Sáng 17-5, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, dẫn đầu Đoàn lãnh đạo của Thành ủy đến kiểm tra hiện trường và làm việc với địa phương về thông tin xây dựng không phép trên địa bàn xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh, TPHCM).
Cùng đi với đoàn còn có các đồng chí: Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM và lãnh đạo Ban Nội chính, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Công an TP, cùng lãnh đạo nhiều sở - ngành.
Đoàn lãnh đạo Thành ủy đã đến thực tế khu vực xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại đường Lê Thị Dung, ấp 4, xã Vĩnh Lộc A. Đặc biệt, khu vực này nằm kế văn phòng ban nhân dân ấp, nhưng có hàng loạt các công trình không phép và một “văn phòng môi giới bất động sản” trưng ra bản quy hoạch sử dụng đất tại khu vực. Nhiều công trình được làm bằng khung sắt, vách tole, sàn bê tông bán kiên cố…
Sau buổi khảo sát, Đoàn làm việc với Huyện ủy, UBND huyện Bình Chánh về tình trạng này.
Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân lưu ý vấn nạn xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp đã tồn tại từ lâu ở huyện Bình Chánh. Tình trạng này huyện biết cả nhưng vấn đề có quyết tâm xử lý hay không. “Cấp ủy ở xã có biết không? Chúng ta có thực sự huy động lực lượng chính trị để chấm dứt tình trạng này không?”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề.
Trước các thông tin này, đồng chí Trần Lưu Quang đặt vấn đề, lãnh đạo xã có cam kết từ đây về sau sẽ không phát sinh công trình vi phạm xây dựng mới? Xã cần thời gian bao lâu và điều kiện gì? Đáp lại, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A không trả lời mà khẳng định, lãnh đạo xã sẽ cố gắng hạn chế các công trình vi phạm trên địa bàn.
Ông Trần Phú Lữ, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cũng nêu ra những khó khăn của huyện như dân số của huyện rất cao, vào khoảng 725.000 người. Người dân nhập cư bình quân tăng 30.000 người/năm, riêng năm 2019 là 40.000 người, chủ yếu là người lao động có thu nhập thấp, nhu cầu về nhà ở rất lớn và sẵn sàng mua nhà không phép với diện tích nhỏ, với hy vọng về sau sẽ được hợp thức hóa.
Nhìn nhận các thông tin trên Báo Phụ nữ TPHCM về việc xây dựng không phép ở xã Vĩnh Lộc A, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cũng cho biết, huyện đã cưỡng chế một số công trình tại nơi báo nêu.
Ông Trần Phú Lữ bày tỏ trăn trở trước câu hỏi: “Vì sao tình trạng vi phạm xây dựng, đặt biệt xây dựng không phép trên địa bàn huyện vẫn còn tồn tại?” và thẳng thắn nhìn nhận, có tình trạng một số cán bộ tiếp tay cho sai phạm. Trong thời gian qua, huyện đã xử lý hàng loạt cán bộ, không chỉ điều chuyển, cho thôi chức mà còn xử lý hình sự. Tuy nhiên, Ban thường vụ Huyện ủy đánh giá, kết quả này cũng chỉ là xử lý ở bề nổi của tảng băng chìm, mà nếu lơ là thì “con bạch tuột xây nhà không phép” sẽ tiếp tục vươn vòi.
Về nguyên nhân, theo Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh là có tình trạng cán bộ biến chất tiếp tay với đầu nậu. Tuy nhiên, việc xử lý chưa nghiêm minh. Từ năm 2016, UBND huyện đã chuyển 36 vụ việc cho cơ quan công an xử lý, nhưng mấu chốt vẫn chưa xử lý hình sự đầu nậu được. Từ đó, lãnh đạo huyện Bình Chánh kiến nghị Công an TP chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ để công an huyện có thể xử lý hình sự đầu nậu và cò đất về tội đưa nhận hối lộ, trốn thuế..
