Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 của tỉnh đã yêu cầu các cấp chính quyền không được để dân đói trong thời gian giãn cách xã hội. Nếu địa phương nào để người dân đói thì người đứng đầu của địa phương đó sẽ bị cách chức và bản thân Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cũng sẽ từ chức.
Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh, trong thời gian giãn cách xã hội để phòng chống dịch thì không được để dân đói và các đồng chí bí thư cấp ủy phải lấy sinh mạng chính trị của mình ra để cá cược với việc này. Do đó, các nguồn lực về tiền và vật chất phải được đưa về xã và phải đến được từng người dân một cách hiệu quả, không được tiêu cực.
Vận động được bao nhiêu tiền, bao nhiêu gạo thì phải chuyển ngay về cho các huyện, thành phố và phân bổ ngay về cho các xã phường. Mỗi xã phường phải có một kho lương thực và có một quỹ để sẵn sàng giúp cho dân, để xuất ra ngay cho những người dân nào cần. Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cũng yêu cầu, mỗi địa phương phải công bố 10 đường dây nóng để tiếp nhận thông tin và hỗ trợ kịp thời những trường hợp gặp khó khăn.
Theo báo cáo của Sở Y tế Đồng Nai, tính đến 23 giờ ngày 22-8, toàn tỉnh Đồng Nai ghi nhận 18.356 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 7.146 trường hợp được chữa khỏi và có 131 trường hợp tử vong. Cơ quan chức năng cũng ghi nhận ổ dịch ở Viện Pháp y tâm thần (phường Tân Phong, TP Biên Hòa). Các ca mắc trong cộng đồng có chiều hướng giảm nhưng vẫn tiếp tục ghi nhận nhiều ở TP Biên Hòa. Nhiều địa phương do thiếu nhân lực nên còn chậm trễ trong việc báo cáo tiến độ tiêm chủng, cách ly, điều trị, truy vết dẫn đến việc số liệu báo cáo chưa kịp thời.
Hiện tỉnh đang triển khai thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 diện rộng để chủ động phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Theo đó, dự kiến thực hiện lấy mẫu cho hơn 2 triệu người; thực hiện mục tiêu kiểm soát dịch trước ngày 1-9. Sở Y tế Đồng Nai kiến nghị gắn trách nhiệm của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi địa phương, đơn vị và cá nhân trong việc thực hiện kế hoạch. Có biện pháp xử lý trách nhiệm cụ thể nếu không đảm bảo thực hiện đúng chỉ tiêu, đúng tiến độ và đúng kỹ thuật. Nếu sau khi thực hiện chiến dịch, có xuất hiện ca nhiễm, ổ dịch sẽ điều tra xác định nguyên nhân, nếu ca nhiễm do bỏ sót trong quá trình xét nghiệm sẽ có hình thức xử lý kỷ luật.