Đồng chí Nguyễn Văn Nên đánh giá cao tinh thần chủ động của ngành giáo dục và đào tạo trong việc đổi mới phương thức tuyển sinh đầu cấp theo hình thức trực tuyến, ứng dụng bản đồ GIS trong quá trình tuyển sinh, phối hợp chặt chẽ với các quận, huyện, TP Thủ Đức để đảm bảo công tác tuyển sinh diễn ra an toàn, minh bạch.
Cùng với đó, toàn ngành đã tích cực chuẩn bị mọi điều kiện để các cơ sở giáo dục bắt đầu một năm học mới đầy khởi sắc.
Từ những kết quả đã đạt được, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên yêu cầu ngành giáo dục thành phố tập trung các nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024 gồm:
Thứ nhất, tiếp tục rà soát chuẩn bị chu đáo cho năm học mới, đặc biệt là các điều kiện cơ bản về cơ sở vật chất, trường lớp, sách giáo khoa.
"Ngành giáo dục phải đảm bảo điều kiện môi trường học tập, sinh hoạt, đi lại cho học sinh, bao gồm các vấn đề về vệ sinh, an toàn giao thông, giao tiếp lành mạnh thân thiện trong nhà trường, đảm bảo an toàn cho học sinh, giúp phụ huynh an tâm khi cho con em đến trường. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến đối tượng học sinh khó khăn", Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh.
Giáo viên và học sinh Trường THPT Nguyễn Công Trứ (quận Gò Vấp) tìm hiểu tài liệu học tập tại góc học tập Không gian văn hóa Hồ Chí Minh |
Thứ hai, ngành giáo dục tiếp tục nghiên cứu, đề xuất chính sách về thu nhập, điều kiện làm việc thu hút giáo viên các môn học đặc thù còn thiếu như Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, tiếng Anh... để triển khai hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Bên cạnh đó, vấn đề thu hút nhân viên y tế đủ về số lượng, thực hiện đúng chức năng chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ, môi trường vệ sinh cho học sinh trong nhà trường cần được quan tâm.
Thứ ba, trường học tiếp tục xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh một cách bài bản, gắn với từng việc làm cụ thể, bao trùm trong mọi hoạt động của nhà trường, gắn liền với môi trường học tập, sinh hoạt và rèn luyện cho học sinh.
Quận 1 tuyên dương học sinh thực hiện tốt "5 điều Bác Hồ dạy" năm học 2022-2023 |
Bí thư Thành ủy TPHCM đề nghị ngành giáo dục quan tâm nhiều hơn nữa đến môi trường văn hóa trong giáo dục, chú trọng và nâng cao việc xây dựng các hoạt động giáo dục về đạo đức làm người, tính ngăn nắp, kỷ luật, nói lời hay làm việc tốt, triển khai tốt "5 điều Bác Hồ dạy" tùy theo độ tuổi học sinh để tạo ra một thế hệ công dân thành phố vừa có đức, vừa có tài.
Thứ tư, đồng chí Nguyễn Văn Nên lưu ý ngành giáo dục quan tâm hơn nữa đối tượng học sinh gặp rối loạn phát triển, khó khăn trong giao tiếp và tương tác xã hội; học sinh hòa nhập, chuyên biệt.
Cơ sở giáo dục cần có những giải pháp cụ thể, thiết thực giúp các học sinh nói trên hòa nhập với cộng đồng, phát huy tối đa khả năng của mình; xây dựng chương trình giáo dục, môi trường học tập phù hợp với từng đối tượng học sinh; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của phụ huynh và cộng đồng về giáo dục hòa nhập, chuyên biệt, qua đó xóa bỏ định kiến, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh hòa nhập, chuyên biệt hòa nhập với cộng đồng.
Thứ năm, Bí thư Thành ủy TPHCM yêu cầu chương trình Lễ khai giảng ngắn gọn, thiết thực, tiết kiệm, phù hợp với tình hình thực tế của nhà trường. Chương trình khai giảng cần chú trọng tạo dấu ấn, hấp dẫn đối với học sinh, giúp các em có những trải nghiệm đáng nhớ trong ngày đầu tiên của năm học mới.
Trước đó, theo báo cáo của Sở GD-ĐT TPHCM, ngày 5-9-2023 tới đây, toàn thành phố sẽ có thêm 27 dự án trường học đưa vào sử dụng với 441 phòng học mới.
Dự kiến sau ngày 5-9-2023, thành phố sẽ đưa thêm vào sử dụng 21 dự án với 231 phòng học mới.
Tính đến tháng 8-2023, TPHCM đã đạt 294 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học (từ 3-18 tuổi).
Năm học 2023-2024, thành phố vẫn đảm bảo 100% con em sinh sống trên địa bàn có đủ chỗ học, đồng thời thực hiện mục tiêu phấn đấu giảm sĩ số học sinh/lớp và tăng tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày.