Cùng dự có các đồng chí: Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM…
Để tăng thu ngân sách chuyển Trung ương
Phát biểu bế mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhận xét, qua nhiều lần đóng góp ý kiến, chất lượng văn kiện ngày càng được nâng cao. Về các góp ý tại hội nghị lần này, đồng chí dành thời gian phân tích, giải thích và tiếp thu các góp ý. Trong đó, đồng chí nhấn mạnh một số nội dung trong dự thảo báo cáo chính trị, như cần giữ cụm từ “xứng đáng với niềm tin của nhân dân”. Bởi theo đồng chí, Đảng ta là đảng cầm quyền, tự mình quyết định việc lãnh đạo, nhưng để đo được sự lãnh đạo đó thì niềm tin của người dân chính là thước đo.
Với góp ý về tên đề án điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn 2026-2030 để tăng thu ngân sách chuyển Trung ương và tạo tiền đề để TP phát triển nhanh, bền vững, đồng chí Bí thư Thành ủy giải thích thêm về cụm từ “để tăng thu ngân sách chuyển trung ương”. Theo đó, TPHCM có ba điều kiện đứng đầu cả nước, là năng suất lao động cao, hệ số khuếch đại vốn đầu tư xã hội, và hệ số đòn bẩy thu chi ngân sách cao. Năng suất lao động của TP cao hơn gần 3 lần so với bình quân cả nước. Một đồng vốn đầu tư công sẽ thu hút 10-14 đồng vốn đầu tư xã hội và một đồng ngân sách bỏ ra sẽ thu về 5 đồng, trong khi hơn 50 địa phương bỏ ra một đồng thì thu về không tới 1 đồng. Từ đó, đồng chí phân tích, việc tăng tỷ lệ ngân sách cho địa phương mà ngân sách nộp về trung ương cũng nhiều hơn - chỉ có thể vận dụng được cho rất ít nơi có đủ ba điều kiện kể trên như TPHCM.
Liên quan đến tờ trình của Ban Thường vụ Thành ủy về kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết số 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh cần bổ sung đánh giá tác động, ý nghĩa của thu nhập tăng thêm đối với cán bộ công chức. Theo đồng chí, thông thường để có mức thu nhập tăng thêm 1,2 lần thì cán bộ công chức phải mất 15-25 năm làm việc. Chính sách về thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 54 đã góp phần động viên cán bộ công chức làm việc có năng suất cao hơn, tạo động lực cải cách hành chính.
Còn hạn chế trong tự kiểm tra
Trước đó, tại hội nghị, đồng chí Dương Ngọc Hải, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy trình bày tờ trình của Ban Thường vụ Thành ủy về báo cáo chuyên đề tổng kết công tác kiểm tra giám sát, kỷ luật đảng của Đảng bộ TPHCM lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020.
Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã kiểm tra 156 tổ chức đảng và 43 đảng viên; giám sát 49 tổ chức đảng, 42 đảng viên. Cấp ủy các cấp thuộc Đảng bộ TPHCM đã kiểm tra hơn 11.300 tổ chức đảng, hơn 11.400 đảng viên; giám sát hơn 8.600 tổ chức đảng, hơn 10.500 đảng viên. Qua đó, Ban Thường vụ Thành ủy, cấp ủy các cấp đã xem xét, thi hành kỷ luật đối với 46 tổ chức đảng bằng các hình thức khiển trách (38 tổ chức đảng), cảnh cáo (8) và giải tán (1). Đồng thời, xem xét xử lý hơn 2.000 đảng viên (tăng 219 đảng viên so với nhiệm kỳ 2010-2015), bằng các hình thức khiển trách (hơn 1.400 trường hợp), cảnh cáo (476 trường hợp), cách chức (71), khai trừ (50).
Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM và ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài chính đảng đối với 1.217 tổ chức đảng. Qua kiểm tra, kết luận có 12 tổ chức đảng có vi phạm với số tiền hơn 8,4 tỷ đồng; đã thu nộp lại ngân sách gần 7,6 tỷ đồng.
Đồng chí Dương Ngọc Hải cho hay, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy phối hợp rà soát kết quả chỉ đạo kiểm điểm, xử lý kỷ luật về Đảng và chính quyền đối với 34 kết luận kiểm tra, thanh tra giai đoạn 2016-2018 để rà soát, kiểm tra lại tính phù hợp, đồng bộ, tương thích giữa kỷ luật của Đảng và kỷ luật của chính quyền; thông tin báo chí công khai nội dung kiểm tra, thanh tra, giám sát cấp thành phố. Ủy ban Kiểm tra Thành ủy và cấp ủy các cấp đẩy mạnh công tác kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, tập trung những địa bàn, lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng, những vụ việc được dư luận xã hội quan tâm, có nhiều đơn, thư phản ánh, tố cáo.
Tuy nhiên, đồng chí Dương Ngọc Hải nhận xét, công tác kiểm tra, giám sát nhìn chung chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Công tác kiểm tra khi có dấu hiệu đối với tổ chức đảng, đảng viên có nơi chưa thực hiện hiệu quả, chưa làm tốt việc nắm thông tin, xác định có dấu hiệu trước khi quyết định kiểm tra. Việc xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát của một số cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp ủy còn dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm. Chất lượng tự kiểm tra còn hạn chế. Việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát tình hình khắc phục thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm chưa được quan tâm đúng mức. Trong giai đoạn 2020-2025, Ban Thường vụ Thành ủy dự kiến đề xuất 8 nội dung về công tác kiểm tra, giám sát.
Cũng tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm trình bày tờ trình của Ban Thường vụ Thành ủy về báo cáo kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết số 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Theo đó, việc triển khai Nghị quyết 54 đã đạt một số kết quả tích cực, tạo sự chủ động nhiều hơn cho TPHCM. Tiến độ các dự án nhóm A được đẩy nhanh hơn khá nhiều so với việc trình các cơ quan Trung ương thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm của TPHCM.
Việc được chủ động, xem xét chuyển mục đích của các dự án sử dụng trên 10ha đất trồng lúa giúp rút ngắn thời gian thực hiện và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án. Chính sách thu nhập tăng thêm góp phần cải thiện đời sống, khơi gợi tinh thần lao động sáng tạo của cán bộ, công chức, viên chức. Việc đẩy mạnh ủy quyền cho các cơ quan chuyên môn, địa phương đã góp phần kịp thời giải quyết thủ tục, hồ sơ hành chính; góp phần phục vụ tốt hơn người dân, doanh nghiệp.
Tuy vậy, một số nội dung triển khai Nghị quyết 54 còn chậm so với kế hoạch dự kiến. Trong khi đó, cơ chế tài chính chưa được phát huy, TP chưa có nguồn vốn đầu tư hạ tầng. Giai đoạn 2018-2020, không phát sinh khoản thu tiền sử dụng đất khi bán các tài sản công của các đơn vị Trung ương ở TPHCM, do đó, TP chưa được hưởng 50% khoản tiền này để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội. TPHCM cũng chưa có nguồn thu từ cổ phần hóa tại các doanh nghiệp Nhà nước do việc thực hiện cổ phần hóa đến nay chưa thể triển khai, vẫn còn thiếu một quy định quan trọng là quy định, hướng dẫn về phương án sử dụng đất của doanh nghiệp khi cổ phần hóa.
Kinh tế số đóng góp 25-40% GRDP của TPHCMHội nghị đã nghe Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Trần Lưu Quang trình bày tờ trình của Ban Thường vụ Thành ủy thông qua Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Đồng chí Trần Lưu Quang cho biết, dự thảo báo cáo chính trị đã tiếp thu các ý kiến góp ý, bổ sung hoàn thiện. Đặc biệt, trên cơ sở tiếp thu ý kiến góp ý của Bộ Chính trị, ý kiến kết luận chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại cuộc làm việc ngày 3-9, dự thảo báo cáo chính trị đã được biên tập khái quát hơn, phân tích sâu hơn kết quả thực hiện, hạn chế, yếu kém, nhất là công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Dự thảo đã được biên tập, bổ sung mục tiêu cụ thể của TPHCM đến năm 2025, 2030, 2045. Ban Thường vụ Thành ủy cũng thống nhất bổ sung 2 chỉ tiêu cụ thể, là phấn đấu kinh tế số đóng góp khoảng 25% đến năm 2025, 40% đến năm 2030 trong GRDP của TPHCM. Giữ vững an ninh chính trị, kéo giảm phạm pháp hình sự và tăng tỷ lê điều tra khám phá án; giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố trên 90%, kéo giảm ít nhất 5% số người chết do tai nạn giao thông hằng năm…. Thông qua 20 chương trình, đề án thành phần phát triển TPHCMHội nghị chuyên đề lần thứ 49 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa X quyết nghị thông qua các nội dung: Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025; Báo cáo chuyên đề tổng kết công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng của Đảng bộ TPHCM lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020; Báo cáo kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết số 54 của Quốc hội... Hội nghị cũng thông qua 20 chương trình, đề án thành phần trong 3 Chương trình đột phá và 1 Chương trình trọng điểm phát triển TPHCM trong dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM yêu cầu toàn Đảng bộ nêu cao truyền thống cách mạng, tự hào thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu, tập trung hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 của TP; chủ động ngăn chặn quyết liệt nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, đảm bảo giữ vững an ninh, chuẩn bị tốt nhất cho Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, góp phần chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. |