Nhắc lại lời Bác Hồ trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, cán bộ phải dũng cảm, gan góc, gặp việc phải có gan làm. Cụ thể hơn đó là trong thực hành công việc cụ thể phải cả gan nghĩ ra, cả gan nói, cả gan đề xuất ý kiến vì lợi ích chung, vì thành công trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, cũng như trong cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời bình. |
Chiều 4-6, Thành ủy TPHCM tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện kế hoạch của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện Kết luận 14-KL/TW của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG
Khơi nguồn sáng tạo cho cán bộ
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, việc khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới là dành cho nhóm những cán bộ luôn trăn trở, tìm cách để đóng góp công sức của mình vì lợi ích chung, cho sự phát triển nhưng gặp khó khăn.
Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã có Kế hoạch 124 cụ thể hóa Kết luận số 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG
Đồng chí Nguyễn Văn Nên yêu cầu, trong việc triển khai thực hiện những nội dung này, trước hết từng cán bộ, đảng viên phải nhận thức đúng, tăng cường trách nhiệm, đặc biệt là lãnh đạo, người đứng đầu cấp ủy, tương đương cấp ủy và ở từng lĩnh vực cụ thể. Các cấp ủy, tổ chức Đảng, nhất là người đứng đầu phải thống nhất và tạo đồng thuận trong xã hội về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Từ đó, khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới hết lòng, hết sức vì nhân dân.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, giá trị của đổi mới nằm ở chỗ cuộc sống luôn biến động, đổi mới, khó đoán định, làm con người phải thích ứng linh hoạt, phải sáng tạo để đem lại hiệu quả. Dẫn chứng điều này, đồng chí chia sẻ, có lúc TPHCM hết sức khó khăn nhưng lãnh đạo từng thời kỳ đã sáng kiến, sáng tạo, vận dụng, đổi mới, thích ứng để lo cho dân, lo cho thành phố và đất nước phát triển.
Gần đây nhất, TPHCM và cả nước vừa trải qua thời khắc chưa từng có trong lịch sử, đó là phòng chống dịch Covid-19. “Giai đoạn đó không có những quy định phù hợp, đòi hỏi phải ứng phó, xoay xở để vượt qua và chúng ta đã làm được điều đấy bằng sức mạnh tinh thần, ý chí, tình yêu thương, lòng đoàn kết, dũng cảm. Tất cả điều đó gom lại để chúng ta nắm tay nhau vượt qua”, đồng chí Nguyễn Văn Nên trải lòng.
Điều này được đồng chí dẫn chứng lại sáng kiến hữu ích của ngành y tế TPHCM trong việc thí điểm tăng cường bác sĩ trẻ về y tế cơ sở. Qua đó lưu ý, trong quá trình thực hiện vẫn phải tiếp tục theo dõi, kiểm tra, giám sát. Cụ thể, quan tâm giải quyết hài hòa giữa mối quan hệ giữa nhu cầu phục vụ nhân dân ở địa phương, ở cơ sở với quyền lợi của bác sỹ trẻ.
Bên cạnh đó, đồng chí yêu cầu các địa phương tiếp tục theo dõi, phải thể hiện trách nhiệm, đồng tâm hiệp lực, phối hợp chặt chẽ chứ không riêng gì ngành y tế TPHCM. “Đừng để các em, các cháu bị mất quyền lợi”, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh và yêu cầu cụ thể đó là quyền được học, quyền được đi thực tiễn, quyền được trau dồi kinh nghiệm được đến bệnh viện thực tập… Tất cả các quyền này không để mất, đồng thời phải có chế độ, chính sách và tiếp tục theo dõi việc triển khai chế độ chính sách này.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG
Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh, TPHCM đã có nhiều mô hình, giải pháp đã được thí điểm và nhân rộng ở nhiều địa phương, đơn vị. Đó là những việc làm như vận động người dân làm đường nông thôn, đường khu phố; làm sạch các con kênh, làm đẹp môi trường sống ở từng ngõ hẻm… Qua đó đã xuất hiện những tấm gương người tốt việc tốt, những tấm gương thầm lặng mà cao cả.
Vì vậy, TPHCM cần tổ chức sơ kết, nhân rộng, biểu dương khen thưởng và đánh giá cán bộ cho xác đáng được những cán bộ năng động, tích cực sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để tiếp tục phát huy. Đồng thời, cụ thể hóa thành văn bản có giá trị pháp lý để từ đó có căn cứ thực hiện cũng như khuyến khích sự sáng tạo, đổi mới góp phần tạo ra giá trị, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới.
