Chiều 4-12, Hội nghị chuyên đề mở rộng lần thứ 2 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI diễn ra phiên bế mạc. Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TPHCM, chủ trì hội nghị.
Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, theo dõi, chỉ đạo Đảng bộ TPHCM; Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí Thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM...
Phòng chống dịch – một nhiệm vụ trọng tâm năm 2021
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đánh giá, dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến đời sống kinh tế - xã hội của thế giới, của Việt Nam và TPHCM. Song, TPHCM đã chủ động thực hiện nghiêm, quyết liệt triển khai các giải pháp đồng bộ, bài bản, kịp thời khống chế được dịch Covid-19, không để lây lan.
Tuy nhiên, dịch Covid-19 lại tiếp tục lây lan ra cộng đồng. “Một lần nữa, chúng ta phải thực hiện các biện pháp khẩn cấp nhằm ngăn chặn, không để dịch lây lan thêm nữa. Chúng ta tin tưởng, với truyền thống và kinh nghiệm của TPHCM cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, chúng ta xử lý có hiệu quả, đi đến kiểm soát được dịch”, đồng chí Nguyễn Văn Nên bày tỏ.
Đồng chí Bí thư Thành ủy cũng điểm qua những kết quả nổi bật trên các lĩnh vực khác, như thực hiện hiệu quả chủ đề năm, trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế cũng như an sinh xã hội… Tuy nhiên, TPHCM cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Đó là, một số ngành công nghiệp, dịch vụ giảm sút, có ngành tốc độ tăng trưởng chậm hơn thậm chí tăng trưởng âm. Một số nội dung thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội còn chậm; tỷ lệ giải ngân đầu tư công có khả năng khó hoàn thành tỷ lệ phấn đấu đã đề ra. Đặc biệt tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.
Trước thực tế này, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, phòng chống dịch Covid-19 là một nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2021 cần phải được ưu tiên thực hiện. Yêu cầu đặt ra là kiên quyết khống chế, kiểm soát được dịch bệnh và không để lây lan thêm.
Thông tin thêm về nhiệm vụ trong năm tới, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho hay, năm 2021 là năm có ý nghĩa rất quan trọng khi có nhiều sự kiện quan trọng. Đây cũng là năm đầu triển khai các chủ trương lớn, trong đó ở TPHCM có triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI cũng như đề án tổ chức chính quyền đô thị.
Đề cập đến mục tiêu tổng quát của TPHCM được hội nghị thảo luận và xác định, đồng chí Nguyễn Văn Nên thông tin, chủ đề thực hiện năm 2021 của TPHCM là “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”.
Trong điều kiện diễn biến khó lường của dịch Covid-19, đồng chí đặt ra những yêu cầu tập trung để thực hiện thắng lợi những mục tiêu và chủ đề năm nêu trên.
Đồng chí nhấn mạnh, cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy các cấp, nhất là cấp quận, huyện, phường xã chịu trách nhiệm cao nhất về việc tổ chức phòng chống dịch Covid-19 ở địa bàn mình; có biện pháp, chính sách chăm lo sức khỏe của người dân, nhất là người già, trẻ em, những người dễ bị tổn thương do dịch bệnh.
Cùng với đó là việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc công tác triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ TPHCM. Đồng thời phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.
Đồng chí cũng lưu ý cần thực hiện các giải pháp đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý, nhất là việc dẫn dắt, thu hút đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài.
Đồng chí yêu cầu tiếp tục và kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về công tác xây dựng Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên.
Về thực hiện chủ đề năm, đồng chí nhấn mạnh đến việc tập trung triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy một cách khoa học, hợp lý đảm bảo triển khai hiệu lực, hiệu quả công việc. Cùng với đó là tập trung triển khai kế hoạch thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM theo nghị quyết của Quốc hội; sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TPHCM.
