Bia nào là bia không say?

Bia làm người ta say vì chứa cồn (rượu ethylic). Nếu muốn bia không say, chỉ có thể uống bia không cồn (alcohol-free beer hay non-alcoholic beer). Bia không cồn hiện là phân khúc phát triển nhanh nhất trong thị trường rượu bia thế giới đang chững lại khi người dùng ngày càng ý thức về tác hại của rượu bia, các chính phủ tăng cường các chiến dịch sức khỏe và ngành công nghiệp đồ uống gia tăng cạnh tranh sản phẩm thay thế rượu bia.
Bia nào là bia không say?

Bia làm người ta say vì chứa cồn (rượu ethylic). Nếu muốn bia không say, chỉ có thể uống bia không cồn (alcohol-free beer hay non-alcoholic beer). Bia không cồn hiện là phân khúc phát triển nhanh nhất trong thị trường rượu bia thế giới đang chững lại khi người dùng ngày càng ý thức về tác hại của rượu bia, các chính phủ tăng cường các chiến dịch sức khỏe và ngành công nghiệp đồ uống gia tăng cạnh tranh sản phẩm thay thế rượu bia.

Bia không cồn xuất hiện đầu tiên ở Mỹ vào năm 1919, thời kỳ ban hành đạo luật cấm nấu và bán rượu (còn gọi là Volstead Act, được dỡ bỏ năm 1933), quy định thức uống có cồn chỉ được chứa tối đa 0,5% cồn theo thể tích. Ngày nay, bia không cồn vẫn là bia chứa không quá 0,5% cồn như quy định đó.

Một dòng bia không cồn thương hiệu Việt sắp ra thị trường

Một dòng bia không cồn thương hiệu Việt sắp ra thị trường

Tới thời bùng nổ

The Economist dẫn báo cáo của Euromonitor International (11-2013) cho biết, có 2,2 tỷ lít bia không cồn được tiêu thụ trên thế giới trong năm 2012, tăng hơn 80% so với 5 năm trước đó. Bia không cồn là phân khúc phát triển nhanh nhất trong thị trường rượu bia thế giới đang chững lại. Tại các thị trường như Nhật Bản, dân số lão hóa, quan tâm sức khỏe nhưng vẫn chuộng rượu bia nên bắt đầu chuyển sang bia không cồn.

Từ đầu thế kỷ 21, bia không cồn gia tăng phổ biến ở Trung Đông, do các điều luật cấm sử dụng rượu bia trong các quốc gia Hồi giáo. Trung Đông đã góp phần làm thị phần bia không cồn cất cánh, đem lại khoảng 1/3 doanh thu toàn cầu bia không cồn. Bia không cồn rất phổ biến ở Saudi Arabia, Ai Cập, UAE… nơi rượu bị cấm hoàn toàn hoặc một phần vì lý do tôn giáo. Năm 2012, Iran tiêu thụ bia không cồn tăng gấp 4 lần so với năm 2007.

Một số nhà sản xuất bia độc lập khá lớn trong khu vực, như Behnoush và Aujan của Saudi Arabia, có bia không cồn Barbican phổ biến. Một số hãng bia rất lạc quan rằng các luật tôn giáo trong khu vực sẽ làm tăng nhu cầu, như Efes, hãng bia Thổ Nhĩ Kỳ, đưa ra bia không cồn Efes Zero trong năm 2011.

Các nhà khổng lồ toàn cầu đều có mặt ở Trung Đông: Heineken với những thương hiệu bia không cồn Birell và Fayrouz khi mua lại hãng Al-Ahram Beverages của Ai Cập; Carlsberg có Moussy, một thương hiệu bia không cồn phổ biến ở Trung Đông, khi mua lại Feldschlössen, một hãng bia Thụy Sĩ.

Thị phần bia không cồn tăng cũng do người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng. Bia không cồn đang dần có mặt nhiều hơn trong các bar và nhà hàng, thay vì chỉ được uống ở nhà.

Các hãng bia dự báo nhu cầu bia không cồn sẽ tiếp tục được thúc đẩy bởi các luật tôn giáo ở Trung Đông; bởi các chiến dịch phòng chống tác hại của rượu bia ở các nước phương Tây, và từ chính nhu cầu tăng của người tiêu dùng. Với thêm các thương hiệu vào thị trường, bia không cồn bắt đầu giai đoạn bùng nổ, theo The Economist.

Bia không cồn, lựa chọn tốt cho sức khỏe

Đó là Tây Ban Nha. Theo báo cáo của Euromonitor International, nước này tiêu thụ bia không cồn nhiều nhất thế giới, với 584,1 triệu lít năm 2012. Tiêu thụ bia không cồn của Tây Ban Nha thậm chí vượt các quốc gia Hồi giáo có quy định cấm uống rượu, như Iran và Saudi Arabia (xem bảng).

