Sự kiện được tổ chức tại Khu vườn Bia Tiến sĩ, trong khuôn viên Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nhằm chào mừng Xuân Ất Tỵ 2025, kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và hướng tới 950 năm khoa thi Nho học đầu tiên.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Văn Tú, Phó Giám đốc Trung tâm, nhấn mạnh ý nghĩa của việc tiếp tục trưng bày chuyên đề về 82 bia tiến sĩ. Hệ thống bia tiến sĩ, có niên đại từ 1484 đến 1780, ghi danh những người đỗ đại khoa qua 82 kỳ thi, là di sản văn hóa vô giá phản ánh chân thực về giáo dục, đào tạo và tuyển dụng nhân tài dưới thời Lê - Mạc.
Được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới, các bia đá không chỉ là nguồn tư liệu lịch sử mà còn là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, thể hiện tư tưởng triết học và quan điểm giáo dục đặc sắc.
Trưng bày “Bia đá kể chuyện 2” gồm bốn chủ đề chính: “Chiêu mộ hiền tài”, giới thiệu giáo dục khoa cử Nho học; “Con đường khoa cử”, nêu bật quá trình thi cử và chế độ đãi ngộ; “Gương sáng tiền nhân”, vinh danh những danh nhân tiêu biểu; “Lưu danh muôn thuở”, trình bày những câu nói nổi tiếng về trọng dụng nhân tài. Qua đó, du khách không chỉ tìm hiểu về lịch sử khoa bảng mà còn cảm nhận sâu sắc hơn tinh thần hiếu học của người Việt.
Ông Trương Quốc Toàn, người thiết kế dự án chia sẻ, việc bỏ hàng rào và mở không gian diễn giải nội dung bia tiến sĩ đã giúp khách tham quan hiểu rõ hơn về các câu chuyện và thông điệp khắc trên bia. Kỳ vọng của ông là kéo dài thời gian lưu trú của du khách tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đóng góp vào chiến lược phát triển du lịch và công nghiệp văn hóa của Hà Nội.
Trưng bày “Bia đá kể chuyện 2” là bước tiến trong việc lan tỏa giá trị di sản, đồng thời khẳng định tầm quan trọng của giáo dục và truyền thống hiếu học trong tiến trình phát triển của dân tộc.