Nhìn thẳng vào sự thật
Đồng chí Bí thư Thành ủy hoan nghênh tinh thần trách nhiệm của các đại biểu trong thảo luận, góp ý và chuyển tải tâm tư, tình cảm của người dân, như bồi thường giải phóng mặt bằng, di dời nhà trên kênh rạch phải nhanh hơn, an ninh trật tự phải tốt hơn, môi trường đầu tư phải tiến bộ hơn…
Đề cập đến chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), đồng chí Nguyễn Văn Nên đặt vấn đề, TPHCM là thành phố lớn, thân thiện, năng động, sáng tạo. Từ đó, đồng chí yêu cầu khắc phục trên tinh thần “tiên trách kỷ, hậu trách nhân” để soi rọi, chấn chỉnh.
Theo đồng chí, khi đề ra kế hoạch thực hiện nhưng có những tồn tại, tạo ra sự bức xúc như khiếu kiện kéo dài, trong đó có Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2), Khu Công nghệ cao (quận 9), dự án Sing-Việt (huyện Bình Chánh)… cần được tập trung giải quyết.
Trả lời thắc mắc của đại biểu về Khu đô thị mới Thủ Thiêm, đồng chí Nguyễn Văn Nên thông tin, tại đây có việc đã làm, việc đang làm và có những công việc sẽ làm. Cơ quan chức năng các cấp từ trung ương đến cơ sở đang tập trung phối hợp thực hiện, cố gắng giải quyết trong tháng 12-2020.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên chia sẻ thêm, trong cuộc sống có những thành tựu thì cần được tôn vinh và tiếp tục phát huy. Song có những vướng mắc, tồn đọng thì phải tháo gỡ. Nếu việc còn dở dang thì tiếp tục. Việc nào sai thì uốn nắn, sửa chữa. Trường hợp có vi phạm đến mức xử lý thì phải xử lý. Đó vừa là trách nhiệm vừa là bổn phận. Đặc biệt, trách nhiệm và bổn phận của TPHCM còn ở yêu cầu nhìn thẳng vào sự thật, không tránh né. “Dám nghĩ, biết làm, dám chịu trách nhiệm. Quan điểm nhất quán của chúng ta là sai chỗ nào sửa chỗ đó. Sai mức nào thì xử mức đó. Tổ chức, cá nhân nào sai thì xử lý tổ chức, cá nhân đấy với động cơ trong sáng”, đồng chí Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.
Trước băn khoăn của đại biểu về việc có vụ việc gặp khó khăn trong giải quyết, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho hay, dù khó khăn cũng phải tập trung giải quyết, trên tinh thần đã đề cập. Đồng chí cũng mong muốn các cơ quan liên quan giám sát, vận động người dân ủng hộ để giải quyết dứt điểm các vụ việc nêu trên càng sớm càng tốt.
Đồng chí cũng yêu cầu khẩn trương xây dựng gói hỗ trợ doanh nghiệp để trình HĐND TP cho ý kiến, nhằm giúp các doanh nghiệp duy trì và phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó là tiếp tục đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; ổn định mặt bằng lãi suất; xây dựng kế hoạch hỗ trợ về vốn cho các doanh nghiệp.
Năm 2020 là năm đầy biến động, nhất là dịch Covid-19, nhưng đồng chí cho rằng, đối với con người TPHCM thì dù trong hoàn cảnh nào cũng cần phải giữ vững sự kiên cường, tinh thần đoàn kết năng động, sáng tạo, nghĩa tình. Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cũng mong muốn, mỗi cá nhân cần nêu cao tinh thần trách nhiệm hơn nữa, mỗi người hãy cố gắng làm đúng và làm tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, góp phần xứng đáng để hoàn thành xuất sắc trọng trách trước Đảng bộ, trước nhân dân thành phố.
Cải cách, đột phá về xúc tiến đầu tư
Trước đó, phát biểu tại phiên bế mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân điểm qua những kết quả thực chất trong thực hiện Chỉ thị 19 về thực hiện cuộc vận động người dân không xả rác ra đường và kênh rạch vì TP sạch và giảm ngập nước. Đồng thời đề nghị tập trung thực hiện để 4 phường cuối cùng ở TP được công nhận là phường không xả rác ra đường và kênh rạch.