Cam kết thực hiện các giải pháp căn cơ hơn, song Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cũng kiến nghị được lập bản đồ địa chính với đầy đủ hiện trạng hiện nay; tăng thêm lực lượng cán bộ đối với một số địa bàn; cho phép thành lập “đội đặc nhiệm” có đủ thẩm quyền, phương tiện và cưỡng chế nóng đối với các trường hợp xây dựng trái phép.
Tuy vậy, ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng chỉ rõ một yêu cầu quan trọng của Chỉ thị 23-CT/TU là kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn vi phạm ngay từ đầu. Qua kiểm tra thực tế tại xã Vĩnh Lộc A cho thấy có các hành vi vi phạm xây dựng, ở từng thời điểm cụ thể, bao gồm: xây dựng vây gạch ranh đất, vây tole quanh đất và xây dựng công trình bên trong tole. Đối với từng hành vi, như xây gạch trên ranh đất cũng đã đủ cơ sở xử lý, ngăn chặn vi phạm tiếp diễn.
Tại buổi làm việc, đồng chí Trần Lưu Quang phân tích, ngoài những lý do khách quan do quy hoạch, nhu cầu về chỗ ở của người nhập cư gia tăng đột biến thì còn có trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo cũng như quản lý địa bàn.
“Nếu chúng ta ứng xử với công việc kiểu này, chúng ta sẽ thất bại và Chỉ thị 23-CT/TU sẽ thất bại”, đồng chí Trần Lưu Quang lưu ý và nhấn mạnh, mục tiêu trước mắt là không để phát sinh tình trạng xây dựng không phép, trái phép mới. Về lâu dài phải có giải pháp tổng hợp về điều chỉnh quy hoạch, về chính sách đảm bảo nhu cầu chính đáng của người lao động nhập cư, những người tạo nên giá trị gia tăng rất lớn cho TP.
Cụ thể, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM yêu cầu trước mắt phải tập trung xử lý ngay các đầu nậu một cách nghiêm minh để tạo tính răn đe. Việc này cũng tạo cho cán bộ địa phương tự tin hơn trong thực hiện nhiệm vụ, người dân không dám mua nhà không phép và đầu nậu sẽ ngán ngại việc phân lô đất nông nghiệp, xây dựng nhà không phép rồi bán nhà trái phép.
Từ kết quả kiểm tra thực tế, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, hạn chế trong quản lý trật tự xây dựng trên diễn ra rất lâu rồi. Trong đó, từ năm 2016, Huyện ủy Bình Chánh đã có nghị quyết chuyên đề về quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. Sau đó, Thành ủy có Chỉ thị 23-CT/TU và đến nay có một số tiến bộ, nhưng nếu tiếp tục cách làm như lâu nay thì không giải quyết căn cơ. Đầu việc của UBND huyện đề cập là đúng, nhưng vấn đề là có kết quả hay không?
Đi vào cụ thể, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ không hài lòng trước sự hạn chế trong thực hiện các quyết định xử phạt, trong đó có năm không thực hiện quyết định nào và năm 2019 chỉ thực hiện 20% quyết định. “Nhiệm vụ nhiều, nhưng kết quả rất hạn chế”, đồng chí chỉ rõ và phân tích, việc ra quyết định xử phạt nhưng vẫn cho tồn tại, không buộc khắc phục hiện trạng ban đầu sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy. Theo đó, người mua những công trình vi phạm này thấy có tương lai (về khả năng được cho tồn tại - PV) và tạo nhu cầu về nhà ở bất hợp pháp, mặc dù TPHCM không khuyến khích người nhập cư vào TPHCM ở nhà bất hợp pháp. Cạnh đó, việc xử lý cho tồn tại cũng “kích thích” đầu nậu phân lô đất nông nghiệp trái phép phát triển. Mặt khác, những người làm sai trong cuộc không bị xử lý, nên không lo sợ.
Đồng chí khẳng định, TPHCM nói không với tình trạng phân lô đất nông nghiệp, xây nhà không phép và chuyển nhượng nhà trái phép. Đối với các trường hợp này, dấu hiệu vi phạm đã hiện rõ từ khi đổ đất làm đường, xây móng nhà, che tole thì phải tập trung xử lý ngay.
