Ngày 5-9, đoàn công tác của TPHCM do đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM dẫn đầu, đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Quận ủy quận 7 đánh giá về những kết quả nổi bật từ ngày 15-8 đến nay và các giải pháp trọng tâm trong phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn quận.
Nhân buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đã dành cho báo chí một cuộc trao đổi bên lề về một số ý tưởng cho phương án bình thường mới, sống trong điều kiện có dịch Covid-19.
Không thể giãn cách triệt để nghiêm ngặt mãi được…
- Phóng viên: Đồng chí có đề cập đến việc đưa ra trạng thái bình thường mới. Vậy có phải là sắp tới TPHCM đưa ra một số phương án để hoạt động kinh tế trở lại trong điều kiện vẫn có dịch?
* Đồng chí NGUYỄN VĂN NÊN: TPHCM đang đi tìm điều đó! Trong đó, TPHCM đang giao huyện Củ Chi và quận 7 làm điểm, chuẩn bị chuyển hướng sang chiến lược sống trong điều kiện mới.
Thực ra, chống dịch là cuộc chiến chưa có tiền lệ và chưa có bài học gì trước đó. Dịch bệnh xảy ra và buộc chúng ta phải ứng phó. Không thể thực hiện giãn cách triệt để nghiêm ngặt mãi được. Điều đó là chắc chắn rồi! Không thể chịu đựng mãi!
Thứ hai, không thể quét sạch F0 ra khỏi cộng đồng khi dịch bệnh đã lan rộng và ngấm sâu. Vậy, gọi sống trong điều kiện mới là sống trong điều kiện có SARS-CoV-2 chủng Delta. Giống như sống chung với bão, với lũ. Sống chung với lũ thì cần phải tôn nhà lên cao, có ghe xuồng, quan trọng là phải biết bơi, có áo phao và phải có các điều kiện để mình không chết.
Sống chung với lũ là thế. Còn “sống chung” với dịch thì thế nào? Chúng ta phải có vaccine, phải có thuốc, cần có tâm thế, có kiến thức chăm sóc sức khỏe bảo vệ bản thân… Tức là phải có điều kiện cần và đủ để “vũ trang” cho từng người dân như một chiến sĩ để chủ động chiến đấu. Chúng ta phải giữ khoảng cách, tạo lập lối sống chậm lại một chút và phải ý thức rằng bên cạnh chúng ta còn Covid-19 và có thể bị lây nhiễm.
Vấn đề là chúng ta cần có tâm thế, tập dần phong cách sống trong môi trường có dịch Covid-19 như thế nào? Ngoài chuyện chúng ta phải thực hiện 5K thì gần đây xã hội có nói là 7K, đó là thêm không khí môi trường thông thoáng và sức khỏe – cả sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần. Để bảo vệ sức khỏe, thì cần biết vệ sinh, súc miệng, súc mũi và nếu như lỡ virus SARS-CoV-2 có xâm nhập thì phải biết làm gì, tự phát hiện, tự cách ly, tự điều trị với sự hỗ trợ của hệ thống y tế. Điều trước tiên cần bình thường mới trong điều kiện có dịch đó chính là tâm thế, là thói quen sống của từng người dân cực kỳ quan trọng.
Cùng với đó, cần củng cố hệ thống y tế đủ mạnh. Khi chúng ta có những điều đó thì mới yên tâm sản xuất kinh doanh. Bởi vì, chúng ta không chỉ lo chống dịch không mà không sản xuất, nếu vậy thì sẽ chết vì cái khác trước khi chết vì dịch. Cho nên, điều quan trọng là phải bảo vệ sức khỏe của nền kinh tế, không để nó lụn bại. Mà muốn bảo vệ nền kinh tế thì phải trở lại mục tiêu kép. Đó là làm sao sản xuất an toàn, đảm bảo cho được mức độ có thể. Ví dụ, chúng ta vẫn có thể phát hiện các trường hợp F0 trong xã hội nhưng khi phát hiện F0 thì bóc tách, điều trị. Hiện TPHCM đang xây dựng kế hoạch, mang tính khoa học, thực tế và học tập kinh nghiệm các nước đi trước.
TPHCM đang giao cho các cơ quan nghiên cứu, trong đó có đội ngũ khoa học, thầy thuốc, xã hội học… nghiên cứu các vấn đề liên quan đến môi trường và con người sống trong môi trường có dịch. Và chúng ta bắt đầu sống trong điều kiện phù hợp tương xứng. Người dân không nóng vội muốn trở lại bình thường. Bình thường mới khác với bình thường. Bình thường có nghĩa là làm những gì như ngày xưa mình làm. Nhưng bây giờ thì khác.
Mở cửa từng bước, chắc chắn
* Bây giờ thì không phải là khoanh. Bởi vì, quận 7 đi trước, kiểm soát được dịch và bây giờ quận 7 cần tiếp tục đi trước nữa. Nghĩa là TPHCM sẽ ưu tiên đầu tư đủ vaccine, đảm bảo đủ thuốc, hệ thống y tế đảm bảo để quận mở dần ra và lấy quận 7 làm điểm.
