Chiều 23-9, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM dẫn đầu đoàn công tác của TPHCM dự Hội nghị sơ kết công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn TP Thủ Đức từ ngày 16 đến ngày 22-9.
Báo cáo với đoàn, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức thông tin, từ ngày 28-8 đến ngày 21-9, số ca mắc Covid-19 trên địa bàn giảm liên tục, gần nhất là tuần từ ngày 15 đến ngày 21-9, số ca mắc mới giảm liên tục so với 2 tuần liền kề và giảm hơn 69% so với tuần cao nhất trong đợt dịch. Từ ngày 15 đến ngày 21-9 trên địa bàn không ghi nhận chuỗi lây nhiễm mới.
Thời gian tới, TP Thủ Đức tiếp tục tập trung thực hiện 3 trụ cột. Đó là tăng cường xét nghiệm thần tốc để bóc tách F0 khỏi cộng đồng, tạo các vùng an toàn để từng bước thiết lập trạng thái bình thường mới; tập trung công tác tiêm ngừa. Trong trụ cột y tế, TP Thủ Đức sắp xếp lại nhân lực y bác sĩ, trang thiết bị, phương tiện, vật tư y tế đảm bảo đủ điều kiện để các khu thu dung điều trị F0 theo các tuyến để thích ứng trong tình hình mới, giảm tối đa nguy cơ tử vong. Ngoài việc thiết kế 3 tầng điều trị F0, TP Thủ Đức cũng thành lập Trung tâm phục hồi chức năng, vật lý trị liệu và tư vấn tâm lý do ảnh hưởng Covid-19.
Hiện nay, TP Thủ Đức đang xây dựng các kế hoạch phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế theo các giai đoạn cụ thể, với từng loại hình hoạt động và địa bàn cụ thể. Trong phục hồi có xác định lộ trình, lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên để nới lỏng dần từng bước; thí điểm khởi công lại các công trình dự án, trong đó có các dự án tư nhân trên cơ sở đảm bảo an toàn phòng chống dịch…
Theo Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức, trong ngày 23-9, TP Thủ Đức đã tổ chức thi công trở lại 4 công trình trên địa bàn.
“TPHCM cũng cần sớm nghiên cứu, xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi kinh tế”, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu đề xuất TPHCM.
Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức Nguyễn Văn Hiếu cũng nêu ra lo lắng về việc kiểm soát dịch sau khi mở cửa trở lại. Đặc biệt, ở địa phương có nhiều khu nhà trọ chật hẹp, dễ tạo ra lây nhiễm dịch bệnh. Do đó, điều kiện quan trọng hàng đầu vẫn là tiêm ngừa đủ liều, giúp người dân tham gia trở lại các hoạt động xã hội được an toàn với dịch bệnh.
Nhận xét kết quả phòng chống dịch ở TP Thủ Đức, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM Lê Thị Hồng Nga cho biết, số ca mắc mới ở địa phương liên tục giảm trong 3 tuần gần đây. Tỷ lệ người mắc trên tổng số người xét nghiệm cũng giảm liên tục. Đối chiếu với các tiêu chí kiểm soát dịch Covid-19 của Bộ Y tế, TP Thủ Đức đã kiểm soát được dịch bệnh. |
Phát biểu tại buổi sơ kết, Giám đốc Sở Công thương Bùi Tá Hoàng Vũ phân tích, TP Thủ Đức có các trụ cột quan trọng với TPHCM như có hệ thống cảng biển, cảng sông, Khu Công nghệ cao, Khu chế xuất và chợ đầu mối… Sự mở cửa, khôi phục phát triển kinh tế của địa phương là rất quan trọng, mang tính chất đòn bẫy đối với TPHCM.
Vì vậy, Giám đốc Sở Công thương đề xuất, TP Thủ Đức có phân công tổ công tác và có đầu mối giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp. Điều này nhằm đảm bảo việc mở cửa an toàn, nhưng cũng vì quá cẩn thận làm trì hoãn việc mở cửa.
Quản lý nhưng phải đảm bảo quyền của người dân
Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của địa phương và đạt được những kết quả quan trọng, góp phần cho TPHCM có thêm một địa phương cơ bản kiểm soát được dịch bệnh theo tiêu chí của Bộ Y tế.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên cũng đề cập đến một số hạn chế của Thủ Đức, như công tác an sinh xã hội và chia sẻ với những khó khăn khách quan của địa phương. Đồng thời, yêu cầu TP Thủ Đức tiếp tục tập trung hơn, thực hiện công tác an sinh xã hội một cách công khai, minh bạch và không để xảy ra sót lọt cũng như không hỗ trợ trùng lắp.
“Chúng ta không thể tiếp tục kéo dài giãn cách nghiêm ngặt mà cần phải từng bước mở dần, thích ứng an toàn để kinh tế phục hồi và các hoạt động xã hội dần trở lại bình thường”, Bí thư Thành ủy TPHCM nhắc lại và bày tỏ đồng tình với kế hoạch mở cửa trở lại của TP Thủ Đức.
Đồng chí nhấn mạnh đến nhiều nội dung cụ thể như yêu cầu xây dựng chiến lược y tế bài bản trong bình thường mới. Tương tự, trong chiến lược an sinh xã hội thì phải tính đến việc làm, chỗ ở cho công nhân, người lao động.
Theo đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM, khi công nhân lao động có việc làm thì gánh nặng an sinh sẽ giảm nhưng việc mở cửa các hoat động để người dân có việc làm thì phải tính đến chỗ ở an toàn với dịch bệnh. Do đó, TP Thủ Đức phải rà soát các khu vực nhà ở chật hẹp, không đảm bảo môi trường bảo vệ sức khỏe cho người dân và có kế hoạch kêu gọi đầu tư.
“Nhân lúc này, chúng ta cần bố trí, sắp xếp và quy hoạch lại để TP Thủ Đức tương xứng với tầm vóc, định hướng phát triển”, đồng chí Nguyễn Văn Nên yêu cầu.
Bí thư Thành ủy TPHCM dẫn chứng thêm một số hạn chế của TP Thủ Đức, như việc kiểm soát đi lại hiện nay, dù số lượng người được ra đường rất ít nhưng việc dừng xe quét mã QR vẫn tạo ra ùn ứ tại các chốt. Thế thì khi TPHCM bước vào trạng thái bình thường mới, số người ra đường cao gấp nhiều lần hiện nay mà thực hiện giải pháp như vậy để kiểm tra “thẻ xanh Covid” là không ổn.
Nhấn mạnh, hạn chế trên cũng là vấn đề chung của TPHCM, nhưng đồng chí Nguyễn Văn Nên gởi gắm TP Thủ Đức nỗ lực có các sáng kiến, sáng tạo và thử nghiệm mô hình quản lý phù hợp trong thời kỳ bình thường mới, để có thể nhân rộng ra toàn TPHCM.
Người đứng đầu Đảng bộ TPHCM cũng yêu cầu các ngành, các cấp phải hình dung được những tình huống phát sinh khi mở cửa trở lại để công tác quản lý, kiểm soát không tạo ra ùn ứ và đảm bảo các quyền đi lại, hoạt động giao thương, sinh hoạt… của người dân.