Bia không cồn xuất hiện ở Tây Ban Nha trong những năm 1980 và cất cánh đầu thập niên 2000, khi chính phủ và các hãng bia bắt đầu các chiến dịch an toàn giao thông, hạn chế lái xe say rượu, trong đó gồm quảng bá bia không cồn. Theo Wall Street Journal, một số quan chức Tây Ban Nha nhận định các chiến dịch này đã góp phần giảm số ca tử vong do tai nạn giao thông ở Tây Ban Nha khoảng 50% kể từ năm 2000. Hiện nay, bia không cồn có mặt trong các bar và nhà hàng ở đây, thường chiếm khoảng 1/3 khu vực trưng bày bia tại các siêu thị và cửa hàng tiện lợi.

Các hãng bia Tây Ban Nha thường xuyên quảng cáo bia không cồn trên truyền hình, tại các trạm xe buýt và trên các pa nô. Grupo Mahou-San Miguel, hãng bia lớn nhất Tây Ban Nha, dành khoảng 20% ngân sách tiếp thị cho bia không cồn, tăng từ 10-15% trong năm 2005, theo Giám đốc Tiếp thị Javier Herrero-Velarde.

Tự tin vào sức mạnh sản xuất bia không cồn, chi nhánh Tây Ban Nha của Heineken từ năm 2011 đã loại bỏ dòng bia thương hiệu Buckler 0,9% cồn, chỉ để lại dòng 0,0% cồn.

Các hãng bia lớn nhất Tây Âu đang xem Tây Ban Nha là một mô hình để phát triển bia không cồn, bù đắp doanh thu rượu bia đang chững lại. Heineken của Hà Lan, Carlsberg của Đan Mạch, Anheuser-Busch của Bỉ... đã giới thiệu hàng chục thương hiệu bia không cồn. Các hãng bia cho biết lợi nhuận có thể cải thiện do bia không cồn chịu thuế thấp hơn, có xu hướng bán với giá tương tự bia truyền thống và ít phải giảm giá, khuyến mại thường xuyên.

Quan điểm cũ chê bia không cồn không còn phổ biến nữa. Công nghệ ngày càng cải tiến làm nhiều bia không cồn có hương vị hoàn toàn giống bia thông thường, như Clausthaler Golden Amber của Đức, Buckler của Heineken, Kaliber của Guinness, O’Douls Amber của Budweiser...

Nhiều người cho rằng bia không cồn có vị khác. Không phải họ hoàn toàn sai, do rượu trong bia tạo cảm nhận của bia, rượu mang lại độ gắt và có thể làm nổi bật một số hương vị mạch nha, tuy nhiên rượu không thực sự thêm hương vị riêng nào.

Dù quan điểm nào, vấn đề là khi có bia không cồn, chúng ta có lựa chọn tốt hơn rất nhiều cho sức khỏe.

Bia không cồn được sản xuất gần như bia thông thường, với đầy đủ quá trình từ ủ, nấu dịch nha, thêm hoa bia, lên men. Đến đây, bia thông thường được đóng chai, lon hoặc thùng, trong lúc bia không cồn sẽ được loại bỏ cồn.

Cách phổ biến nhất là cồn được lấy khỏi bia qua hệ thống nhiệt, do cồn có nhiệt độ sôi thấp hơn nhiều so với nước (78,39OC). Bia lên men được đun nóng đến nhiệt độ đó và giữ đến khi cồn chỉ còn dưới 0,5% thể tích.

Tuy nhiên, nhiệt làm thay đổi hương vị bia đáng kể nên để giảm thiểu, người ta dùng phương pháp chưng cất chân không. Tùy máy hút chân không, nhiệt độ sôi của cồn có thể được hạ xuống khoảng 48OC, ít ảnh hưởng hương vị. Với máy hút chân không mạnh, cồn có thể được cho bay hơi ở nhiệt độ thấp hơn nữa nhưng khó sử dụng ở quy mô chưng cất lớn.

Một kỹ thuật khác là thẩm thấu ngược, bia được chuyển qua một bộ lọc với lỗ nhỏ chỉ cho cồn và nước (cùng một số axit dễ bay hơi) đi qua. Cồn được tách khỏi hỗn hợp rượu-nước bằng phương pháp chưng cất thông thường, nước và các axit còn lại được cho trở lại vào bia. Do không gia nhiệt, kỹ thuật này ít làm giảm hương vị bia, dù đòi hỏi đội ngũ chuyên gia và thiết bị cao cấp hơn.

Sau khi cồn được lấy ra, bia còn nhạt, do không có quá trình lên men tiếp tục. Ở bia thông thường, khi men chuyển hóa đường thành cồn, một sản phẩm phụ là CO2, tạo các bong bóng khí. Bia không cồn không còn men và không lên men tiếp tục nên hầu hết nhà sản xuất bia không cồn bơm thêm CO2 khi đóng chai. Có nhà sản xuất cho thêm một ít men cùng đường để lên men trong chai, nhưng đây là một quá trình phức tạp và sẽ tạo lại một lượng nhỏ cồn, ngoài ra, chai có thể phát nổ nếu làm không đúng.

Tony Nguyễn

Tin cùng chuyên mục