Sáng 8-5, UBND TPHCM đã tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào TPHCM năm 2019. Tham dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM…
Tham dự hội nghị còn có trên 600 đại biểu đến từ các sở ngành, quận huyện; các cơ quan ngoại giao, hiệp hội thương mại và văn phòng kinh tế các nước, hiệp hội doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước.
Xây dựng đô thị sáng tạo, ứng dụng trí tuệ nhân tạo
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân gửi lời cám ơn đến các đại biểu đã đến lắng nghe chia sẻ của TPHCM; bày tỏ mong muốn nhận được sự hợp tác, đầu tư của các nhà đầu tư.
Một trong những lợi thế lớn được đồng chí Nguyễn Thiện Nhân chỉ rõ là TPHCM được xem là thị trường lớn, với khoảng 9,5 triệu dân, có mức thu nhập bình quân đầu người hiện hơn 6.000 USD (gấp 2,5 lần cả nước).
Cùng đó, trong vòng 100km, tính từ TPHCM sẽ dễ dàng gặp những nhà sản xuất và cư dân của các tỉnh tiếp giáp với TPHCM (Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh, Long An và Tiền Giang) - tạo nên vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Vùng kinh tế trọng điểm này có hơn 20 triệu người thì với sức mua trung bình gấp 2,1% lần bình quân cả nước sẽ tương đương với sức mua của khoảng 42 triệu dân của cả nước. Đây là lượng khách hàng tiềm năng rất lớn có thể tiêu thụ hàng hóa, sử dụng dịch vụ của các nhà đầu tư sản xuất tại TPHCM, tại Việt Nam.
Mặc khác, nếu chỉ tính khoảng 20% của 20 triệu người có thu nhập cao thì trong khoảng 10km2 sẽ có khoảng 4 triệu người tiêu dùng, là lượng khách hàng tiềm năng đối với các sản phẩm dịch vụ chất lượng cao. “Các bạn đến TPHCM sản xuất hoặc cung cấp dịch vụ chất lượng cao là rất tốt”, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhận xét.
Dẫn chứng số lượng lao động của cả nước hiện khoảng 54 triệu lao động (55% dân số của cả nước trong tuổi lao động), Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì cơ cấu dân số vàng nhiều năm nữa. Đây là thời cơ cho các nhà đầu tư có được lực lượng lao động dồi dào, chi phí lao động thấp.
Trong khi đó, đối với TPHCM mỗi năm có khoảng 150.000 sinh viên (trong tổng số 600.000 sinh viên của 59 trường đại học, cao đẳng trên địa bàn) tốt nghiêp. Điều này cho thấy, TPHCM có lực lượng lao động dồi dào, trình độ ngày càng cao. “Đây là lợi thế để các bạn đến TPHCM sản xuất, đầu tư lâu dài”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.
Cùng đó, để hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt đối với các ngành dịch vụ, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ, TPHCM đang suy nghĩ về cơ chế mới để chuẩn bị đất cho nhà đầu tư. Cụ thể, TPHCM đang thảo luận quá trình người dân có thể phối hợp với nhà đầu tư cùng chính quyền để tạo nên những khu đất trong đô thị phục vụ dịch vụ.
Mặc khác, trong năm 2019, TPHCM cũng xây dựng khu công nghiệp mới rộng khoảng 600 ha, dành cho các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. TPHCM cũng nỗ lực để từ năm 2020 có thể sẵn sàng chào hàng các khu đất khác cho nhà đầu tư.
Nhìn nhận hạn chế của TPHCM, nhất là vấn đề kẹt xe, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho hay, vấn đề này đã được TPHCM nhận diện rõ và có kế hoạch từng bước khắc phục. Cụ thể, TPHCM đang tập trung thực hiện các dự án phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ như hình thành 6 tuyến tàu điện ngầm triển khai các dự án đường trên cao, hoàn thiện, khép kín các tuyến đường vành đai… Trong đó, TPHCM đang “chạy nước rút” để đến năm 2021 sẽ đưa vào khai thác tuyến tàu điện ngầm đầu tiên (tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên) và triển khai dự án metro Bến Thành - Tham Lương… TPHCM cũng trao đổi với các bộ ngành của Chính phủ để hoàn thiện các tuyến đường vành đai nói riêng và hệ thống hạ tầng giao thông nói chung của TPHCM.