Theo đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM, việc tồn tại hàng loạt công trình không phép nằm gần văn phòng ban nhân dân ấp, thậm chí có cả nhà mẫu, là biểu hiện rõ sự công khai vi phạm. Bày tỏ bức xúc trước thực trạng này, đồng chí yêu cầu thực hiện nghiêm túc theo Chỉ thị 23-CT/TU, trong đó có yêu cầu tập trung xử lý đối với các đầu nậu. Đồng chí không hài lòng với việc lơ là, không tập trung trong xử lý những nhóm đối tượng này và yêu cầu các đơn vị liên quan, trong đó có Công an TP rà soát lại, tập trung xử lý các đầu nậu, dứt khoát không để rối loạn như thế.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng chỉ đạo Sở Xây dựng và UBND TP xây dựng quy trình xử lý khi có thông tin về vi phạm xây dựng, trong đó xác định rõ trách nhiệm của những đơn vị, cá nhân liên quan.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, nếu không khắc phục được tình trạng vi phạm xây dựng thì bộ mặt của một số xã cũng như huyện Bình Chánh sẽ “nát” hết, không thể tiến tới xây dựng nông thôn mới, phát triển thành quận.
* Ông Đặng Minh Đạt, Chánh Thanh tra TPHCM: Chưa kiên quyết tháo dỡ công trình không phép Ông Đặng Minh Đạt phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VIỆT DŨNG Công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn huyện Bình Chánh đang tồn tại nhiều vấn đề. Trong xử lý công trình không phép, quan trọng là biện pháp khôi phục lại hiện trạng ban đầu, nhưng các xã chưa kiên quyết thực hiện quyết định xử phạt, để tồn nhiều quyết định. Như tại nhiều xã, chỉ khoảng 50% chấp hành quyết định nhưng cũng chỉ đóng phạt mà không khôi phục hiện trạng ban đầu. Trong khi đó, việc phát hiện vi phạm cũng khá chậm. Đến khi lập biên bản thì nhiều công trình đã xây dựng 80%, gây khó khăn trong việc khắc phục hậu quả. Theo thống kê, vi phạm xây dựng, đất đai tập trung ở các xã Vĩnh Lộc A, xã Vĩnh Lộc B, xã Bình Hưng và xã Tân Kiên. Số vụ vi phạm ở 4 xã này chiếm 70% trên toàn huyện. Ngoài ra, trong năm 2019 chỉ có 20% công trình không phép bị tháo dỡ, số còn lại (80%) vẫn chưa được xử lý, yêu cầu người vi phạm tự tháo dỡ hoặc tổ chức cưỡng chế tháo dỡ. Ông Trần Văn Nam. Ảnh: VIỆT DŨNG Huyện Bình Chánh xử lý công trình trái phép không đạt yêu cầu, chỉ là phạt tiền và đối với nhiều trường hợp đã không yêu cầu tháo dỡ hoặc tổ chức cưỡng chế. Ở huyện có một vấn đề lớn là đang tồn 5.735 công trình vi phạm xây dựng chưa xử lý. Đó là chưa kể các công trình phát sinh sau này. Như vậy, số tồn trước đây chưa giải quyết và cộng số lượng mới phát sinh thì toàn huyện có 10.000 công trình vi phạm chưa xử lý. Ông Võ Văn Hoan phát biểu tại buổi làm việc với huyện Bình Chánh. Ảnh: VIỆT DŨNG Qua kiểm tra thực tế cho thấy, tình hình xây dựng không phép trên đất nông nghiệp ở huyện Bình Chánh xảy ra đã lâu. Huyện và các xã có quyết tâm nhưng chưa có giải pháp ngăn chặn tình trạng xây dựng không phép tràn làn ở một số điểm nóng. Trong đó, hàng loạt công trình không phép nằm kế bên văn phòng ban nhân dân ấp cho thấy có tính tổ chức, với sự tham gia của môi giới, đầu nậu. Đặc biệt là có sự tham gia, tiếp tay của cán bộ ở ấp và không loại trừ có sự tiếp tay ở các cơ quan, đơn vị khác. |