Sáng 17-9, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM và đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM gặp gỡ, lắng nghe các chuyên gia góp ý về kế hoạch phòng chống dịch và phục hồi kinh tế sau ngày 15-9.
Từng bước mở dần trên cơ sở đảm bảo an toàn
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên ghi nhận các góp ý, gợi mở tâm huyết của các chuyên gia ở lĩnh vực y tế, kinh tế.
Theo Bí thư Nguyễn Văn Nên, dù có nhiều góc nhìn khác nhau nhưng các chuyên gia đều có chung quan điểm rằng chúng ta không thể loại hẳn Covid-19 ra khỏi cộng đồng, ít nhất trong thời điểm này và một thời gian nữa. Các chuyên gia cũng đánh giá, những điều kiện chuẩn bị cho công tác phòng chống dịch Covid-19 của TPHCM đến giờ này tương đối đảm bảo: mở rộng độ bao phủ vaccine, có thuốc điều kháng virus, chăm lo an sinh xã hội, tạo điều kiện để người dân tiếp cận chăm sóc y tế…
Các chuyên gia cả y tế và kinh tế đều đánh giá, sức chịu đựng của xã hội đã đến giới hạn và nền kinh tế bị tổn thương nhiều, cần được sớm phục hồi. Với nhìn nhận như vậy, các chuyên gia đề nghị TPHCM từng bước phải mở dần, trên cơ sở đảm bảo an toàn, tuyệt đối không chủ quan. Đồng chí Nguyễn Văn Nên cho rằng, đã đến lúc cần thống nhất điều này.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, cần chuẩn bị chiến lược để TPHCM chuyển sang giai đoạn bình thường mới – sống trong môi trường có Covid-19. Theo đồng chí, cần chuẩn bị tâm thế, thói quen, tinh thần và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để ứng phó phù hợp với môi trường sống có Covid-19.
Bí thư Thành ủy TPHCM thông tin, hiện nay, TPHCM đang chuẩn bị kế hoạch phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế, với 13-14 chiến lược, trụ cột nhất là chiến lược về y tế. Chuẩn bị cho điều kiện bình thường mới, TPHCM củng cố hệ thống y tế từ cơ sở đến thành phố; phát huy nguồn lực cả hệ thống y tế dự phòng, y tế cộng đồng, y tế tư nhân, bác sĩ gia đình, hệ thống nhà thuốc… để hình thành mạng lưới y tế đủ sức chăm lo cho dân.
Trong chiến lược về mặt y tế, phải có quy định rõ ràng khi phát hiện F0 ở cộng đồng thì ứng phó thế nào. Nếu như trước đây, khi phát hiện F0 thì đóng cửa; giờ đây, trong điều kiện bình thường mới, nếu phát hiện ca mắc Covid-19 thì phải “sống chung” như thế nào? Về điều này, TPHCM đang tính lại cách ứng phó trong tình hình mới.
Cùng với đó, TPHCM có chiến lược về an sinh, quan tâm đến an sinh xã hội, nhà ở xã hội và các vấn đề để người dân có điều kiện sống tốt hơn. “TPHCM làm được một số kết quả nhưng không chủ quan và rất cần sự chung sức đồng lòng của các nhà khoa học, tiếp tục giúp TPHCM khôi phục từng bước chắc chắn và phát triển trở lại, làm tròn sứ mệnh của thành phố với nhân dân, với đất nước”, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.
Trước đó, góp ý tại buổi gặp mặt, PGS. Vũ Minh Phúc, cố vấn Bộ môn Nhi, Đại học Y Dược TPHCM nhận xét, dịch bệnh đang trên đà đi xuống. Lúc này, TPHCM cần chuẩn bị sau khi mở cửa là dự phòng rủi ro.
“Khi mở giãn cách, các con số mắc bệnh chắc chắn sẽ tăng lên”, PGS Vũ Minh Phúc nhận định. Do đó, các cơ sở y tế cần sẵn sàng, khả năng truy vết và xét nghiệm phải đảm bảo, khả năng thu dung bệnh nhân phải đáp ứng tốt.
BS Vũ Minh Phúc cho rằng cần xem xét lại phương án thu gọn bệnh viện dã chiến sao cho đây phải là đội quân tinh nhuệ, chuyên môn cao, mở rộng ICU (hồi sức tích cực) điều trị bệnh nhân nặng. Bên cạnh đó, TPHCM cần quan tâm đến việc đánh giá cần thiết tiêm mũi 3 và chích ngừa cho trẻ em hay không.