Cần lưu ý là kinh tế TPHCM có 80% trở lên là dịch vụ. Đặc điểm này khác với các địa phương khác. Ở nông thôn, nếu “đóng cửa” một tháng thì không ảnh hưởng nặng, vẫn có rau cỏ quanh vườn sinh sống qua ngày. Nhưng, nếu TPHCM đóng cửa một chút thì có những người dân rơi vào cảnh khó khăn ngay và cần phải trợ cấp liền. Thực tế có những người lao động không có nồi cơm, không có bếp ăn trong nhà và bộ phận này ở TPHCM rất lớn. Dịch vụ khi tắc một đoạn, một cung đường nào đó là làm ảnh hưởng đến một chuỗi nhiều người.
Quay trở lại câu chuyện “mở cửa”, nếu không khéo, không quản lý được thì sinh chuyện lây nhiễm trở lại. Vì thế, cần mở cửa từng bước, chắc chắn, mở tới đâu quản lý được tới đó.
Ví dụ, sắp tới đây ai là người được ra công viên tập thể dục, với người có kháng thể tốt, được tiêm 2 mũi vaccine thì ra công viên lớn; người mới tiêm 1 mũi thì ở công viên nhỏ vì vắng người, còn người chưa tiêm vaccine thì ở nhà. Vấn đề quản lý người tham gia các hoạt động ngoài xã hội là cực kỳ quan trọng. Việc quản lý phải bằng công nghệ chứ không thể quản lý theo kiểu kiểm soát với nhau mà được. Lúc đó, mọi người phải thay đổi phong cách sống và thích nghi với nó. Về điều này, TPHCM đang hình dung bước đầu và đang giao nhiệm vụ cho các cơ quan chức năng tính toán, nghiên cứu.
Cũng cần nhìn rộng ra rằng hiện nay, nhiều nước tiên tiến trên thế giới vẫn còn khó khăn, dịch tái đi bùng lại, quản lý mở ra thắt lại. Trong khi điều kiện đất nước mình và TPHCM càng khó khăn hơn. Như quận 7 có đề xuất việc tạm di chuyển chỗ ở đối với người dân ở nơi đông đúc, chật chội để phòng chống dịch. Quận 7 dù sao còn ít những khu vực đông đúc; còn quận Bình Tân, huyện Bình Chánh, quận 12… có rất đông người lao động ở trong những khu vực chật chội. Tôi đã tới đó rồi, có khi 5-6 người sống ở một căn nhà rất nhỏ, làm sao không lây nhiễm được. Nhưng bây giờ di chuyển tạm người dân đi đâu, đây là một điều cực ký khó khăn.
Vì thế, với TPHCM, khi mở cửa ra thì phải tính toán kỹ để đảm bảo an toàn.
- Hôm qua, huyện Củ Chi đề xuất test nhanh để quản lý các trường hợp ra vào huyện để bảo vệ vùng xanh. Đồng chí thấy đề xuất này thế nào?
* Việc này là huyện đang tính phần của huyện thôi. Tới đây, khi TPHCM và một số vùng mở ra thì không phải mỗi nơi mỗi test như thế mà dùng app để quản lý. Hiện TPHCM đang tính quản lý theo hướng này. Nếu không làm như thế thì rất khó khăn trong quản lý. Vì quận nào cũng muốn kiểm soát người thì lúc đó rất khó. Hiện nay, Củ Chi muốn bảo vệ vùng xanh của huyện, vì huyện có F0 từ nơi khác đến nhiều quá. Đề xuất của huyện là đúng nhưng khi cả TPHCM và vùng phía Nam mở ra phải tính toán kỹ. Có thể là sử dụng giấy thông hành vaccine, thông hành y tế… tất nhiên là không chỉ vaccine không mà nó còn những thứ khác nữa. Cho nên, lúc đó phải quản lý bằng công nghệ.
- Quận 7 đề xuất sử dụng một số khu đất trống do nhà nước quản lý mà chưa thực hiện các dự án để xây dựng các khu lưu trú tạm cho công nhân đối với các doanh nghiệp sản xuất có đông công nhân?
* Đây là đề xuất rất chính đáng. TPHCM sẽ xem xét trên các quy định của pháp luật. Trong giai đoạn này, khi chưa có kế hoạch sử dụng thì có thể tạm thời cho mượn để ứng phó lúc dịch bệnh. Nhưng việc này phải xem xét, bàn bạc cho đúng để tránh phát sinh những chuyện rắc rối sau này.
- Về việc huyện Cần Giờ có thể nhận người dân từ các nơi có chỗ ở chật chội trên địa bàn TPHCM đến tạm sinh sống, giúp giảm bớt mật độ dân cư, phòng chống dịch? Đồng chí thấy việc này ra sao?
* Kế hoạch di chuyển tạm thời người dân ở các khu vực chật chội để giảm mật độ dân cư, TPHCM đang tính nhưng rất khó vì số lượng nhu cầu quá lớn, còn khả năng đáp ứng thì quá nhỏ. Các đơn vị đang xây dựng kịch bản.
Có người hỏi tôi khi kiểm soát được dịch bệnh thì điều đầu tiên làm là gì? Tôi trả lời là xây nhà ở xã hội. Bởi vì người dân bức xúc cái này. Khi TPHCM có đất, có chính sách và kêu gọi các doanh nghiệp tham gia thì chắc chắn các doanh nghiệp sẽ xây nhanh để giải quyết vấn đề.