Góc phố xanh
Hẻm 277 trên đường Bình Đông (phường 14, quận 8) trước kia vốn có nhiều rác sinh hoạt của người dân địa phương. Những ngày nắng nóng, đội vệ sinh chưa kịp dọn, mùi hôi thối bốc lên, vừa mất thẩm mỹ vừa gây khó chịu. Hai bức tường dẫn vào hẻm bị bôi bẩn, nhem nhuốc và đặc biệt là những tờ thông báo cho vay tiền, thuê/bán nhà… được dán lên vô tội vạ.
Nhưng giờ đây, những hình ảnh xấu xí ấy đã lùi vào dĩ vãng, thay vào đó là một con hẻm hoàn toàn mới với những bức tranh tường đầy màu sắc. Bên trái hẻm là những bức tranh tái hiện hình ảnh múa lân, bến Bình Đông vào dịp xuân về với thuyền hoa tấp nập, hay hình ảnh các em thiếu nhi hưởng ứng tết trồng cây. Bên phải là những bức tranh phong cảnh biển được nối dài, cho người xem cảm giác mát mẻ và sảng khoái.
Hôm ấy trời mưa, từ trong nhà nhìn ra ngoài hẻm, ông Huỳnh Văn Tánh kể: “Tranh tường mới được vẽ từ hồi tết đó con. Trước kia chỉ là hai bức tường trống của xí nghiệp. Sau khi phường phát động thì cả khu phố chung tay làm. Các hộ dân ở đây ai cũng hưởng ứng, trên tinh thần tự nguyện, ai có sơn góp sơn, ai có tiền góp tiền; không có sơn, có tiền thì góp công. Nhờ vậy mà có con hẻm như hiện nay”.
Theo chia sẻ của ông Tánh, kể từ khi có những bức bích họa, ý thức của người dân xung quanh đã thay đổi hẳn. Tình trạng xả rác giảm đi rất nhiều. Ông Tánh nhớ lại: “Trước đây, hai bức tường bầy hầy, người dân bỏ rác nhiều lắm, mấy ông bảo vệ khu phố ở đây cứ 2-3 ngày lại phải ra quét. Từ khi có tranh tường, hẻm này đỡ được khoảng 90% tình trạng xả rác. Những bức tranh này rất đẹp, nhờ vậy người dân có cảm nhận bỏ rác ở đó là không được, tự động thấy bỏ rác sẽ làm xấu đi hình ảnh của bức tường”.
Không xa hẻm 277 là hẻm 289, cũng có những bích họa vui tươi với hình ảnh các em nhỏ tập luyện thể thao ở khuôn viên, hay hình ảnh những con thuyền đang đậu san sát trên kênh Tàu Hũ. Đặc biệt, đi sâu vào hẻm, dù không nhiều nhưng lác đác một số hộ dân có bức bích họa trên tường nhà, tạo nên điểm nhấn cho hẻm. Không riêng gì hẻm 277 hay 289, ở quận 8, những bức bích họa có mặt ở khắp các phường.
Theo chị Lê Thị Ngọc Anh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam quận 8, đây là hoạt động thực hiện Chỉ thị 19 của Thành ủy TPHCM về thực hiện Cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch và giảm ngập nước”. Tại quận 8, các đơn vị liên quan kết hợp tổ chức chương trình “Góc phố xanh”, mà tranh tường là một trong những hoạt động của chương trình.
“Đầu tiên, những mảng tường được vẽ nhằm tuyên truyền bảo vệ môi trường, sau đó có thêm những nội dung khác về an toàn giao thông, phòng chống dịch Covid-19… Quá trình vận động người dân cùng tham gia cũng không khó khăn, vì họ thấy mảng tường đang xấu, lem nhem, đến khi được vẽ lên, những bức tường trở nên đẹp hơn, đồng thời hạn chế được việc vẽ bậy lên tường”, chị Ngọc Anh cho biết.
