Ngày 6-11, Thành ủy TPHCM tiếp và làm việc với Đoàn cán bộ khảo sát thực tế của nhóm 2 - Ban Chỉ đạo Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam.
Chủ trì buổi làm việc có đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, trưởng nhóm 2, trưởng đoàn; đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, TPHCM có sẵn nền tảng từ tâm thế, trình độ, năng lực nguồn nhân lực… trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhiều mô hình mới xuất hiện tại TPHCM đã được vận dụng sáng tạo theo tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Đề cập đến sứ mệnh, vị trí, vai trò và bối cảnh phát triển của thành phố, Bí thư Thành ủy TPHCM khẳng định, tất cả các yếu đó đã thúc giục từ lãnh đạo đến đội ngũ cán bộ, cộng đồng doanh nghiệp và người dân TPHCM phải hành động để đưa thành phố phát triển. Qua đó, góp phần đưa TPHCM trở thành một trong những địa phương đi đầu, tiên phong trong tiến trình đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Đề cập đến nhiều mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế, chính sách vượt trội được triển khai tại thành phố…, Bí thư Thành ủy TPHCM đánh giá, từ đây, Trung ương đúc kết những bài học kinh nghiệm, thể chế hóa thành những chính sách cụ thể trong phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan trình bày báo cáo tại buổi làm việc. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Từ thực tiễn phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam tại TPHCM, Bí thư Thành ủy TPHCM chỉ ra còn nhiều vấn đề cần đánh giá, tổng kết nghiêm túc, toàn diện và sâu sắc hơn. Theo đồng chí, thời gian càng lùi xa càng thấy rõ và hệ thống lại những giá trị một cách sâu sắc, toàn diện hơn trong các mối quan hệ giữa kinh tế Nhà nước với các thành phần kinh tế khác trong nền kinh tế thị trường.
Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Đồng chí cũng chỉ rõ, thực tế hiện nay, pháp luật ngày càng hoàn thiện về mặt hình thức nhưng về nội dung vẫn còn một số còn bất cập. Trong đó, một số quy định pháp luật có độ trễ và chưa theo kịp sự phát triển của xã hội. Đặc biệt là trong giai đoạn đất nước nói chung, TPHCM nói riêng đẩy mạnh hội nhập sâu rộng với thế giới.
Qua thực tiễn TPHCM, Bí thư Thành ủy TPHCM đánh giá, trong thực thi, vận hành của nền kinh tế có lúc chậm, chưa đồng bộ. "Chúng ta cần nhìn thẳng, đánh giá đúng với thực tiễn bằng tinh thần trách nhiệm cao nhất, không né tránh. Tránh tình trạng đổ lỗi cho khách quan, đổ lỗi cơ chế, cấp trên đổ lỗi cấp dưới, cấp dưới đổ lỗi cấp trên…", Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh.
Giám đốc Sở Công thương TPHCM Bùi Tá Hoàng Vũ phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Theo Bí thư Thành ủy TPHCM, hiện nay việc mặc chung một chiếc áo là không ổn nhưng mặc một chiếc áo riêng cũng không phải đơn giản. Đó là lý do TPHCM đề nghị các cơ chế, chính sách thí điểm trong Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội, ở từng lĩnh vực cụ thể chứ không đề nghị một cơ chế chính sách chung hết cho TPHCM.
TS Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM phát biểu. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Bí thư Thành ủy TPHCM cũng nhấn mạnh vai trò liên kết vùng và khẳng định, thành phố phát triển không chỉ một mình. Do đó, rất cần nhìn thẳng vào vấn đề liên kết vùng để đưa vào báo cáo, nghị quyết.
Đồng chí tin tưởng, qua tổng kết sẽ chắt lọc những bài học kinh nghiệm quý giá từ thực tiễn của TPHCM để góp phần hoàn chỉnh báo cáo của Ban Chỉ đạo Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam.
Trao đổi tại buổi làm việc, PGS-TS Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM dự báo, trong 5 đến 10 năm tới, khả năng nền kinh tế Việt Nam gia nhập vào nhóm các nền kinh tế mới nổi. Ông dự báo mô hình kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam sẽ là mô hình quen thuộc, xuất hiện trong các mô hình kinh tế của thế giới.
PGS-TS Nguyễn Tấn Phát cũng góp ý, Chính phủ phải có năng lực can thiệp vào thị trường để giúp thị trường hoạt động tốt hơn, phải có đủ khiêm nhường để tránh ra khi thị trường tự thân nó hoạt động sẽ tốt hơn. Quan trọng nhất là có sự thông tuệ để hiểu rõ hơn sự khác biệt giữa hai tình huống này.
PGS-TS Nguyễn Tấn Phát phát biểu. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Đồng thời, tạo sự cạnh tranh và lợi ích hài hòa của các chủ thể sẽ góp phần tăng trưởng kinh tế bền vững, khẳng định tính đúng đắn của mô hình kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.