Sáng 15-12, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM giao ban với các địa phương về công tác phòng chống dịch Covid-19. Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM và đồng chí Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, chủ trì buổi giao ban.
Bảo vệ người có nguy cơ, giám sát vùng có nguy cơ
Phát biểu tại buổi giao ban, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, tình hình dịch Covid-19 trên thế giới đang diễn biến phức tạp và phải ngăn chặn với biến thể mới Omicron. Tại TPHCM, tình hình dịch Covid-19 diễn biến tương đối giống như với thế giới – lúc tăng lúc giảm không ổn định – tuy nhiên, TPHCM đã cơ bản kìm chế số ca mắc, số trường hợp tử vong.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên ghi nhận và đánh giá cao hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM và các quận, huyện, Sở Y tế, Bộ Tư lệnh TPHCM cùng các đơn vị liên quan. Nổi bật là TPHCM đã triển khai bài bản chiến lược y tế trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; có từng kế hoạch cụ thể, nêu rõ công việc cụ thể.
Thành phố cũng có chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm có nguy cơ, có kế hoạch giám sát các nơi có nguy cơ cao. Đồng chí cũng đánh giá cao Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 đã xây dựng thế trận y tế ứng phó với biến thể Omicron, đưa ra 8 giải pháp cụ thể; huy động hơn 6.500 nhà thuốc tư nhân tham gia phòng chống dịch; củng cố bệnh viện dã chiến 3 tầng, củng cố trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc F0 tại cộng đồng…
Theo đồng chí, các chiến dịch và kế hoạch mang tinh thần trách nhiệm, là sự sáng tạo từ thực tế phòng chống dịch của TPHCM, nhằm cố gắng tối đa bảo vệ an toàn sức khỏe người dân. Quá trình triển khai đã có sự phối hợp liên ngành, liên đơn vị một cách chặt chẽ. Đó là nền tảng để TPHCM chiến đấu lâu dài trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covdi-19. Trọng tâm các công việc thời gian tới, Bí thư Thành ủy TPHCM đặc biệt lưu ý đến việc bao phủ vaccine cho người dân.
Trong chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm có nguy cơ, đồng chí Nguyễn Văn Nên yêu cầu, việc đầu tiên là các quận huyện, TP Thủ Đức phải thống kê, rà soát, nắm kỹ số lượng người có nguy cơ cao trên địa bàn. Từ đó, đưa vào cơ sở dữ liệu, kết nối thông tin, nắm kỹ từng hoàn cảnh, đặc điểm sống, môi trường sống để triển khai các biện pháp bảo vệ an toàn sức khỏe người dân.
Đánh giá cao ngành y tế đã có 10 lời khuyên dành cho người cao tuổi, trong có lời đầu tiên “hãy ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài”, đồng chí Nguyễn Văn Nên cho rằng, lời khuyên này nghe có vẻ rất phù hợp, nhưng cũng cần xem lại, bởi có khi chính gia đình lại là nơi lây nhiễm do người thân đi từ nơi khác mang dịch Covid-19 về nhà.
Vì thế, phải tính cách bảo vệ người lớn tuổi ngay ở trong gia đình, cần nâng lên một bước là người cao tuổi cũng cần thận trọng khi tiếp xúc với người thân ở trong nhà. Ngược lại, bản thân mỗi người, ngoài bảo vệ bản thân, cũng phải có trách nhiệm bảo vệ người thân trong gia đình mình - nhất là người lớn tuổi - và cộng đồng.
Đơn cử một dẫn chứng như vậy, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm có nguy cơ phải được thực hiện một cách thấu đáo bằng lương tâm và trách nhiệm. Đồng thời, chú trọng giám sát vùng có nguy cơ cao như các quận Bình Tân, quận 4, quận 12, huyện Bình Chánh, các khu nhà trọ, nơi tập trung đông dân cư…
Bảo đảm quyền lợi người tham gia phòng chống dịch
Ứng phó với biến thể mới Omicron, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên lưu ý, thế trận y tế ứng phó với biến thể mới phải thực hiện một cách chủ động. Ngoài giám sát kiểm dịch tại cửa khẩu hàng không, cần phải chú ý cả đường bộ, đường thủy, làm sao chủ động ngay từ bên ngoài chứ không đợi lọt vô TPHCM mới ứng phó.
Trong việc huy động hơn 6.500 nhà thuốc tư nhân tham gia phòng chống dịch, đồng chí Nguyễn Văn Nên lưu ý, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM cần nghiên cứu có chính sách cụ thể để đảm bảo quyền lợi cho các nhà thuốc. Tương tự, trong việc huy động y tế tư nhân, bác sĩ tư nhân, cũng phải hài hòa giữa nghĩa vụ và quyền lợi.