Là chuyên gia kinh tế, TS Trần Du Lịch bày tỏ sự đồng thuận với quan điểm của các chuyên gia y tế về việc mở cửa, phục hồi kinh tế của thành phố. Theo TS. Trần Du Lịch, nếu TPHCM tiếp tục con đường cũ trong cuộc chiến chống Covid-19 thì nguồn lực không chịu nổi và không ai chịu nổi.
TS. Trần Du Lịch phân tích, quy định về tiêu chí kiểm soát dịch của Bộ Y tế đưa ra được ví như “2 vòng kim cô” đối với TPHCM và thành phố sẽ rất khó đạt được tiêu chí này để mở cửa. Bên cạnh đó, nếu tiếp tục xét nghiệm diện rộng, thì việc tìm được 1 F0 trong 1.000 F0 là không hiệu quả về kinh tế.
TS. Trần Du Lịch đề xuất phải gỡ bỏ “2 vòng kim cô” về phương diện kiểm soát dịch, dựa trên 3 phòng tuyến mà thành phố đang đạt được: tập trung giúp người dân tự điều trị tại nhà, giảm áp lực bệnh viện, giảm tử vong.
“Chống dịch như chống giặc, khi kẻ thù đã thay đổi phương thức tấn công, mà chúng ta cứ dùng cách cũ thì chỉ là đánh vào không khí”, TS Trần Du Lịch bình luận.
Bên cạnh đó, TS. Trần Du Lịch cũng dự báo, TPHCM đối mặt với khó khăn khi mở cửa nhưng không có nguồn lao động, không có nguồn cung ứng hàng hóa, nguyên vật liệu. Trong khi nguồn vaccine có hạn, TS. Trần Du Lịch đề xuất phương án rút ngắn thời gian phủ vaccine Covid-19. Chuyên gia phân tích, Covid-19 tập trung ở đô thị, nơi mật độ dân cư đông đúc thay vì vùng nông thôn. Ở Việt Nam, 40% dân cư tập trung ở đô thị. Do đó, với nguồn vaccine hữu hạn hiện nay, TS. Trần Du Lịch đề xuất cần tập trung vaccine cho khu vực này và nhóm nguy cơ cao. Bằng cách này, sẽ rút ngắn thời gian phủ vaccine cho khu vực đô thị.
Đã đến lúc “không thể không mở”
Tại buổi gặp gỡ, TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, nêu ra bối cảnh phòng chống dịch của tháng 9-2021 đã khác với gần 2 năm về trước khi Covid-19 mới xuất hiện và phòng chống dịch lúc đó theo mục tiêu “0 Covid-19”. Giờ đây, có hai bối cảnh quan trọng là đã có vaccine và biến chủng Delta cũng như các biến chủng trong tương lai đang diễn biến rất khác.
Vì vậy, những cách thức chống dịch được thiết kế năm 2020 - trong bối cảnh chưa có vaccine và chấp nhận mục tiêu “0 Covid-19”, những cách cũ, những khuôn khổ pháp lý là không phù hợp, thậm chí trở thành vướng mắc, bất cập trong bối cảnh hiện nay.
TS. Vũ Thành Tự Anh lưu ý, nếu không “gỡ” được ở điểm này thì tất cả các “điều kiện cần” về sau, đều vướng. Vì thế, cần có sự đánh giá một cách cơ bản các khuôn khổ pháp lý, các quy định y tế trong phòng chống dịch để ứng phó phù hợp, thích nghi với điều kiện mới.
Về mặt kinh tế, câu hỏi đặt ra là có mở hay không? TS. Vũ Thành Tự Anh nhấn mạnh, không thể nói mở hay không mở, mà cần nói rằng không thể không mở. Tại sao lại như vậy? Theo TS. Vũ Thành Tự Anh, nếu nhìn vào bài toán kinh tế, thì bài toán quan trọng nhất là về phân tích lợi ích và chi phí, bài toán về phân bổ nguồn lực. Riêng phân tích lợi ích và chi phí, đơn cử việc xét nghiệm trên diện rộng cho toàn bộ người dân TPHCM có chi phí là cực kỳ lớn và lợi ích rất thấp. “Cần đánh giá việc này một cách tường minh để đưa ra chiến lược phù hợp”, TS. Vũ Thành Tự Anh thẳng thắn.
Bên cạnh đó, hệ lụy đối với việc tăng trưởng GRDP của TPHCM trong năm 2021 và những năm tiếp theo là cái giá phải trả rất lớn về kinh tế. Đối với doanh nghiệp, TS. Vũ Thành Tự Anh cảnh báo về sự kiệt quệ của doanh nghiệp mà nếu không kịp thời cứu thì doanh nghiệp sẽ chết, sau này có cứu cũng muộn màng. Đối với người dân, sau 3,5 tháng giãn cách, tỷ lệ hộ nghèo đang gia tăng, sức chịu đựng của người dân cũng cạn.
