Ngày 4-12, Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI triệu tập hội nghị chuyên đề mở rộng lần thứ 2. Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TPHCM, chủ trì hội nghị.
Cùng dự có các đồng chí: Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí Thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM...
Gần 3.000 tỷ đồng hỗ trợ công nhân, giáo viên… mất việc
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Nên cho biết đây là hội nghị chuyên đề mở rộng đầu tiên của Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI sau Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI. Hội nghị lần này sẽ thảo luận và cho ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội TPHCM năm 2020, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2021; chương trình hành động của Thành ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ TPHCM; chương trình làm việc toàn khóa của Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI; chương trình kiểm tra giám sát toàn khóa của Ban Thường vụ Thành ủy khóa XI và một số vấn đề quan trọng khác.
Đồng chí Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, ngay sau Đại hội đại biểu Đảng bộ TP lần thứ XI, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo các ban đảng của Thành ủy, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội TP và Ban cán sự Đảng UBND TP, đảng đoàn HĐND TP bắt tay ngay vào công việc cuối năm để hoàn thành chỉ tiêu nghị quyết, tập trung xử lý các vấn đề còn tồn đọng và chuẩn bị các nội dung cho hội nghị hôm nay.
Về nội dung hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Nên gợi mở một số nội dung để các đại biểu thảo luận tại hội nghị.
Về tình hình kinh tế - xã hội 2020, phương hướng, nhiệm vụ năm 2021, theo đồng chí, năm 2020 là năm cuối để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ TP, là năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của đất nước và TPHCM. Trong đó, Đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội XI Đảng bộ TP đã được tổ chức thành công tốt đẹp. Đại hội đã hoạch định 4 chương trình phát triển TPHCM giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn 2030. Đồng chí hoan nghênh một số đơn vị đã tập trung triển khai ngay các hoạt động cần thiết sau đại hội.
Đồng chí Bí thư Thành ủy chia sẻ, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế TP, nhưng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Thành ủy cùng sự điều hành linh hoạt kịp thời của UBND TP và đặc biệt là sự đồng tình ủng hộ chung tay góp sức của người dân TP đã góp phần để TP đạt những kết quả.
Cụ thể, TPHCM đã thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các biện pháp chống dịch, kiểm soát lây nhiễm ở mức thấp, chủ động ban hành các chính sách hỗ trợ công nhân bị mất việc, giáo viên, nhân viên của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập… với kinh phí gần 3.000 tỷ đồng.
“Hiện nay, dịch đang quay trở lại, chúng ta đang quyết liệt tập trung xử lý”, đồng chí Nguyễn Văn Nên thông tin.
Đồng chí Bí thư Thành ủy cũng nhận xét, các cấp ngành và UBND TP thực hiện nghiêm chương trình công tác đã đề ra, bám sát chủ đề năm 2020. Trong đó, công tác điều hành, thu chi ngân sách Nhà nước đảm bảo hiệu quả, kịp thời; đồng thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ các trường hợp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhằm bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế. Đặc biệt, TPHCM đã trình và được Quốc hội thông qua đề án mô hình chính quyền đô thị, chuẩn bị báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đề án thành lập TP Thủ Đức thuộc TPHCM.
Điểm lại những kết quả tích cực khác, như thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 19-CT/TU, Chỉ thị 23-CT/TU, song đồng chí Bí thư Thành ủy cũng chỉ ra những hạn chế cần phải nghiên cứu, thảo luận trao đổi thêm nguyên nhân hạn chế, yếu kém. Đồng chí cũng đề nghị các đại biểu đi sâu phân tích, đánh giá các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 cũng như kiến nghị bổ sung các giải pháp cần thiết.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cũng yêu cầu các đại biểu thảo luận về chương trình hành động của Thành ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ TPHCM (với 7 nhóm giải pháp trọng tâm); chương trình làm việc toàn khóa Ban Chấp hành Đảng bộ TP khóa XI, trong đó có nội dung tổng kết Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị, tổng kết Nghị quyết 54 của Quốc hội...
Về chương trình kiểm tra, giám sát toàn khóa XI, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, mục đích công tác kiểm tra giám sát là nhằm nâng cao năng lực, đánh giá đúng, góp phần phòng ngừa, chủ động phòng chống những suy thoái, sai trái, tham nhũng. Do đó, đồng chí đề nghị hội nghị thảo luận về những nội dung, công việc kiểm tra, giám sát đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm nhưng không gây ra chồng chéo, trùng lắp.
Năm xây dựng chính quyền đô thị
Tại hội nghị, đồng chí Trần Lưu Quang trình bày về dự thảo chương trình kiểm tra giám sát toàn khóa XI của Ban Thường vụ Thành ủy.