“Việc hoàn thành, đưa vào khai thác cần có thời gian nên chúng tôi mong rằng các bạn cố gắng chịu đựng trong vài năm nữa”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân bộc bạch.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cũng chia sẻ chiến lược mang tính tiên phong của địa phương, đặc biệt là chiến lược phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, người dân hạnh phúc. Mục tiêu tổng quát này đã được cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch và đầu việc cụ thể.
Trước tiên, TPHCM đẩy nhanh tiến độ xây dựng đô thị thông minh. Đối với chương trình này, vài ngày tới, TPHCM sẽ công bố 4 cấu phần đầu tiên, bao gồm trung tâm điều hành TPHCM, trung tâm mô phỏng và dự báo phát triển kinh tế TPHCM; trung tâm cơ sở dữ liệu ở và trung tâm an toàn thông tin. Ngoài ra, TPHCM cũng đầu tư phát triển giáo dục thông minh, y tế thông minh, giao thông thông minh, du lịch thông minh…
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng phân tích, TPHCM hiện là một trong những thành phố của Việt Nam có hệ thống hạ tầng viễn thông tốt nhất và đã có chương trình hợp tác, sớm triển khai dịch vụ viễn thông thế hệ 5. Cùng đó, TPHCM cũng sẽ đi đầu trong việc số hóa toàn bộ tài nguyên của mình, góp phần nâng cao năng suất lao động.
Bên cạnh đó, TPHCM đang tập trung xây dựng khu đô thị sáng tạo phía Đông, nhằm tạo hạt nhân phát triển kinh tế số, kinh tế tri thức cho TPHCM.
Mặc khác, TPHCM cũng thành lập đoàn với thành phần là lãnh đạo Thành ủy, UBND TPHCM, lãnh đạo nhiều sở ngành cùng các chuyên gia đến các trung tâm ứng dụng trí tuệ nhân tạo nổi tiếng của Đức, đến các nơi thực hiện thành công mô hình đô thị sáng tạo, đô thị thông minh ở Hà Lan để học hỏi kinh nghiệm. Đặc biệt là tham khảo kinh nghiệm để từng bước hoàn thiện chương trình ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Không quên đề cập đến những vấn đề dân sinh khác, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, TPHCM cũng rất quan tâm làm cho TPHCM đáng sống hơn, với chương trình xanh hóa và sáng hóa thành phố. Đồng chí cũng dẫn chứng về lượng rác sinh hoạt phát sinh ở địa bàn, khoảng 9 tấn/ngày và mong muốn các nhà đầu tư đủ năng lực, có kinh nghiệm cùng với chính quyền TPHCM biến lượng rác thành điện.
“Để TPHCM là nền kinh tế số, kinh tế tri thức, thành phố thông minh, người dân hạnh phúc thì chúng tôi phải lo về chỗ ở cho người dân”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhìn nhận trách nhiệm.
Theo đồng chí, hiện 60% nhà ở trên địa bàn TPHCM là bán kiên cố. Nhu cầu chuyển đổi sáng nhà kiên cố là rất lớn. Song, trong quá trình chuyển đổi, TPHCM sẽ chỉnh trang đô thị, vừa tạo ra quỹ đất cho các hộ dân khác cũng như không gian phục vụ phát triển các ngành dịch vụ. Việc này TPHCM không làm một mình và rất cần sự chung sức của các doanh nghiệp.
Cam kết bảo vệ nhà đầu tư để đầu tư ổn định, lâu dài
Trước đó, phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, đây là sự kiện quan trọng, là bước khởi đầu để các nhà đầu tư tìm hiểu dự án, cơ chế, chính sách ưu đãi của TPHCM. Đây cũng là dịp để các nhà đầu tư trao đổi, nhận diện các tiềm năng và cơ hội đầu tư, cũng như gặp gỡ, đối thoại với các cơ quan chức năng, nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh.
“Thông qua hội nghị, giúp TPHCM nhận diện các tồn tại, hạn chế trong chính sách thu hút đầu tư”, người đứng đầu chính quyền TPHCM bày tỏ và khẳng định, từ đó, TPHCM sẽ đề ra các cơ chế, giải pháp tạo môi trường thuận lợi, góp phần đẩy mạnh xã hội hóa, tạo nguồn lực quan trọng để phát triển TPHCM.