Trả lời câu hỏi TPHCM làm gì trong giai đoạn tới, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên lưu ý, ngoài các giải pháp đã đề cập ở trên, trong chiến lược về y tế, phải tính đến lực lượng là con người để tổ chức hình thành lên các trạm y tế lưu động, tổ tự quản, bệnh viện dã chiến… Cùng với nhân sự y tế TPHCM và đội ngũ quân y, điểm rất mừng là TPHCM có khoảng 15.000 sinh viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tham gia phòng chống dịch, bổ sung cho y tế cơ sở.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, vấn đề quan trọng hiện nay là cần có quy định rõ ràng về nghĩa vụ và quyền lợi để thu hút sinh viên ngành y, bác sĩ sắp ra trường tham gia phòng chống dịch, sẵn sàng thực hành ở y tế cơ sở. Phải nhanh chóng có chính sách cụ thể đối với y tế cơ sở. Đối với thuốc điều trị Covid-19, đồng chí Nguyễn Văn Nên khẳng định, TPHCM không thiếu thuốc. Quan trọng là phải quản lý chặt chẽ, có quy trình, có giám sát cụ thể.
Trong chiến lược phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bí thư Thành ủy TPHCM đề nghị, phải tăng cường kiểm tra việc tuân thủ các quy định phòng chống dịch khi mở lại các hoạt động. Tránh tình trạng mở ra nhưng không kiểm soát kỹ. Đồng chí cũng lưu ý khởi động chiến lược an sinh xã hội cho người dân.
Bình thường mới đòi hỏi lãnh đạo phải có tư duy mới
Bí thư Thành ủy TPHCM chia sẻ, TPHCM đang ở thời điểm bình thường mới - có nghĩa là sống chung với dịch Covid-19, thậm chí là chuẩn bị tinh thần sống chung với biến thể mới Omicron. Bình thường mới đòi hỏi các cấp lãnh đạo phải có tư duy mới.
“Thích ứng vẫn chưa đủ, nếu cứ loay hoay ứng phó thì vẫn mang tính bị động, mà phải sáng tạo, kiến tạo cho cuộc sống phát triển. Mỗi người, mỗi nơi phải có mỗi cách sáng tạo. Cán bộ và người dân phải chủ động hơn, có tâm thế kiến tạo, có phương pháp mới, có hành động mới để vượt qua khó khăn”, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh. |
Theo đồng chí, thay vì ngồi than phiền thì cán bộ và người dân cần hành động để vượt qua các vấn đề, vượt qua khó khăn, vượt qua chính mình. Người lãnh đạo và cán bộ phải thay đổi ngay từ trong tư duy, thái độ, phong cách – kể cả trong lao động, làm việc, học hành, vui chơi và trong lãnh đạo – để vượt qua các thách thức. Tinh thần mỗi người là một chiến binh, đã nói là phải hành động, hành động phải quyết liệt và thần tốc, có sự phối hợp chặt chẽ với nhau.
Bí thư Thành ủy TPHCM cũng yêu cầu đảm bảo sự bình yên cho người dân trong thời điểm cuối năm và chuẩn bị đón Tết 2022. Đề cập một số tỉnh thành đang có nhiều khó khăn trong phòng chống dịch, Bí thư Thành ủy TPHCM cũng nhấn mạnh về trách nhiệm của TPHCM đối với các tỉnh, thành, với Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. Tinh thần là thành phố không chỉ lo cho mình mà phải có trách nhiệm của TPHCM cùng cả nước, vì cả nước.
Cảm ơn cảnh báo của các chuyên gia Đại học Monash Mới đây, Đơn vị mô hình hóa dịch tễ của Đại học Monash (Australia) vừa có phân tích và đưa ra dự báo về tình hình dịch Covid-19 tại TPHCM, cho rằng từ nay đến cuối tháng 3-2022, nhiều khả năng sẽ có ít nhất một làn sóng dịch mới diễn ra. Dẫn lại dự báo của các chuyên gia, Bí thư Thành ủy TPHCM cho rằng, đây là sự cảnh báo để TPHCM quyết tâm, nỗ lực không rơi vào tình huống đó. “Chúng ta biết và cố gắng đề phòng tình huống xấu, nỗ lực hành động để tránh rơi vào tình huống xấu, chứ không phải là tránh né không nói đến. TPHCM cảm ơn sự cảnh báo của các chuyên gia”, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh. |