Kết luận 14 của Bộ Chính trị là khơi nguồn sáng tạo cho cán bộ các cấp ở mọi mặt trong công tác và đời sống. “Chúng ta cũng xem đây là một bước tiến trong quá trình khuyến khích và bảo vệ để cán bộ yên tâm công tác, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, phục vụ vì lợi ích chung. Qua đó phát huy, huy động được trí tuệ, nguồn lực để thực hiện những giải pháp tốt nhất, có hiệu quả nhất”, Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh.
Cần hành lang pháp lý rõ ràng để bảo vệ cán bộ
Trước đó, hội nghị đã lắng nghe các ý kiến phát biểu, đóng góp. Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng chia sẻ việc đưa bác sĩ trẻ về tăng cường nguồn nhân lực cho các trạm y tế mà TPHCM triển khai trong thời gian vừa qua.
Theo Giám đốc Sở Y tế TPHCM, nhiều năm qua, ngành y tế tồn tại nghịch lý là số lượng bệnh viện và các phòng khám không ngừng tăng lên. Vậy nhưng, các trạm y tế không tăng (vẫn là 30 trạm), số lượng nhân viên y tế ở các trạm cứ giảm dần. Hiện còn khoảng 700 nhân viên y tế ở các trạm y tế đảm nhận chăm sóc sức khỏe ban đầu cho hơn 10 triệu dân thành phố. Trong đại dịch Covid-19 vừa qua, y tế cơ sở đã bộc lộ rõ các điểm yếu.
Ngành y tế TPHCM đã tập trung nâng cao năng lực y tế cơ sở, nhằm nâng cao năng lực các trạm y tế để tăng cường hiệu quả chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Qua phòng chống dịch Covid-19 cho thấy lực lượng nhân viên y tế, bác sĩ trẻ vẫn đảm đương được yêu cầu, nhiệm vụ ở tuyến y tế cơ sở. Từ đó, ngành y tế TPHCM thử nghiệm giải pháp bổ sung nhân lực cho các trạm y tế, cụ thể đó là tăng cường đưa bác sĩ trẻ về các trạm y tế.
Qua đánh giá bước đầu, chương trình thí điểm đưa bác sĩ trẻ về y tế cơ sở ghi nhận một số kết quả khả quan.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng cần có các hướng dẫn, thông tư của Trung ương để tạo hành lang pháp lý rõ ràng trong quá trình cụ thể hóa việc thực hiện Kết luận 14.
Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG
Cụ thể, theo Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Văn Dũng, ngoài các bước trong quy trình thông qua, triển khai thực hiện thì cần lượng hóa thời gian, từ xây dựng đề án, ý tưởng sáng tạo, trình thông qua các cơ quan đến khi triển khai thực hiện để ý tưởng sớm đi vào thực tiễn cuộc sống.
Ở góc độ địa phương, Bí thư Huyện ủy Củ Chi Nguyễn Quyết Thắng kiến nghị, cần thể chế hóa các quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong việc bảo vệ các sáng kiến, sáng tạo, đột phá của cán bộ, bởi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ sẽ phát sinh những vấn đề khác. Chẳng hạn, Thành phố có một số chủ trương có lợi cho người dân, song áp dụng ở TPHCM thì được nhưng khi kiểm tra, các bộ, ngành Trung ương lại không chấp nhận.
Còn theo Phó Bí thư Thường trực Quận ủy quận 7 Trần Chí Dũng thì phải có chế độ khen thưởng, quy định rõ việc cất nhắc, bố trí, sử dụng cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm ra sao; đồng thời cũng quy định rõ việc điều chuyển, bố trí cán bộ “bình bình trước mọi việc”, không chịu sáng tạo, đổi mới trong công việc.
“Để tạo sự chủ động cho cán bộ cũng cần thống nhất rõ, nếu xảy ra hậu quả ngoài mong muốn nhưng là yếu tố khách quan, bản thân cán bộ tận tâm, tận tụy thì xử lý như thế nào. Có như vậy thì cán bộ mới dám nghĩ, dám làm, dám sáng tạo, cống hiến hết mình vì công việc”, đồng chí Trần Chí Dũng kiến nghị.