Cùng dự có các đồng chí: Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM; Lê Văn Minh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM.
Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TPHCM gửi lời cảm ơn đội ngũ những người làm báo. Đồng chí nhận xét, các ý kiến, góp ý của lãnh đạo các cơ quan báo chí tại buổi gặp mặt thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm, tình cảm, sự chia sẻ đối với TPHCM. Hơn thế nữa là sự sẵn sàng nhận nhiệm vụ được giao như một sứ mệnh để cùng tham gia chiến đấu chống đại dịch Covid-19 trên địa bàn TPHCM.
Theo đồng chí, TPHCM đang ở trong đợt cao điểm thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng trên toàn TPHCM. Mục tiêu đề ra là tập trung ngăn chặn, kéo giảm, khống chế, từng bước kiểm soát dịch Covid-19 trên địa bàn TPHCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trọng tâm của việc thực hiện Chỉ thị 16 là giãn cách, cách ly và phong tỏa một số vùng. Đồng thời, TPHCM cũng khẩn trương truy vết, xét nghiệm truy tìm F0 và tập trung điều trị tích cực hạn chế tối đa ca tử vong.
Bí thư Thành ủy TPHCM chia sẻ, khi thực hiện Chỉ thị 16 trên toàn địa bàn TPHCM đã xuất hiện nhiều vấn đề phát sinh trong đời sống xã hội. “Đưa ra quy định mà có tác dụng phụ thì phải có giải pháp khắc phục, phải tiên liệu để xử lý”, đồng chí đặt vấn đề và mong báo chí chia sẻ những tình huống phát sinh, từ việc ăn ở đi lại đến sinh hoạt thường nhật của người dân, nhất là những nhóm người đang bị bệnh…
Theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, TPHCM còn nhiều vấn đề phải tiếp tục, thời gian càng kéo dài càng thấm mệt. “Có người bây giờ ra nhận tiền hỗ trợ vừa mừng vừa khóc. Nhưng số tiền hỗ trợ ấy chỉ đủ sống trong ngày thôi. Còn tiền điện, tiền nước, tiền thuê nhà thì chịu. Cho nên chúng tôi bàn kế hoạch để hỗ trợ người dân chứ không chỉ hỗ trợ bữa ăn ngày 50.000 đồng, cái đó tạm thôi. Rồi tới đây còn phải tiêm vaccine, tính toán những cái khác để chia sẻ với người dân vượt qua thời khắc khó khăn này”, đồng chí Nguyễn Văn Nên cho biết.
Bí thư Thành ủy TPHCM chỉ rõ hạn chế trong công tác truyền thông thời gian qua và chỉ đạo khắc phục. Đó là tổ chức lại khâu phối hợp, chủ động cung cấp thông tin, tăng số lần và thời lượng họp báo… để chủ động đưa thông tin đến người dân kịp thời. “Các cơ quan chức năng phải có trách nhiệm thông tin đến người dân để bớt đi những thông tin nhiễu loạn, đồng thời xử lý nghiêm những thông tin xấu độc”, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.
Đồng chí nhắn gửi các cơ quan báo chí cần xác định truyền thông có trọng tâm, có đối tượng cụ thể, có chương trình và thông điệp cụ thể để truyền tải đến người dân yên tâm hơn. Đẩy mạnh truyền thông về sự chung tay giúp đỡ của các tầng lớp nhân dân, khi xuất hiện ngày càng nhiều tấm lòng nhân ái, nghĩa cử cao đẹp, việc làm tử tế… cũng như ghi nhận và trân quý những hoạt động đùm bọc giúp đỡ nhau như túi quà từ các vùng quê gửi vào, những bữa cơm từ thiện chuyển đến bà con đang gặp khó khăn.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên gợi mở thêm, báo chí cần nắm bắt tâm tư tình cảm của người dân để đặt câu hỏi và trả lời. Các bài viết cần đặt ra những vấn đề người dân quan tâm, ghi lại hình ảnh những chiến sĩ áo trắng làm nhiệm vụ trong khó khăn để tạo nguồn năng lượng tích cực cho xã hội, thể hiện một thành phố nghĩa tình, thành phố sẻ chia.
