Năm 2017, Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư được Hội Sử học trao tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp sử học Việt Nam. Đến năm 2018, công trình hai tập sách Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ (1859-1954) của ông đạt giải A sách Hay Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ nhất. |
Đồng chí Nguyễn Văn Nên thăm, mừng đại thọ nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư nhân dịp cụ tròn 102 tuổi. Ảnh: VIỆT DŨNG
Trong buổi thăm hỏi ấm áp tại nhà riêng, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư đã chia sẻ nhiều câu chuyện về cuộc đời và những tác phẩm mà ông đã và đang, dự định viết. Cả cuộc đời ông dành cho việc nghiên cứu, cho ra đời hàng chục tác phẩm có giá trị về vùng đất Nam Bộ, Gia Định - Sài Gòn - TPHCM bằng hiểu biết sâu sắc của ông về lịch sử và con người vùng đất nơi đây thông qua con đường tự học, tự nghiên cứu.
Qua những câu chuyện giữa nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư với đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM, mọi người cảm nhận được sự minh mẫn, tinh tường, khỏe mạnh và say sưa nghiên cứu văn hóa, lịch sử, địa chí của ông dù đã 102 tuổi. Gặp gỡ, chia sẻ với ông không chỉ biết thêm về một nhà nghiên cứu có tâm, có tầm, khiêm nhường mà hơn hết còn học hỏi được thêm bao điều ý nghĩa về quá trình lao động, cống hiến trong sự nghiệp học thuật, nghiên cứu của một con người trí thức lỗi lạc.
Trong buổi thăm hỏi ấm áp tại nhà riêng, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư đã chia sẻ nhiều câu chuyện về cuộc đời và những tác phẩm mà ông đã và đang, dự định viết. Ảnh: VIỆT DŨNG
Trong buổi trò chuyện, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư chia sẻ, hồi nhỏ gia đình ông nghèo khó. Con đường trở thành nhà nghiên cứu đầy trắc trở, gian nan, gập nghềnh và ngắt quãng. Ông từng hai lần bỏ học giữa chừng. Ông kể hồi đó đi làm đồng dưới ruộng nhìn bạn bè đồng trang lứa cấp sách đi học mà trong lòng tủi thân lắm. Rồi ông quyết tâm xin gia đình để quay trở lại con đường học hành mới thay đổi cuộc đời, thoát cảnh nghèo khó. Càng khó khăn, ông càng nuôi chí lớn lấy sự học làm mục đích chính của cuộc đời dù học ở trường lớp hay tự học.
Một phần trong đó có lẻ ông không bao giờ quên, vào những năm 1978, do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, ông phải ra ngoài vỉa hè sửa xe đạp mưu sinh, lúc này ông đã ở vào cái tuổi 60 của cuộc đời. Bằng niềm đam mê nghiên cứu lịch sử, ông tranh thủ những lúc không có khách đến sửa xe, bắt tay vào viết bộ tiểu thuyết lịch sử Loạn 12 sứ quân.
Qua những câu chuyện giữa nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư với đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM, mọi người cảm nhận được sự minh mẫn, tinh tường, khỏe mạnh và say sưa nghiên cứu văn hóa, lịch sử, địa chí của ông dù đã 102 tuổi. Ảnh: VIỆT DŨNG
Cả cuộc đời trải qua bao giai đoạn thăng trầm lịch sử đã hun đúc con người ông tình yêu với sử Việt, ham đọc sách. Điều đó luôn được ông nuôi dưỡng theo năm tháng, lấy đó làm sở thích và công việc sưu tầm, sáng tác cho đến nay. Ngoài những bộ sách đã xuất bản, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư chia sẻ đang ấp ủ viết thêm nhiều bộ sách, trong đó là những bộ sách về từ điển địa danh hành chính Trung bộ, Bắc bộ và Tây Nguyên; Quyển Lịch sử thành lập và phát triển các tỉnh của từng vùng Bắc bộ, Trung bộ, Nam bộ, Tây Nguyên.
Đặc biệt, ông chia sẻ dự định viết tự truyện. Tuy nhiên, việc riêng này ông sẽ làm sau khi hoàn thành việc chung là viết các bộ sách đang ấp ủ ở trên. Ông tâm niệm cả cuộc đời không có công trạng gì nên ông không muốn viết hồi ký. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư mong muốn viết quyển tự truyện về một kiếp người của ông “ba chìm, bảy nổi”.
Để duy trì được sức khỏe và khả năng làm việc say mê, miệt mài, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư thức dậy tập thể dục mỗi 6 giờ sáng, đọc tin tức trên các phương tiện truyền thông, sau đó ông làm việc đến 11 giờ 30 phút mới nghỉ ăn trưa và quay lại làm việc đến 5 giờ 30 phút chiều. Tối đến, sau khi đọc báo, xem thời sự trên tivi, ông quay lại bàn làm việc đến tận 11 giờ 30 phút tối mới đi ngủ.
Bày tỏ lòng kính trọng, trân trọng ghi nhận những đóng góp to lớn của ông với những tác phẩm để lại cho đời mang nhiều giá trị, Bí thư Thành ủy TPHCM khẳng định, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư là một cây đại thụ, một tấm gương để thế hệ hôm nay và mai sau học tập, noi theo, rất đáng trân quý, xưa nay hiếm.
Dịp này, thay mặt lãnh đạo TPHCM, Bí thư Thành ủy TPHCM cũng gửi tặng quà chúc mừng sinh nhật nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, mong ông tiếp tục có nhiều sức khỏe, sống vui, sống khỏe, tiếp tục lao động, sáng tạo để có những công trình giá trị và vẫn mãi là cây đại thụ, là tấm gương để thế hệ hôm nay và mai sau học tập, noi theo.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư trân quý ký tặng Bí thư Thành ủy TPHCM bộ sách Gia Định - Sài Gòn - TPHCM dặm dài lịch sử (1698 - 2020) và quyển “Những tác phẩm đầu đời của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư”.
Dịp này, thay mặt lãnh đạo TPHCM, Bí thư Thành ủy TPHCM cũng gửi tặng quà chúc mừng sinh nhật nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư. Ảnh: VIỆT DŨNG
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu giá trị. Sự nghiệp cầm bút của ông bắt đầu thời trẻ ở độ tuổi 20 đã có tác phẩm đầu tiên là truyện dài mang dấu ấn riêng. Sau này, ông có nhiều tác phẩm nghiên cứu về địa danh mang hàm lượng tri thức cao như: Non nước Phú Yên, Non nước Khánh Hòa, Non nước Ninh Thuận, Địa chí hành chính các tỉnh Nam Kỳ thời Pháp thuộc (1859-1954), Đường phố nội thành TPHCM, Nam Kỳ địa hạt tổng thôn danh hiệu mục lục; tác phẩm lịch sử: Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ (1859-1954). Đặc biệt là cuốn Gia Định - Sài Gòn - TPHCM dặm dài lịch sử (1698 - 2020) đã được xuất bản quyển 1, tới đây ông sẽ cho ra mắt quyển 2.
Trước đó, ngày 15-7, đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM tới thăm, chúc mừng nhà văn hóa Nguyễn Đình Tư nhân dịp ông đại thọ 102 tuổi.