Một nguyên tắc được đặt ra là, công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát để tránh chồng chéo, trùng lắp về đối tượng, nội dung, thời gian.
Trong các nội dung quan trọng, nổi bật tập trung kiểm tra, giám sát trong nhiệm kỳ 2020-2025 có việc khắc phục các hạn chế, khuyết điểm sau các cuộc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán của các cơ quan Trung ương, Ban Thường vụ Thành ủy; công tác quản lý Nhà nước trên một số lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, sai phạm.
Cụ thể, các nội dung tập trung kiểm tra giám sát gồm công tác xây dựng Đảng; phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; hoạt động của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và công tác vận động nhân dân.
Đồng chí Trần Lưu Quang cũng thông tin về chương trình kiểm tra, giám sát hàng năm từ 2021-2025. Trong đó, năm 2021 sẽ có một số nội dung kiểm tra đáng chú ý như việc bố trí, sắp xếp cán bộ sau đại hội; việc xây dựng đề án chính quyền đô thị tại TPHCM và xây dựng TP Thủ Đức… Giám sát vai trò lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy về kiểm kê, rà soát quỹ đất, nhà, công trình và các tài sản khác gắn liền với đất.
Trước đó, tại hội nghị, đồng chí Lê Thanh Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM thông tin về tình hình kinh tế - xã hội năm 2020, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2021.
TPHCM là một trong các địa phương chịu tác động mạnh nhất của dịch Covid-19, tác động mạnh đến kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2020 ước tăng 1,39% so với cùng kỳ. Có 7/9 ngành dịch vụ chủ yếu có giá trị gia tăng cao hơn cùng kỳ, nhưng ngành giảm dịch vụ lưu trú và kinh doanh bất động sản giảm.
Đặc biệt, Khu Công nghệ cao tiếp tục đóng góp quan trọng, ước giá trị sản xuất trong năm 2020 đạt 20,69 tỷ USD, tăng 23,3% cùng kỳ và vượt kế hoạch đặt ra.
Theo đồng chí Lê Thanh Liêm, TPHCM xác định năm 2021 là năm có ý nghĩa rất quan trọng, diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp… Đây cũng là năm TPHCM bắt đầu triển khai các đề án, chủ trương lớn như đề án tổ chức chính quyền đô thị, đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021, trong đó có thành lập TP Thủ Đức.
Mặt khác, dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của TP, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế của TP, gây áp lực lớn trong vấn đề đảm bảo an sinh xã hội và trật tự an toàn xã hội trong thời gian tới.
“Trong bối cảnh đó, TP xác định chủ đề năm 2021 là “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”, đồng chí Lê Thanh Liêm thông báo.
TPHCM cũng đề ra 20 chỉ tiêu, trong đó tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 6%; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân xã hội đạt 5,7%; tạo việc làm mới cho 140.000 lao động, tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 4%.
Tại hội nghị, thông tin về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, đồng chí Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh đến 7 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. 1- Phát triển kinh tế nhanh, bền vững trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động. Trong nhóm này sẽ tập trung đổi mới mô hình tăng trường, nâng cao chất lượng tăng trưởng; phát huy vai trò của Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TP; phát triển công nghiệp theo chiều sâu, có hàm lượng khoa học - công nghệ, giá trị gia tăng cao dựa trên nền tảng công nghệ cao và kinh tế số… 2- Phát triển văn hóa xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, làm nền tảng cho TP phát triển bền vững. Trong nhiệm vụ này có việc hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh, đề xuất công nhận di sản văn hóa vật thể thế giới đối với địa đạo Củ Chi. 3- Phát huy hiệu quả mọi nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ. Trong đó có hoàn thành quy hoạch không gian ngầm; quy hoạch và quản lý hiệu quả quỹ đất, cơ sở hạ tầng dọc bờ sông, kênh, rạch; thu hút đầu tư các khu đô thị mới (Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông, Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa)… 4- Đảm bảo quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội. 5- Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế. 6- Đổi mới quản lý TPHCM. Ngoài việc tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 54 của Quốc hội, đẩy mạnh cải cách hành chính, TPHCM sẽ tăng cường sự tham gia của người dân và doanh nghiệp vào quá trình xây dựng chính sách và thể chế; phát huy mạnh mẽ vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội… 7- Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền, nâng cao chất lượng công tác dân vận, tăng cường gắn bó mật thiết giữa đảng với nhân dân. Trong đó thực hiện tốt quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu các cấp; thực hiện hiệu quả Quy định 1374-QĐ/TU… |