Đảm bảo nhu cầu tối thiểu của người dân
Trước đó, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Phan Văn Mãi thay mặt lãnh đạo TPHCM cảm ơn các cơ quan báo đài đã đồng hành cùng TPHCM, đặc biệt là trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh đến sự quyết liệt trong việc thực hiện giãn cách toàn TPHCM bằng cách lập chốt kiểm soát và tăng cường tuần tra, xử phạt. Đến nay, đa số người dân thực hiện nghiêm túc việc giãn cách dù còn tình trạng chưa thực hiện triệt để.
Theo đồng chí, TPHCM tập trung xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm ở vùng nguy cơ rất cao, nguy cơ cao để nhanh chóng phát hiện F0 và “bóc” F0 ra khỏi cộng đồng; cùng với việc trả kết quả nhanh là những nguyên nhân số ca mắc mới tăng nhanh thời gian qua. Về việc cách ly F0 tại nhà, theo đồng chí, đây mới là đề xuất của các chuyên gia, TPHCM đang nghiên cứu và xin ý kiến Bộ Y tế để chuẩn bị thí điểm. “Cách ly F0 tại nhà đòi hỏi phải có quy trình chặt, đảm bảo việc quản lý, chăm sóc F0 tốt, không lây lan ra cộng đồng và đảm bảo năng lực quản lý, điều kiện y tế cơ sở”, đồng chí Phan Văn Mãi phân tích.
Đề cập đến việc tiêm vaccine, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM thông tin, TPHCM sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để quản lý việc tiêm vaccine, đảm bảo giãn cách khi thực hiện Chỉ thị 16. Trong đợt tiêm vaccine tới, TPHCM dự kiến tổ chức 630 điểm tiêm, sẽ tiêm 120 người/điểm/ngày để nhanh chóng đạt 2 triệu liều theo kế hoạch.
Đồng chí cũng chia sẻ về các công việc trọng tâm khác như nỗ lực chi trả hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng dịch Covid-19 theo gói hỗ trợ được HĐND TPHCM thông qua. Đồng thời, TPHCM cũng nỗ lực, cố gắng đảm bảo nhu cầu thiết yếu, tối thiểu cho người dân, nhất là nhóm bị ảnh hưởng khi giãn cách. “TPHCM đang rà soát mạng lưới an sinh xã hội để có kế hoạch đảm bảo ít nhất là nhu cầu tối thiểu cho bà con TPHCM trong thời gian tới”, đồng chí Phan Văn Mãi khẳng định.
Một vấn đề quan trọng khác là vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch vừa đảm bảo duy trì sản xuất, thực hiện “mục tiêu kép”. Song vào thời điểm này, TPHCM đặt vấn đề đảm bảo sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết nên TPHCM sẽ phải giảm sản xuất xuống mức cần thiết. Những doanh nghiệp, công ty nếu không đảm bảo an toàn vừa duy trì sản xuất, vừa phòng chống dịch, phải ngừng hoạt động.
TPHCM chuẩn bị tổng cộng 24 bệnh viện dã chiến; hiện đã đưa vào hoạt động 19 bệnh viện, 5 bệnh viện đang hoàn thiện và sớm đưa vào hoạt động với tổng quy mô 45.000 giường. Hiện nay đã tiếp nhận 17.000 người, đây là số lượng rất lớn cho công tác thu dung, điều trị. TPHCM đã đưa Bệnh viện Hồi sức bệnh nhân Covid-19 vào hoạt động tại cơ sở 2 của Bệnh viện Ung bướu (TP Thủ Đức) với quy mô 1.000 giường. Đồng chí PHAN VĂN MÃI |