Một công đôi việc
Không riêng quận 8, một số tuyến đường của thành phố cũng có bích họa, tạo cảm giác hứng thú cho người đi đường. Có thể kể đến đường Ba Tháng Hai (đoạn bên hông Bệnh viện Nhi đồng 1, quận 10), đường Pasteur (quận 1), đường Nguyễn Khoái (quận 4)…
Đặc biệt, hơn một năm qua, đường Huyền Trân Công Chúa (quận 1) trở thành địa điểm check-in của đông đảo người dân và du khách. Con đường dài gần 500m, với một bên là phía sau Hội trường Thống Nhất và một bên là hàng quán, đã thực sự có những biến chuyển tích cực khi xuất hiện những bức tranh tường.
Anh Viết Trung, Quản lý một nhà hàng (trên đường Huyền Trân Công Chúa), cho biết: “Trước đây, trên tường xuất hiện những hình vẽ nguệch ngoạc, không theo phong cách gì, nhìn rất xấu xí. Vào đầu năm 2020, nhân cuộc vận động không xả rác của thành phố, chúng tôi đã kết hợp cùng phường Bến Thành thực hiện vẽ tranh tường. Đoạn đầu do phường thực hiện nhằm tuyên truyền về phòng chống dịch Covid-19, đoạn sau do nhà hàng thuê người vẽ trong một tháng rưỡi”.
Theo chia sẻ của anh Viết Trung, trước khi có bích họa mô phỏng một khu vườn với giàn hoa, chậu hoa rực rỡ, phía nhà hàng cũng có trồng cây nhưng nhìn không đẹp. Chính vì vậy, nhà hàng đã quyết định thay đổi bằng những bức tranh tường đầy màu sắc để khách hàng cũng như người dân và khách du lịch có thể đến chụp hình.
Hôm đến đường Huyền Trân Công Chúa, tôi gặp anh Trần Thanh Quyền (42 tuổi, ngụ quận 8, thuộc Đội TNXP quận 1) đang làm việc tại đây. Anh Quyền nói rằng, sự xuất hiện của những bức tranh tường đã làm đổi thay con đường này rất nhiều. Bức tường không chỉ trở nên đẹp hơn, mà không gian của đường Huyền Trân Công Chúa cũng trở nên sạch sẽ hơn.
“Trước đây, thỉnh thoảng có người đi tập thể dục hoặc chạy xe ngang qua dừng lại tiểu bậy, khiến chỗ này hôi hám, mất thẩm mỹ. Từ khi có bích họa đã hạn chế được tình trạng này”, anh Quyền kể.
Ngoài làm đẹp cảnh quan đô thị, một điều dễ nhận thấy ở những bức bích họa là mang đến cảm xúc tích cực cho cộng đồng. Chị Mai Hiên (ngụ phường 5, quận 8, TPHCM) cho biết, chị làm việc ở quận 3, một buổi chiều đi làm về, thấy con hẻm dẫn vào nhà mình thay đổi hoàn toàn khi xuất hiện một bức tranh lớn. Bức tranh được tạo nên từ mảng tường của hai căn hộ liền kề nhau, vẽ các em thiếu nhi tay cầm cờ, hoa rất sinh động. “Một ngày đi làm về mệt mỏi, căng thẳng, mà đến đầu hẻm, nhìn bức tranh tường đẹp như vậy, tự nhiên những mệt mỏi trong mình biến mất”, chị chia sẻ.
Chị Mai Hiên cũng hy vọng mô hình này được nhân rộng. “Nếu không thực hiện được ở những con đường lớn thì trong các khu phố, các con hẻm cũng được. Bởi nó vừa đẹp, sinh động, dễ thương mà mình nhìn vào cũng có cảm giác thoải mái, yêu đời hơn. Từ khi có bích họa, cả con hẻm ai cũng vui. Hẻm sạch, không rác mà còn được trang trí như vậy là vui rồi!”, chị bày tỏ.
Anh Trần Thanh Quyền cho rằng nên nhân rộng mô hình này ở khắp thành phố. Thay vì những bức tường dán chi chít quảng cáo, rao vặt hay được vẽ nguệch ngoạc thì những bích họa rõ ràng đã góp phần vào việc làm đẹp cảnh quan đô thị. Đặc biệt, những bức bích họa còn góp phần vào việc tuyên truyền, cổ động những nét văn hóa đặc sắc của thành phố, kể cả những vấn đề xã hội như dịch Covid-19, bảo vệ động vật hoang dã… mà không bị khô khan. |