Chiều 22-2, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TPHCM giao ban với các quận, huyện và TP Thủ Đức.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM chủ trì giao ban.
Phát biểu tại buổi giao ban, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhận xét, số ca mắc Covid-19 trong ngày của TPHCM lên trên 1.300 trường hợp, tăng gấp 4 lần so với mức trung bình hàng ngày của 3 tuần trước đó. Số ca mắc Covid-19 ở trường học tăng và ở độ tuổi trẻ em, đặc biệt là người dưới 12 tuổi chưa tiêm vaccine. Số ca chuyển nặng đang có chiều hướng giảm, số trường hợp tử vong trong những tuần qua ở mức dưới 4 trường hợp/ngày.
Qua báo cáo giải trình tự gene cho thấy, biến thể Omicron đang chiếm đa số (chiếm tỷ lệ 3/4), còn biến thể Delta trở thành thiểu số (1/4).
Theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, khi lưu lượng học sinh trở lại trường học đông, lại trong điều kiện tiếp xúc gần với nhau, cộng với biến thể mới, cho nên số trường hợp mắc Covid-19 tăng lên là điều không bất ngờ mà nằm trong dự tính. Tuy vậy, không thể chủ quan, không thể xem thường, mà phải tính toán các giải pháp phù hợp trong thời gian tới.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên cơ bản thống nhất với các giải pháp Sở Y tế TPHCM đưa ra. Theo đồng chí, vaccine và thuốc là vũ khí quan trọng để ngăn chặn sự lây lan Covid-19. Trong đó, về vaccine, phải tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 chiến dịch tiêm chủng mùa xuân (từ ngày 7-2 đến ngày 29-2); chuẩn bị tiêm vaccine cho trẻ em dưới 12 tuổi càng sớm càng tốt và tiêm cho những người còn lại, nhất là người có nguy cơ. Cùng với đó, chuẩn bị phân phối thuốc điều trị Covid-19, phân phối, phủ nhanh thuốc trên địa bàn TPHCM.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, phải tiếp tục chiến dịch bảo vệ người có nguy cơ. Đặc biệt, trong chiến dịch này, cần bổ sung đối tượng là trẻ em, vì trẻ em là chưa tự bảo vệ mình được, chưa tự thực hiện 5K.
Hiện nay, các chuyên gia, nhà khoa học đang nghiên cứu, chuẩn bị kịch bản ứng phó khi có sự xuất hiện biến thể phụ BA.2 “Omicron tàng hình”.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên yêu cầu, phải chuẩn bị kịch bản, dự tính tình huống xấu nhất có thể, để không bị động, lúng túng nếu có biến thể phụ của Omicron xuất hiện.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, phải chuẩn bị kế hoạch sẵn sàng thu dung, điều trị trẻ em mắc Covid-19 để chăm sóc trẻ em một cách chu đáo; tăng cường truyền thông, tư vấn, hỗ trợ từ cơ sở, từ pháo đài, từ bác sĩ ; tiếp tục hướng dẫn quy trình xử lý F0 cộng đồng theo hướng mới nhất của Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT.
“Trên từng địa bàn, từng chung cư, từng trường học phải chuẩn bị kịch bản xử lý các tình huống chứ không đợi xuất hiện tình huống rồi mới đi bàn kế hoạch ứng phó, không để lúng túng mất thời gian”, đồng chí Nguyễn Văn Nên lưu ý. Đồng thời, phải chú trọng mối quan hệ giữa nhà trường với phụ huynh và nhà trường với y tế, đề ra tình huống cụ thể để chăm sóc chu đáo cho trẻ em là F0.
Theo đồng chí, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TPHCM cùng Sở Y tế TPHCM phải ban hành sớm nhất quy trình hướng dẫn thống nhất tới cơ sở, pháo đài, hướng dẫn cụ thể như thế nào là ổ dịch; khi có ổ dịch thì làm gì để kiểm soát, hạn chế sự lây nhiễm, nhất là đối với người có nguy cơ và trẻ em.
“Toàn TPHCM phải thống nhất, phải hướng dẫn cụ thể, không nói chung chung rồi mỗi nơi làm một kiểu”, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhắc nhở và nhấn mạnh đến liên thông, kết nối cơ sở dữ liệu để phòng chống dịch trong tình hình hiện nay.
Bí thư Thành ủy TPHCM cũng cho rằng, phải tiếp tục hướng dẫn, công khai, truyền thông để người dân nâng cao ý thức tự bảo vệ mình; làm thế nào để mỗi người dân đều có thông tin tương đối đầy đủ về thực trạng, diễn biến, biện pháp thích ứng với Covid-19 để người dân đồng thuận cùng TPHCM thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
Hơn 7.500 học sinh và giáo viên mắc Covid-19
Trước đó, báo cáo cập nhật tình hình dịch Covid-19, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng thông tin, dữ liệu mới nhất cho thấy khả năng biến thể Omicron đang dần chiếm đa số trên địa bàn TPHCM. Số ca mắc mới tại thành phố đang tăng, riêng hôm nay có hơn 1.300 F0 mới, mức cao nhất trong 1 ngày từ sau Tết Nguyên đán 2022.
TPHCM đang quản lý 15.630 F0, trong đó quản lý tại nhà là 13.889 trường hợp, tại cơ sở cách ly là 257 trường hợp; 1.266 trường hợp điều trị tại bệnh viện tầng 2 và 218 trường hợp điều trị tại bệnh viện tầng 3. Số ca thở máy xâm lấn là 50 trường hợp.
Đặc biệt, từ ngày 14-2 đến nay, thành phố ghi nhận hơn 7.500 học sinh và giáo viên (gồm 6.800 học sinh và hơn 700 giáo viên) mắc Covid-19, tăng mạnh so với tuần trước đó (tuần trước có gần 600 trường hợp).
Phân tích trẻ em mắc Covid-19 đang điều trị nội trú tại 3 bệnh viện nhi tại TPHCM cho thấy, tổng số bệnh nhi là 100 ca (trong đó có 15% ca bệnh là ở tỉnh), có 89% có triệu chứng trung bình hoặc nhẹ. 93% ca bệnh là trẻ em dưới 12 tuổi.
PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, Sở Y tế TPHCM đã gặp gỡ chuyên gia đầu ngành về nhi khoa để xây dựng kế hoạch thu dung điều trị khi số trẻ em mắc Covid-19 tăng nhanh. Đồng thời, Sở cũng theo dõi diễn tiến số ca mắc, số ca nặng cần hỗ trợ hô hấp tại các bệnh viện để kịp thời tham mưu UBND TPHCM xem xét tạm ngưng việc học trực tiếp nếu số ca trẻ em mắc Covid-19 có triệu chứng nặng cần hỗ trợ hô hấp ở mức trên 100 ca/ngày.
Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng đề nghị TP Thủ Đức và các quận, huyện không ban hành quyết định phong tỏa mà tạm khoanh vùng để kiểm soát nguy cơ sớm nhất, gọn nhất, hiệu quả điều tra để bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ; chuẩn bị tiêm chủng trẻ em từ 5-11 tuổi.
Giám đốc Sở Y tế TPHCM cũng đề nghị UBND TPHCM chỉ đạo các quận, huyện xác thực số liệu dân cư để đánh giá cấp độ dịch phù hợp.
Phải ứng phó thật nhanh khi mở cửa hoàn toàn trở lại |