tỷ đồng, chiếm 86% tổng dư nợ lĩnh vực xanh với 1.600 dự án của 1.300 khách hàng; tiếp đến là lĩnh vực bảo vệ môi trường thiên nhiên, khôi phục môi trường sinh thái và phòng chống thiên tai với dư nợ 7.100 tỷ đồng, chiếm khoảng 11%. Tháng 10-2023, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp dệt may trong quá trình chuyển dịch xanh theo hướng phát triển bền vững, BIDV đã triển khai gói tín dụng dệt may xanh trị giá 4.200 tỷ đồng với các chính sách hấp dẫn về lãi suất, tài sản đảm bảo và tỷ giá…
Bên cạnh việc cấp tín dụng xanh từ nguồn vốn thương mại, BIDV còn nhận được sự tin tưởng của nhiều định chế tài chính quốc tế như WB, AFD, EIB cung cấp nguồn vốn ủy thác cho vay dự án xanh thông qua BIDV; tổng giá trị đạt hơn 490 triệu USD. Trong đó, tiêu biểu là nguồn vốn của WB trị giá 202 triệu USD cho Dự án năng lượng tái tạo; nguồn vốn AFD trị giá 100 triệu USD cho Hạn mức tín dụng xanh SUNREF; nguồn vốn EIB trị giá 30 triệu USD cho vay các dự án bảo vệ môi trường… Tính đến thời điểm hiện tại đã có 24 dự án tham gia các chương trình này với tổng dư nợ khoảng 3.800 tỷ đồng.
BIDV là ngân hàng thương mại đầu tiên phát hành trái phiếu xanh trong nước trị giá trên 2.000 tỷ đồng theo nguyên tắc của ICMA (ICMA Green Bond Principles), mục tiêu tài trợ cho các dự án xanh, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải, bảo vệ môi trường, phù hợp với Khung Trái phiếu xanh của BIDV; qua đó tiếp tục khẳng định vị trí tiên phong và dẫn đầu thị trường của BIDV trong các hoạt động phát triển xanh và bền vững.
Về giải thưởng Doanh nghiệp phát triển bền vững: Để đạt được giải thưởng, các doanh nghiệp tham gia phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí sàng lọc khắt khe của bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) trên khác khía cạnh: Hiệu quả kinh kinh tế; quản trị doanh nghiệp; môi trường; và lao động, xã hội. Trong 130 chỉ số của CSI 2023, có tới 63% chỉ tiêu liên quan đến yêu cầu tuân thủ pháp luật, các chỉ tiêu liên quan đến sáng kiến kinh doanh bền vững chiếm 37%. Chương trình năm 2023 có những đổi mới như: Đã thực hiện cải tiến căn bản Bộ Chỉ số CSI – công cụ đánh giá mức độ phát triển bền vững của các doanh nghiệp tham gia Chương trình; cải tiến quy trình đánh giá, thẩm định theo hướng khoa học, minh bạch, chặt chẽ hơn; mở rộng sự tham gia của đại diện các cơ quan báo chí trong Hội đồng đánh giá CSI…