Đồng chí nhấn mạnh, trong bối cảnh khó khăn chung, tăng trưởng kinh tế của TP đạt gần 1,4%, trong đó xuất khẩu tăng 4% là kết quả rất đáng ghi nhận. Dù vậy, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng đề nghị cần quyết liệt hơn nữa trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, khi TP vẫn còn 6 xã thuộc 3 huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn chưa được công nhận.
Bên cạnh đó, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng năm 2021, TPHCM cần thay đổi phương thức quản lý và xúc tiến đầu tư nước ngoài vào TPHCM. Bốn năm trước, bình quân một dự án đầu tư nước ngoài vào TPHCM có số vốn 2 triệu USD, thì năm 2020 bình quân chỉ 0,5 triệu USD/dự án – “con số không đáng kể gì đối với TP”. Đồng chí chỉ ra nghịch lý hiện nay, khi TPHCM có Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư nhưng lại thuộc UBND TP. Có Sở Công thương nhưng lại không quản lý doanh nghiệp, có Ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp nhưng chỉ quản lý trên địa phận của mình, quận huyện ngoài không nắm… “Năm 2021 phải thay đổi việc này, có cải cách, đột phá về quản lý và xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước về công nghiệp”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Mở rộng vấn đề, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, TPHCM nên đề xuất cơ chế một cửa với tất cả các loại dự án, vì nếu để phân tán thì không giải quyết được, không xác định được trách nhiệm.
Xung quanh việc cải thiện môi trường đầu tư, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các quy trình giải quyết liên quan doanh nghiệp, người dân phải có thời hạn; có địa chỉ người chịu trách nhiệm; có sự tham gia ý kiến của doanh nghiệp trong hoàn thiện môi trường đầu tư. Đồng thời có sự giám sát của HĐND, MTTQ với môi trường đầu tư TP; có chế tài và khen thưởng.
Tại hội nghị, chia sẻ thêm về tỷ lệ giải ngân, đồng chí Nguyễn Thành Phong cho biết, ngay từ đầu năm đã chỉ đạo đến trước ngày 15-10 nếu đơn vị nào không giải ngân trên 80% thì sẽ không xem xét thi đua. Đến nay, khi kết quả không đạt được như chỉ tiêu đề ra, cần phân tích rõ, nếu là nguyên nhân chủ quan thì áp dụng đúng chỉ đạo từ đầu năm. Còn nguyên nhân khách quan sẽ báo cáo rõ để Thường trực UBND TP xem xét. Đồng chí Nguyễn Thành Phong phát biểu tại phiên bế mạc. Ảnh: VIỆT DŨNG Theo đồng chí, giải ngân chậm nhất hiện ở Ban Quản lý Đường sắt đô thị và Ban quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông. Và khó khăn chủ yếu tập trung ở vốn ODA (đến nay mới chỉ đạt khoảng 32%), mà lớn nhất là ở dự án metro. Sau rất nhiều lần kiến nghị, Thủ tướng đã kết luận nhưng đến nay chưa thực hiện được, và điểm nghẽn chính là ở Bộ Kế hoạch - Đầu tư. Quá trình thảo luận tại hội nghị, một số ý kiến cho rằng nên hạ chỉ tiêu tăng trưởng Tổng sản phẩm nội địa (GRDP) trên địa bàn TP năm 2021 xuống dưới 6%. Tuy vậy, đồng chí Nguyễn Thành Phong đã phân tích trong khó khăn có những lĩnh vực vẫn tăng trưởng tốt, khẳng định niềm tin kinh tế TP sẽ phát triển theo mô hình chữ V chứ không phải chữ U hay chữ L. Các giải pháp đưa ra là tập trung mạnh mẽ cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy du lịch nội địa. Đồng thời tập trung đẩy mạnh phát triển 4 ngành công nghiệp chủ lực ở hai nhóm là công nghiệp cơ khí và chế biến lương thực thực phẩm… Từ đó, đồng chí đề nghị năm 2021 TPHCM vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP từ 6% trở lên. Các chỉ tiêu về giảm nghèo, tỷ lệ hài lòng của người dân và doanh nghiệp, kéo giảm tai nạn giao thông trên 3 mặt cũng sẽ giữ nguyên. |