Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Indonesia, sáng 22-8, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, tìm hiểu về dự án giải pháp chống ngập úng tại Indonesia.
Đê khổng lồ bảo vệ thủ đô Jakarta
Tại buổi làm việc, các chuyên gia Hà Lan chống ngập đang thực hiện các giải pháp chống ngập cho Jakarta, nhận xét TPHCM và Jakarta có nhiều điểm tương đồng như tình trạng khai thác nước ngầm, mực nước biển tăng. Theo thống kê, tỷ lệ sụt lún đất ở Jakarta hiện nay là 2-20cm/năm, nếu không thể kiểm soát được.
Năm 1990, tại khu vực phía Bắc Jakarta chỉ có 12% (tương đương 1.600ha đất) nằm dưới mực nước biển. Tuy nhiên, dự báo đến năm 2030 có thể 90% (khoảng 12.500ha đất) ở Bắc Jakarta sẽ bị ngập do lũ lụt.
Năm 2007, Indonesia gặp cơn bão vào tháng 2-2007, trùng hợp với thủy triều dâng, làm gần một nửa diện tích Jakarta bị bao phủ trong 4m nước. Ít nhất 76 người thiệt mạng và 590.000 người bị mất nhà cửa, thiệt hại khoảng 544 triệu USD.
Sau cơn bão, một vài phương án được đưa ra, trong đó có việc di chuyển dân cư đến phần cao hơn của thành phố ở phía Đông Nam, hay tới một hòn đảo khác. Song, với mật độ dân số 5.585 người/km2 thì phương án này không dễ thực hiện.
Một phương án khác là “phó mặc” phần phía Bắc Jakarta cho ngập úng. Tuy nhiên, phương án này sẽ gây ra nhiều thiệt hại không đong đếm nổi, đặc biệt Jakarta là trái tim nền kinh tế Indonesia, đóng góp tới 20% GDP cho cả nước.
Vì thế, chính quyền Indonesia tìm kiếm kinh nghiệm phòng chống từ Hà Lan để thực hiện các giải pháp bảo vệ bờ biển và cải tạo các hệ thống kênh thoát lũ.
Trên cơ sở đó, năm 2016, Indonesia quyết định thực hiện kế hoạch tổng thể phát triển đê biển tại thủ đô Jakarta (còn gọi là đê biển khổng lồ NCICD) nhằm kiểm soát sụt lún mặt đất cũng như phòng chống lũ lụt từ biển và sông cho thủ đô Jakarta.
Đây là một giải pháp tích hợp, vừa xây dựng đê biển, vừa cung cấp nước sạch cho người dân (để hạn chế khai thác nước ngầm), phát triển giao thông (đường bộ, đường sắt, bến tàu công cộng) cũng như phát triển làng cộng đồng ven biển và phục hồi di sản ven biển.
“Việc cung cấp nước sạch cho người dân sử dụng để hạn chế tình trạng khai thác nước ngầm là giải pháp bền vững. Thực hiện giải pháp này, trong khoảng 20-25 năm nữa, tình trạng sụt lún mặt đất phía Bắc Jakarta sẽ chấm dứt”, chuyên gia Hà Lan khẳng định. |
Giải pháp tham khảo đối với TPHCM
Cụ thể hóa cho kế hoạch trên, Indonesia xây dựng chương trình hợp tác 3 bên, gồm Indonesia, Hàn Quốc và Hà Lan, trong đó Hà Lan thực hiện tư vấn về giải pháp kỹ thuật, tài chính.
Theo kế hoạch, một hệ thống đê khổng lồ dài khoảng 120km, gồm 60km đê biển, 60km đê sông được triển khai thực hiện từ năm 2018 đến năm 2050. Tổng kinh phí thực hiện kế hoạch này khoảng 55 tỷ USD.
Hiện nay, Indonesia đang xây dựng 20km đê biển, có một số cầu nên tuyến đê còn hở. Việc xem xét khép kín hệ thống đê sẽ được cân nhắc tùy thuộc vào thực tế về tình trạng ngập lụt và sụt lún mặt đất.
Để thực hiện các dự án đê biển có chi phí thực hiện là con số rất lớn, vấn đề quan trọng không kém là nguồn kinh phí đầu tư. Chuyên gia Hà Lan nhận xét, đối với các công trình công cộng này thông thường do Chính phủ đầu tư. Ở dự án này, Indonesia chia làm 2 bước, gồm kiểm soát lún đất nền và xây dựng đê đa chức năng.
