Tham dự buổi đối thoại có khoảng 4.500 đại biểu ở 103 điểm cầu trên toàn tỉnh. Tại buổi đối thoại, nhiều vấn đề được các đại biểu đặt ra liên quan đến công tác đầu tư cơ sở hạ tầng, quản lý nhà nước đối với dự án đường BOT, tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra ở một số tuyến đường; các công trình đê bao sông Sài Gòn, khai thông nạo vét sông Thị Tính, công trình cảng Thạnh Phước, Thái Hòa; vấn đề quản lý đất đai; các dự án chậm triển khai, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân ở một số khu tái định cư; thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid 19...
Đồng chí Trần Văn Nam đã trả lời các ý kiến, kiến nghị và thông tin thêm về một số chủ trương của tỉnh trên các lĩnh vực đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển, nhất là giải quyết kịp thời những điểm nghẽn về giao thông, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đề nghị các địa phương nghiên cứu quy hoạch đầu tư xây dựng một số tuyến đường mới kết nối giao thông, đồng thời thuyết phục, vận động người dân đồng tình ủng hộ đền bù giải phóng mặt bằng để thuận lợi thi công.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương yêu cầu các sở, ban, ngành của tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ ghi nhận lại đầy đủ các ý kiến và khẩn trương phối hợp cùng với các địa phương để giải quyết nhanh nhất, có hiệu quả nhất, nếu có vấn đề vượt thẩm quyền thì kịp thời báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh để có chỉ đạo xử lý, đồng thời đề nghị tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hoàn thành với kết quả cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra năm 2020 của từng cấp, từng ngành; tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm tiến độ, khối lượng và chất lượng các công trình đầu tư công.