Đặc biệt, ngân sách Trung ương cũng đang gặp khó khăn. Ngoài ra là các chi phí không thể tính hết được là các tổn thương về tinh thần, tâm lý… Theo chuyên gia, đứng từ góc độ kinh tế, từ doanh nghiệp, từ người dân, từ ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương và các chi phí khác về mặt xã hội, cả tinh thần và tâm lý… thì chi phí cho giãn cách xã hội là quá lớn và không thể không mở cửa. “Chúng ta không thể không mở cửa”, TS. Vũ Thành Tự Anh nhấn mạnh.
Vậy mở thế nào? TS. Vũ Thành Tự Anh nêu ra bài học lớn nhất nhìn từ lịch sử loài người là bài học về thích nghi và tiến hóa. Trong bối cảnh hiện nay, cần thích nghi một cách an toàn với Covid-19 và cần có phương án dự phòng, quản lý rủi ro. Trong đó, phải bảo vệ những người có rủi ro nhiều nhất là người trên 65 tuổi, 50 tuổi trở lên, trẻ em…
Theo chuyên gia, điều kiện đầu tiên để mở cửa hiển nhiên là vaccine. TPHCM cần đề nghị Trung ương tăng cường vaccine và với năng lực của TPHCM, trong vòng nửa tháng có thể tiêm chủng hoàn toàn cho người dân. Đây là điều quan trọng và Trung ương có thể giúp TPHCM một cách hiệu quả bằng việc tăng cường vaccine cho thành phố.
Đối với hoạt động kinh tế và kinh doanh, chuyên gia gợi mở, tất cả đơn vị được phép mở ra, tiến độ mở ra phải có phương án dự phòng, phải có phương án quản lý rủi ro, phải có phương án thay đổi và thích nghi với điều kiện mới. Đơn cử siêu thị, cần có đường vào, đường ra riêng biệt. Những chuyện như vậy cần có quy chuẩn, quy trình, có hướng dẫn cụ thể để thích nghi, phòng ngừa trong bối cảnh mới.
TS. Vũ Thành Tự Anh một lần nữa nhấn mạnh việc cần thay đổi quy định của Bộ Y tế về tiêu chí kiểm soát dịch bệnh, vì nếu không làm được điều này thì không mở cửa được. Bởi, khi mở cửa thì sẽ tăng F0. Mà khi tăng F0 sẽ không đáp ứng quy định hiện nay về tiêu chí kiểm soát dịch, thì lại phải đóng trở lại.
“Đóng trở lại là cách dễ nhất để giết doanh nghiệp. Doanh nghiệp, cứ mở ra đóng lại là họ chết”, TS. Vũ Thành Tự Anh khuyến cáo và cho rằng thay đổi quan điểm, nguyên tắc chống dịch chính là "điều kiện cần" cho mở cửa.
Góp ý với lãnh đạo TPHCM, PGS.TS. Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM nhấn mạnh, thời điểm này, TPHCM không nên xét nghiệm đại trà mà việc xét nghiệm cần có trọng tâm trọng điểm. Đó là tập trung vào người có triệu chứng, người có nguy cơ lây cho người khác và người có nguy cơ chuyển nặng…
“TPHCM đã liên tục đột phá, đổi mới để phát triển thành phố, bảo vệ nhân dân. Thời điểm này, rất cần sự đột phá mạnh mẽ của thành phố để bảo vệ nhân dân, khôi phục kinh tế”, PGS.TS. Trần Hoàng Ngân đề nghị.
Về việc mở cửa, PGS.TS. Trần Hoàng Ngân đồng thuận với việc chuẩn bị các điều kiện để mở cửa trên cơ sở an toàn. Theo PGS, sự phấn khởi chờ đợi của người dân khi TPHCM được trở lại trạng thái “bình thường mới” đang mang lại sức mạnh, đó là sự cộng hưởng của lòng dân.
PGS.TS. Trần Hoàng Ngân đề xuất TPHCM 7 nội dung cần quan tâm. Trong đó, tập trung hỗ trợ vaccine để tiêm cho người mũi 2 đến hạn, nhằm giảm tỷ lệ tử vong; đầu tư nhân lực và năng lực cho các trạm y tế; triển khai thẻ xanh một cách đơn giản, thuận lợi; xây dựng chiến lược huy động nguồn lực tài chính cho thành phố...
TPHCM phân công lo chu đáo cho các trẻ em mồ côi vì Covid-19 |