Liên quan đến dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm (KĐTMTT), chiều 29-5, bên hành lang Quốc hội, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho hay, sau khi kỳ họp Quốc hội kết thúc, Bí thư Thành ủy TPHCM sẽ gặp bà con Thủ Thiêm.
“Hiện Chính phủ đang thanh tra, chưa công bố kết luận. Tôi đã hứa bà con quận 2 rồi”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho biết.
Sẽ có giải pháp xử lý thỏa đáng cho người dân
Bí thư Thành ủy TPHCM cho biết, ngày 15-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp với các bộ ngành, UBND TPHCM bàn về việc xử lý khiếu nại, tố cáo của người dân tại dự án này. Cuộc họp còn có sự tham dự của các nguyên lãnh đạo UBND và kiến trúc sư trưởng TPHCM. Thủ tướng đã giao Thanh tra Chính phủ rà soát, làm rõ các nội dung khiếu nại của người dân về việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất, đề xuất biện pháp giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Thanh tra Chính phủ phải báo cáo kết quả trước ngày 15-7.
“Thủ tướng yêu cầu 15-7 phải xong, nhưng Thanh tra Chính phủ nói cố gắng 15-6 xong. TPHCM cũng đã chuẩn bị báo cáo nhưng phải chờ kết luận của Thanh tra Chính phủ”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho hay.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khẳng định tinh thần là sẽ có giải pháp xử lý thoả đáng cho người dân.
Liên quan đến vấn đề này, Đoàn ĐBQH TPHCM cũng vừa có báo cáo gửi Ban Dân nguyện Quốc hội về ý kiến cử tri liên quan đến dự án này.
Theo Đoàn ĐBQH TPHCM, thực hiện chủ trương xây dựng một khu đô thị mới hiện đại, văn minh ở TPHCM, căn cứ hồ sơ theo quy định của Thủ tướng và Bộ Xây dựng xem xét phê duyệt quy hoạch xây dựng KĐTMTT, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 367 ngày 4-6-1996 về phê duyệt quy hoạch xây dựng KĐTMTT.
Trong thời gian qua, các buổi tiếp xúc cử tri quận 2 (TPHCM) trước và sau các kỳ họp Quốc hội, cử tri quận 2 đã có nhiều khiếu nại, kiến nghị, phản ánh liên quan đến dự án này.
Cử tri đề nghị làm rõ các vấn đề liên quan đến cơ sở pháp lý để TPHCM thực hiện quy hoạch, thu hồi nhà đất để tiến hành thực hiện dự án. Cử tri cho rằng quyết định 367 gồm các nội dung: KĐTMTT có diện tích 930ha, trong đó khu đô thị mới rộng 770ha, khu tái định cư 160ha và quyết định này cũng phân rõ khu vực trung tâm khu đô thị và khu tái định cư rộng 160ha liền kề nhau. Nhưng sau đó, trong quá trình thực hiện đã không như quy hoạch ban đầu khi TPHCM lấy thêm đất của dân ngoài ranh để nhập vào khu trung tâm đô thị. Sau đó, phần đất tái định cư cho người dân thì bố trí rải rác nhiều nơi.
Căn cứ quy hoạch được phê duyệt tại Quyết định số 13585/KTST-QH ngày 16-9-1998 của Kiến trúc sư trưởng TPHCM, Sở TN-MT TPHCM đã tham mưu, báo cáo UBND TPHCM ban hành quyết định thu hồi đất số 1997/QD-UB ngày 10-5-2002 về việc thu hồi đất và giao đất xây dựng KĐTMTT với diện tích 621,4328ha, vị trí ranh giới khu đất thu hồi được xác định trên Bản đồ số 02BB-BQL do Công ty Đo đạc địa chính công trình lập, Sở Địa chính - Nhà đất TPHCM duyệt ngày 3-5-2002.
Nhiều cử tri cho rằng, nhà đất của họ nằm ngoài ranh giới quy hoạch KĐTMTT nhưng vẫn bị cưỡng chế; UBND quận 2 không ban hành quyết định thu hồi đất đến từng hộ dân mà chỉ căn cứ vào quyết định của UBND TPHCM để thu hồi là không đúng pháp luật... Do đó, người dân khiếu nại từ nhiều năm nay.
Cử tri để nghị làm rõ có tham nhũng, lợi ích nhóm hay không
Cử tri đề nghị làm rõ việc UBND TPHCM điều chỉnh quy hoạch KĐTMTT bằng quyết định số 6565 ngày 27-12-2005 có đúng quy định không. Nhiều cử tri cho rằng quyết định này không thể thay thế quyết định 367 của Thủ tướng vì quyết định của Thủ tướng chỉ được phép điều chỉnh bằng một quyết định khác của Thủ tướng.