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, TPHCM là một đô thị đặc biệt. Hiện nay, TPHCM là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng GRDP, đóng góp khoảng 24% tổng sản phẩm quốc nội, 28% thu ngân sách, 16% sản lượng công nghiệp và 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
“TPHCM cũng là nơi đầu tư hấp dẫn nhất khi lũy kế đến nay đã có trên 8.000 dự án FDI đầu tư với tổng mức đầu tư đạt 45 tỷ USD và 152 dự án hợp tác công tư đã và đang triển khai thực hiện với tổng mức đầu tư là 20 tỷ USD”, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong dẫn chứng.
TPHCM cũng đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Từ đó, TPHCM trở trành nơi vận hành sống động của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khi doanh nghiệp trở thành một động lực quan trọng của kinh tế TPHCM, đóng góp đến 55% GRDP và chiếm 72% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Dù vậy, hiện nay TPHCM đang từng bước chuyển mình trở thành siêu đô thị và đang đối mặt với nhiều thách thức như ô nhiễm môi trường, ngập nước, kẹt xe… Những thách thức này không chỉ là trở ngại mà còn là rào cản tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế, khả năng cạnh tranh của TPHCM.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong bày tỏ, để đạt được tăng trưởng 8-8,5% trong giai đoạn 2016-2020, TPHCM cần huy động vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 78 tỷ USD. Trong đó, nhu cầu đầu tư xây dựng cơ bản khoảng 40 tỷ USD. “Đây là một khó khăn, thách thức rất lớn đối với TPHCM”, người đứng đầu chính quyền TPHCM nhìn nhận và cho hay, nguyên do khả năng cân đối của TPHCM chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu.
Cùng đó, tỷ lệ điều tiết cho ngân sách TPHCM giảm từ 23% xuống còn 18% làm nguồn thu ngân sách TPHCM giai đoạn 2017-2018 hưởng theo phân cấp giảm 16.000 tỷ đồng. Điều này đã tác động trực tiếp đến nguồn vốn của TPHCM.
Trong khi đó, sự phát triển chậm lại của TPHCM sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước. Chính vì vậy, thông qua hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM kêu gọi nhà đầu tư hãy đến đầu tư và phát triển cùng TPHCM.
“Chỉ cần 1 nhà đầu tư tham gia 1 dự án thì TPHCM được tiếp thêm một động lực mới để hoàn thành sớm các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ X, cũng như các dự án thuộc 7 chương trình đột phá của TPHCM”, người đứng đầu chính quyền TPHCM bày tỏ sự trân trọng đối với các nhà đầu tư.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cam kết sẽ có trách nhiệm bảo vệ lợi ích chính đáng của các nhà đầu tư và sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp cảm thấy yên tâm nhất khi đầu tư vào TPHCM hoạt động ổn định, lâu dài.
“Chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng, một môi trường đầu tư tốt đối với doanh nghiệp không chỉ dừng ở chính sách ưu đãi mà quan trọng hơn, đó là sự đồng hành và hỗ trợ kịp thời của chính quyền TPHCM”, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Kêu gọi đầu tư gần 54 tỷ USD vào 210 dự án Tại hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2019, TPHCM đã giới thiệu mời gọi đầu tư vào tổng cộng 210 dự án với tổng nhu cầu vốn là 1.183.610 tỷ đồng (tương đương 53,8 tỷ USD). Cụ thể, TPHCM kêu gọi đầu tư 85 dự án hạ tầng giao thông, có tổng vốn 923.630 tỷ đồng (tương đương 41,983 tỷ USD); 36 dự án cơ sở hạ tầng, có tổng vốn 108.023 tỷ đồng (4,91 tỷ USD); 2 dự án nông nghiệp, có tổng vốn đầu tư 1.600 tỷ đồng (73 triệu USD); 9 dự án thương mại - dịch vụ, có tổng vốn 16.382 tỷ đồng (745 triệu USD); 29 dự án chỉnh trang đô thị, có tổng 46.950 tỷ đồng (2,134 tỷ USD); 14 dự án giáo dục, có tổng vốn 3.046 tỷ đồng (138 triệu USD); 6 dự án y tế, có tổng vốn 13.079 tỷ đồng (598 triệu USD); 15 dự án lĩnh vực văn hóa - thể thao, có tổng vốn 68.190 tỷ đồng (3,1 tỷ USD) và 14 dự án trong lĩnh vực du lịch - giải trí, với tổng vốn 2.710 tỷ đồng (123 triệu USD). Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở KH-ĐT giới thiệu về 4 hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất theo quy định hiện hành. Đó là lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất theo thủ tục quyết định chủ trương đầu tư; giao đất có thu tiền sử dụng, cho thuê đất theo hình thức đấu giá; lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu và theo hình thức đối tác công tư (PPP). Bà Lê Thị Huỳnh Mai cũng trình bày chi tiết một số đặc điểm chính của từng hình thức lựa chọn nhà đầu tư để nhà đầu tư hiểu rõ hơn về các điều kiện, thủ tục, quy trình thực hiện hồ sơ, đấu thầu… |
Tiến độ tất cả các dự án sẽ được công khai trên app Để đảm bảo quyền lợi của người dân trước tình trạng “mù mờ” về các dự án, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết: TP sẽ tự chủ động triển khai công khai dự án trên app cho người dân và DN biết dự án đang làm tới đâu, tình trạng pháp lý ra sao để người dân không bị lừa khi đầu tư, mua bán, sang nhượng dự án. Hiện có nhiều trường hợp dự án chỉ mới được cho phép nghiên cứu, đã rao bán. Một số dự án chưa đủ cơ sở pháp lý, chưa được phép bán nhưng vẫn rao bán, khiến người dân bị lừa. Do vậy, UBND TPHCM giao Sở Xây dựng ngay trong tháng 5 này phải triển khai công khai thông tin cho dân biết về toàn bộ dữ liệu các dự án trên địa bàn TPHCM. * 210 dự án được TPHCM mời gọi đầu tư (với tổng nhu cầu vốn đầu tư là 1.183.610 tỷ đồng, tương đương 53,804 tỷ USD) gồm: - 85 dự án hạ tầng giao thông (55 dự án cầu - đường bộ, 7 dự án giao thông đường thủy, 8 dự án đường sắt nội đô, 15 dự án đường bộ nội bộ), với nhu cầu vốn 923.630 tỷ đồng, tương đương gần 42 tỷ USD. - 36 dự án cơ sở hạ tầng (4 dự án bãi đậu xe, 28 dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị, 4 dự án giảm ngập nước), với nhu cầu vốn 108.023 tỷ đồng, tương đương 4,9 tỷ USD. - 2 dự án nông nghiệp, với nhu cầu vốn 1.600 tỷ đồng, tương đương 73 triệu USD. - 9 dự án thương mại - dịch vụ, với nhu cầu vốn 16.382 tỷ đồng, tương đương 745 triệu USD. - 29 dự án chỉnh trang đô thị, với nhu cầu vốn 46.950 tỷ đồng, tương đương 2,134 tỷ USD. - 14 dự án giáo dục, với nhu cầu vốn 3.046 tỷ đồng, tương đương 138 triệu USD. - 6 dự án y tế, với nhu cầu vốn 13.079 tỷ đồng, tương đương 598 triệu USD. - 15 dự án văn hóa - thể thao, với nhu cầu vốn 68.190 tỷ đồng, tương đương 3,1 tỷ USD. - 14 dự án du lịch - giải trí, với nhu cầu vốn 2.710 tỷ đồng, tương đương 123 triệu USD. * Doanh nghiệp muốn đầu tư, liên hệ: 1. Sở KH-ĐT, số 32 Lê Thánh Tôn, quận 1. ĐT: (+84) 028.38 293 179; Email: skhdt@tphcm.gov.vn. Website: www.dpi.hochiminhcity.gov.vn hoặc www. ppp.tphcm.gov.vn. 2. Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (ITPC), số 51 Đinh Tiên Hoàng, quận 1. ĐT: (+84) 028. 39 111 314; Email: investment@itpc.gov.vn hoặc phonglt@itpc.gov.vn. Website: www.itpc.hochiminhcity.gov.vn |