Trước sự chỉ đạo này, ông Hoàng Văn Tâm, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đồng Hới, đã có Báo cáo số 284-BC/TU ngày 25-9 gửi Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở ban ngành liên quan.
Theo ông Tâm, trụ sở làm việc của Thành ủy Đồng Hới bị nứt là do xây gạch block, thời tiết thay đổi từ nắng nóng kéo dài sang mùa mưa làm ảnh hưởng đến co giãn về nhiệt của vật liệu gạch không nung.
Ông Tâm dẫn lời các đơn vị thiết kế, tư vấn, nhà thầu thi công khẳng định, nứt không phải do chất lượng thi công không đảm bảo mà do co giãn nhiệt của vật liệu thi công.
Ông Tâm khẳng định, tòa nhà Thành ủy Đồng Hới đến nay xây dựng đảm bảo chất lượng theo quy định. Đây là tòa nhà 5 tầng cùng hội trường 2 tầng, có tổng vốn đầu tư từ ngân sách 118 tỷ đồng, do Công ty Tiến Đạt (Hà Nội) thi công.
Ông Tâm thừa nhận, công trình đến cuối năm 2019 mới bàn giao nhưng do cấp bách về nơi làm việc nên Thành ủy đã chuyển về từ tháng 3-2019.
Một kỹ sư xây dựng tại Quảng Bình (yêu cầu không nêu tên) cho rằng: “Với các vết nứt kéo dài hàng mét ở trụ sở Thành ủy Đồng Hới, tòa nhà mang tính biểu tượng với giá trị đầu tư 118 tỷ đồng thì các đơn vị liên quan không thể họp một buổi, rồi khẳng định công trình an toàn. Các cơ quan chức năng cần mời các công ty chuyên môn độc lập đánh giá toàn bộ tòa nhà và hội trường bị nứt mới có thể báo cáo đầy đủ. Đây là một báo cáo vội vàng. Kể cả đoạn tường bị nứt toác được xác định yếu tố công ty làm đường gây ra cũng cần đánh giá độc lập. Không thể các bên liên quan ngồi lại rồi đồng thanh thống nhất nói đấy là tốt, an toàn”.
Đặt vấn đề với ông Nguyễn Chung Nguyên, Trưởng Ban Quản lý các dự án xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp Quảng Bình, vì sao giám sát lại để cho Thành ủy dọn về làm việc khi công trình chưa hoàn thành, yếu tố đảm bảo an toàn ở đâu? Ông Nguyên cho rằng, do chủ đầu tư quyết.
Việc thuê giám sát mà bên giám sát không khuyến cáo cho chủ đầu tư đúng luật định, công trình chưa xong vẫn vào ở là giám sát thiếu trách nhiệm.