Cử tri yêu cầu công khai bản đồ kèm theo quyết định 367 của Thủ tướng. Các cử tri có nhiều ý kiến bức xúc trước thông tin chưa tìm thấy bản đồ quy hoạch gốc 1/5.000 của KĐTMTT và đặt ra nhiều nghi vấn liệu có khuất tất trong vấn đề này.
Cử tri cũng đã đưa ra tấm bản đồ 1/10.000 về “Sơ đồ điều chỉnh quy hoạch các khu vực không bán nhà thuộc quyền sở hữu nhà nước ở quận 2” và cho rằng theo bản đồ này thì một số khu vực không nằm trong ranh giới đất thuộc diện bị thu hồi để thực hiện dự án. Cử tri đề nghị TPHCM thông tin công khai, minh bạch vấn đề này; xác định rõ ranh giới quy hoạch và giải quyết, trả lời các kiến nghị, khiếu nại của người dân có liên quan đến nội dung trên.
Cử tri cũng cho rằng quá trình triển khai dự án có nhiều việc thực hiện chưa đúng quy định pháp luật. Nhiều ý kiến phản ánh: chính sách, cơ sở để tiến hành kiểm đếm, lập hồ sơ giải tỏa, đền bù trong nhiều trường hợp chưa đúng quy định của luật pháp, chưa chính xác, lập hồ sơ thiếu… Một số cử tri phản ánh không nhận được quyết định cưỡng chế, không được mời làm việc, chính quyền không lập hồ sơ di dời, gia đình chưa ký các văn bản liên quan vẫn bị cưỡng chế, giải tỏa... Những khiếu nại, kiến nghị của cử tri chưa được chính quyền giải quyết thỏa đáng.
Nhiều cử tri cho rằng, các chính sách đền bù, giải tỏa tái định cư còn nhiều bất cập, giá bồi thường cho người dân quá thấp. Có cử tri dẫn chứng chỉ được đền bù 18 triệu đồng/m2 nhưng khi liên hệ với một doanh nghiệp bất động sản thì được báo giá 350 triệu đồng/m2. Có cử tri cho biết khi giải tỏa chỉ được nhận tiền đền bù khoảng 94 triệu đồng, được tái định cư nhưng phải đóng thêm 800 triệu đồng mới được mua được một căn hộ trong chung cư tái định cư. Người dân không đủ tiền mua nên rất khó khăn. Vì vậy, đề nghị phải xem lại đơn giá bồi thường cho những người dân bị ảnh hưởng.
Nhiều cử tri phản ánh công tác tái định cư chưa bảo đảm chất lượng, đường sá hư hỏng, các khu tạm cư nhếch nhác, nhà bị thấm, dột không sửa được, hệ thống thoát nước, an ninh trật tự không bảo đảm… và đề nghị giải quyết rốt ráo cho dân.
Đặc biệt, không ít cử tri đề nghị làm rõ có hay không tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong quá trình thực hiện dự án KĐTMTT?
Cử tri đề nghị tổ ĐBQH báo cáo Quốc hội, Chính phủ và Trung ương để tổ chức thanh tra đoàn thanh tra liên ngành của Trung ương; tiến hành thanh tra toàn diện đối với dự án này, làm rõ các nội dung bức xúc. Cụ thể, cử tri cho rằng cơ sở pháp lý trong quá trình thực hiện, điều chỉnh quy hoạch KĐTMTT chưa đúng, đồng thời trong quá trình triển khai có những việc không đúng quy định pháp luật. Cần phải làm rõ những nội dung quan trọng này.
Cử tri đề nghị làm rõ từ khi triển khai dự án đến nay ngân sách Nhà nước thu được bao nhiêu, trong khi đó tiền đi vay để đền bù giải tỏa rất lớn. Cử tri cũng phản ánh thông tin và đề nghị làm rõ việc 4 con đường chưa đầy 12km trong KĐTMTT giá rất cao, 12.000 tỷ đồng, thanh toán bằng quỹ đất có giá trị lớn.
Báo cáo của Đoàn ĐBQH TPHCM cho hay, người dân đồng tình thực hiện quy hoạch KĐTMTT nhưng phải làm đúng quy hoạch, hiện nay là không thực hiện đúng như quy hoạch. Sau nhiều năm có quy hoạch, KĐTMTT vẫn còn dở dang, chưa hoàn chỉnh, đầu tư cơ sở hạ tầng có hạn; chưa thấy các công trình như quy hoạch… trong khi đất khu đô thị lại được giao cho nhiều nhà đầu tư xây dựng đất dự án nhà ở thương mại, biệt thự.
Cử tri đề nghị Đoàn ĐBQH TPHCM, HĐND TPHCM, Tổ ĐBQH phải giám sát việc thực hiện dự án để bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của người dân. Việc thực hiện dự án phải đúng quy định, công khai minh bạch; nếu chính quyền thấy sai thì cần đối thoại với dân, cùng giải quyết và sửa sai, xác định rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm các trường hợp làm sai.