Chuyên gia Hà Lan tính toán, với việc đầu tư 8 tỷ USD cho các công trình chống ngập úng, lũ lụt này sẽ mang lại lợi ích kinh tế cho Jakarta khoảng 55 tỷ USD.
Theo chuyên gia Hà Lan, TPHCM có nhiều điểm tương đồng Jakarta. Đặc biệt, nguồn vốn vay ưu đãi thực hiện các dự án tương tự ngày càng giảm. Song, thực hiện các dự án đê biển là gắn liền với việc thực hiện thích ứng với biến đổi khí hậu nên việc tìm kiếm các nguồn vốn vay từ nước ngoài vẫn có thể thực hiện được.
Một giải pháp khác được đề xuất là yêu cầu các đối tượng hưởng lợi từ dự án đê này có nghĩa vụ đóng góp tài chính cho việc thực hiện dự án; đồng thời thực hiện dự án theo phương thức PPP (hợp tác công tư). Ngoài ra, việc xây dựng đê đa dụng cũng giúp phát triển dân cư, thương mại, phát triển đường vành đai.
Quá trình thực hiện dự án nếu có giải pháp khai thác quỹ đất sẽ tạo được nguồn thu thực hiện dự án. Đồng thời, khi hình thành tuyến đường vành đai cũng có thể thu phí (và nhượng quyền khai thác cho tư nhân). Như vậy, Nhà nước sẽ không cần nguồn vốn đầu tư ban đầu quá lớn thực hiện dự án nhưng không lâu sau đó đã có nguồn thu, tiếp tục thực hiện dự án này.
Chia sẻ với báo chí sau buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TPHCM nhận xét, xây dựng đê đa chức năng là một giải pháp quan trọng, cần được xem xét để giải quyết một số vấn đề trong phát triển đô thị mà TPHCM đang gặp phải. |
Kết nối con người, không “đột phá” vào cầu đường
Trưa cùng ngày 22-8, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao TPHCM, tìm hiểu hoạt động giao giao thông công cộng (MRT, viết tắt từ Mass Rapid Transport) tại Jakarta.
Đại diện đơn vị quản lý giao thông công cộng tại Jakarta chia sẻ bí quyết giúp tăng sản lượng hành khách đi xe buýt rất ấn tượng liên tục trong 5 năm qua.
Điểm đặc biệt là việc thực hiện giải pháp này không nhằm “đột phá” vào đầu tư hạ tầng giao thông (bằng việc mở rộng đường sá) cũng như phát triển số lượng phương tiện giao thông. Đơn vị quản lý giao thông này thực hiện giải pháp kết nối con người để tập trung đầu mối chủ phương tiện hoạt động giao thông công cộng, kể cả các chủ phương tiện loại nhỏ, hoạt động đơn lẻ.
Từ đó, trung tâm đã tái cơ cấu các đơn vị hoạt động xe buýt, tổ chức điều phối, phân tuyến hoạt động đảm bảo phục vụ hành khách tốt nhất mà không tạo ra sự cạnh tranh giữa các đơn vị tư nhân với Nhà nước. Trong khi đó, việc tổ chức kết nối các loại phương tiện nhỏ đã giúp phương tiện giao thông công cộng len lỏi được vào các tuyến đường nhỏ.
Chính vì vậy, mặc dù hiện nay Jakarta được biết đến là một thành phố với “đặc sản” kẹt xe nhưng sản lượng hành khách tăng 300%/năm và tăng liên tục trong 5 năm qua.
Song, để thu hút và đảm bảo số lượng hành khách đi phương tiện giao thông công cộng nêu trên, chính quyền Jakarta mỗi năm chi khoảng 300 triệu USD để “mua chỗ cho người dân đi” (ở TPHCM hiện gọi là trợ giá xe buýt, khoảng 1.000 tỷ đồng/năm).
Đại diện đơn vị quản lý giao thông công cộng tại Jakarta, thông tin trong thời gian tới sẽ tiếp tục đầu tư, tăng đầu xe hoạt động công cộng đồng thời thay thế tất cả các xe buýt đã được sử dụng quá 10 năm.